Xuất hiện 'cò' tư vấn pháp luật

Lợi dụng nhiều cơ quan, tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật (TVPL) miễn phí, một số người đã tiếp cận để được TVPL rồi về tư vấn lại cho người có nhu cầu vì mục đích tư lợi cá nhân.

Người dân nên đến các điểm tư vấn pháp luật miễn phí có uy tín để được tư vấn pháp luật Trong ảnh: Các luật sư, luật gia của Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Đoàn Phú

Người dân nên đến các điểm tư vấn pháp luật miễn phí có uy tín để được tư vấn pháp luật Trong ảnh: Các luật sư, luật gia của Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Đoàn Phú

Theo một số luật gia, luật sư của Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh, tình trạng trên diễn ra khá phổ biến. Đa phần “cò” TVPL kiểu này đều là “cò” đất, thường hỏi về các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, bất động sản...

* Dấu hiệu nhận biết “cò” TVPL

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm TVPL Hội Luật gia tỉnh - phụ trách điểm TVPL miễn phí của Hội Luật gia tại Báo Đồng Nai cho biết, trong quá trình TVPL cho người dân, ông cũng phát hiện ra một số trường hợp “cò” TVPL. Họ thường mang danh nghĩa người thân, người được người dân ủy quyền tiếp cận luật sư, luật gia nhờ TVPL để rồi về tư vấn lại cho người khác để nhận thù lao.

Cụ thể như trường hợp ông N.V.K. (ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) tìm đến điểm TVPL miễn phí của Hội Luật gia tại Báo Đồng Nai để nhờ luật sư tư vấn về một vụ tranh chấp đất đai. Do ông K. trình bày như là vụ việc của cá nhân ông nên được luật sư Định tận tình tư vấn cặn kẽ. Tuy nhiên, do thấy ông K. thường đến tư vấn và mỗi lần là một vụ việc khác nhau nên luật sư đã nghi ngờ.

Gần đây, ông N.V.K. lại tiếp tục đến điểm TVPL miễn phí của Hội Luật gia tại Báo Đồng Nai nhờ TVPL về một vụ tranh chấp đất đai. Luật sư Định đã hỏi dò và ông K. phải thừa nhận tư vấn giúp cho trường hợp bà N.T.A. (ngụ cùng địa phương). Qua trao đổi với bà A., luật sư mới biết ông K. hành nghề môi giới đất đai, hứa giúp đỡ bà tìm cách giải quyết rắc rối về tranh chấp đất đai, bù lại bà phải chi tiền xăng, xe, lo chi phí.

Luật gia Lê Văn Nhân, phụ trách điểm TVPL của Hội Luật gia tỉnh ở phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) cho biết, trong thời gian qua, ông đã từ chối gần 10 trường hợp “cò” TVPL. Lý do vì những người này lấy danh nghĩa giúp đỡ người khác nhưng không trên tinh thần thiện nguyện mà vì mục đích tư lợi, không vì mục đích đoàn kết cộng đồng, không loại trừ khả năng “xúi” người dân khiếu nại, tố cáo, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trong thời gian qua, hoạt động TVPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, đối tượng yếu thế (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em...) đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện. Đây là hoạt động nhân văn, có ý nghĩa và được người dân tin tưởng, đón nhận. Do đó, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngày càng có đông đảo người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với dịch vụ này.

Luật sư Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho hay, nạn “cò” TVPL làm ảnh hưởng tới uy tín nghề nghiệp, tinh thần thiện nguyện của giới luật gia, luật sư, trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động TVPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho dân. Muốn dẹp được nạn “cò” này, các địa phương, tổ chức hành nghề luật sư, luật gia, trợ giúp pháp lý phải tuyên truyền thật sâu rộng hoạt động, địa chỉ của mình để người dân có nhu cầu tự tìm đến, không phải thông qua “cò” nữa.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cũng lưu ý, những cơ quan, đơn vị, tổ chức nào muốn triển khai các hoạt động TVPL, trợ giúp pháp lý cần phải đăng ký với Sở Tư pháp tỉnh để quản lý, đưa hoạt động vào nền nếp. Trong quá trình quản lý nhà nước về hoạt động này, Sở luôn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không được lợi dụng hoạt động TVPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho dân khi không đủ điều kiện về pháp luật, giấy phép, bằng cấp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Luật sư Nguyễn Đức, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, rất dễ để nhận biết “cò” TVPL, chỉ cần luật sư yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan tới vụ việc cần tư vấn là phát hiện ra ngay. Dấu hiệu nhận biết “cò” là tên người tới nhờ tư vấn là A., còn nội dung trong đơn họ nhờ tư vấn là cho người B. Do đó, cần yêu cầu người B. phải có mặt thì mới TVPL.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202002/xuat-hien-co-tu-van-phap-luat-2989039/