Xuất hiện ca nhiễm bệnh dại từ thú ăn kiến đầu tiên trên thế giới

Theo báo cáo mới nhất, một con thú ăn kiến nhiễm bệnh dại ở vườn thúTennessee có khả năng đã lây lan loại virus chết người này cho hơn chục người tiếp xúc.

Loại thú ăn kiến được cho là đã truyền bênh dại sang người.

Loại thú ăn kiến được cho là đã truyền bênh dại sang người.

Vụ lây nhiễm bất thường đánh dấu lần đầu tiên con người thấy bệnh dại xuất hiện ở loài động vật này - một loại thú ăn kiến từ Nam Mỹ được gọi là tamandua (hay còn gọi là cầy vòi) miền Nam hay thú ăn kiến nhỏ (Tamandua tetradactyla), theo báo cáo được công bố trên tạp chí Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong, một tạp chí của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Con thú ăn kiến được đề cập trong báo cáo đã được chuyển đến từ một vườn thú ở Virginia và bị nhiễm một biến thể của bệnh dại không thường thấy ở Tennessee, có nghĩa là con vật có khả năng đã nhiễm virus trước khi chuyển giao, theo báo cáo.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trường hợp này cho thấy khả năng “lây lan bệnh dại” từ khu vực địa lý này sang khu vực địa lý khác thông qua sự di chuyển của động vật.

Vụ việc bắt đầu vào đầu 5/2021, khi con thú ăn kiến được chuyển từ vườn thú Virginia đến một vườn thú ở Hạt Washington, Tennessee, nơi nó được nuôi chung với một con thú ăn kiến khác.

Báo cáo cho biết vào cuối 6/2021, thú ăn kiến được chuyển đến bắt đầu có dấu hiệu ốm, bao gồm hôn mê, chán ăn và tiêu chảy. Lúc đầu, các bác sĩ thú y cho rằng, thú ăn kiến bị nhiễm trùng do vi khuẩn và kê đơn thuốc kháng sinh.

Khi các triệu chứng của con vật tiếp tục trở nên xấu hơn, các bác sĩ thú y tại một trường cao đẳng gần đó đã khám cho nó. Nhưng lúc đầu, các nhân viên tại trường đại học không coi bệnh dại là một chẩn đoán khả thi vì không thấy con vật có bất cứ vết cắn nào trên người (cách lây nhiễm phổ biến của bệnh dại) và bệnh dại chưa từng được báo cáo xảy ra ở loại thú ăn kiến này.

Điều đáng nói là tamanduas có nhiệt độ cơ thể rất thấp là 91 độ F (33 độ C) - một trong những nhiệt độ cơ thể thấp nhất so với bất kỳ động vật có vú nào đang hoạt động trên cạn, theo Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego - và nhiệt độ cơ thể thấp như vậy được cho là có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh dại.

Sau khi con thú ăn kiến này tử vong, các bác sĩ thú y đã tiến hành mổ xác để tìm hiểu lý do tại sao con vật phát bệnh, và các mẫu mô não của thú ăn kiến đã được xét nghiệm sơ bộ dương tính với bệnh dại vào ngày 16/8/2021. CDC đã tiến hành xét nghiệm bổ sung và cơ quan này đã xác nhận chẩn đoán bệnh dại vào ngày 21/8/2021.

Khi đánh giá những người đã tiếp xúc với con thú ăn kiến, các chuyên gia khuyến cáo 13 người trong số này cần được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với virus, bao gồm việc tiêm nhiều mũi vắc-xin phòng bệnh dại. Tất cả 13 người đều đồng ý nhận điều trị.

Báo cáo cho biết, kể từ ngày 1/4/2022, không có thêm trường hợp mắc bệnh dại nào liên quan đến trường hợp này - ở người hay động vật - được xác định ở Tennessee hoặc Virginia.

Theo Livescience

Đức Mạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/xuat-hien-ca-nhiem-benh-dai-tu-thu-an-kien-dau-tien-tren-the-gioi-Yl4Ol5w7R.html