Xuất hiện bà mẹ chồng cay nghiệt nhất trong phim 'Tổ ấm nhìn trên cao'

Nếu 'Sống chung với mẹ chồng' xây dựng một người phụ nữ quê mùa, hiền lành, bất cẩn và có phần cổ hủ đối với con dâu. Thì Tổ ấm nhìn trên cao của đạo diễn Lê Đại Dương lại khắc họa một bà mẹ chồng với tính cách cay nghiệt, độc đoán ngay cả khi không sống cùng con cái. Sự xuất hiện của bà mẹ chồng đã góp phần to lớn tạo nên thành công cho bộ phim 'Tổ ấm nhìn trên cao' của đạo diễn Lê Đại Dương.

“Tổ ấm nhìn trên cao” là câu chuyện có thật được đạo diễn Lê Đại Dương chuyển thể thành phim. Bộ phim là cuộc đời của Hạnh – người không chỉ chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng mà còn luôn phải tranh đấu với mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu và cả những bất cấp trong cuộc sống thường ngày.

Vượt xa chuyện mẹ chồng muôn thưở

Mặc dù không phải là bộ phim mẹ chồng - nàng dâu, thế nhưng “Tổ ấm nhìn trên cao” lại phản ánh rõ nét mối quan hệ này. Với tính cách độc đoan, cay nghiệt của bà mẹ chồng đã đẩy cuộc đời của nhân vật chính vào hết bế tắc này đến bế tắc khác.

Với thất vọng không có cháu trai, nhân vật mẹ chồng luôn tìm cách đổ mọi tội lỗi lên Hạnh - con dâu của mình. Câu nói huyền thoại của bà: “Giờ chị lại đổ tội cho con trai tôi cơ đấy” là một minh chứng cho việc bênh vực con trai một cách mù quáng. Bà tin rằng mọi nguồn cơn tội lỗi đều bắt nguồn từ người phụ nữ mà ra. Vì thế, dù là cháu ruột, nhưng Thủy cũng luôn bị bà nội hắt hủi.

Điều đáng nói rằng, bản thân bà là một người phụ nữ, thế nhưng toàn cảnh bộ phim không có lấy một cảnh bà bảo vệ con dâu hoặc trí ít là rủ lòng thương đối với đứa cháu gái bị chính bố mình đem đi bán. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở việc hắt hủi bà còn coi rẻ thân phận của người phụ nữ trong gia đình. Đây là nguồn cơn gián tiếp tạo nên mọi bi kịch cho cuộc đời của Hạnh.

Một phân cảnh trong phim Tổ ấm nhìn trên cao

Một phân cảnh trong phim Tổ ấm nhìn trên cao

Nhóm biên kịch của bộ phim Tổ ấm nhìn trên cao chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ rằng trong thời buổi hiện nay không còn những bà mẹ chồng như thế. Nhưng sự thật ở ngay ngoại ô thủ đô Hà Nội vẫn còn một bà mẹ chồng như thế. Người ta không nhìn thấy không có nghĩa là không có chuyện đó. Cũng giống như xã hội luôn vận động theo chiều hướng tiến lên nhưng cái xấu vẫn tồn tại. Vì thế để bảo vệ và giải phóng những người phụ nữ bị bạo hành, dựa trên câu chuyện có thật chúng tôi cố gắng khắc họa từng nhân vật một cách rõ nét nhất. Đặc biệt sự hiện diện của bà mẹ chồng góp một phần quan trọng cho sự thành công của phim.”

Một phân cảnh trong phim Tổ ấm nhìn trên cao

“Không thể là một bà mẹ cực đoan”

“Tôi nghĩ rằng việc thương con và bảo vệ con ruột của mình là một điều hết sức tự nhiên. Thế nhưng chúng ta không thể bảo vệ con mình bằng cách đổ lỗi cho người khác, dù biết rằng con mình có tội. Đó là một hành động gián tiếp cho việc giết chết con cái. Mỗi bà mẹ đều có quyền dạy bảo con cái, song việc áp đặt, chì chiết con cái như bà mẹ chồng Hạnh thì quả là có một. Mặc dù từng diễn rất nhiều vai mẹ chồng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy ngột ngạt và đau đớn khi hóa thân thành nhân vật.” – Đó là lời chia sẻ của diễn viên Lê Hà khi được hỏi cảm nhận của chị về vai diễn.

Bên cạnh đó chị cũng chia sẻ rằng: “Để hóa thân thành mẹ chồng Hạnh tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Đó không chỉ là sự cách biệt tuổi tác giữa tôi và nhân vật. Điều quan trọng là phải diễn xuất như thế nào cho ra một bà mẹ chồng độc địa, cay nghiệt. Dù có thể người xem sẽ ghét bỏ tôi trong vai mẹ chồng Hạnh. Nhưng nếu tôi không dám hy sinh vì nghệ thuật, thì giá trị nhân văn của bộ phim sẽ không được truyền tải. Tôi cũng hy vọng bạn xem có thể phân biệt rõ ranh giới giữa tôi trong phim và diễn viên Lê Hà ngoài đời thật.”.

Diễn viên Lê Hà ngoài đời thật

Bằng những thước phim “đậm đặc”, Tổ ấm nhìn trên cao là bộ phim đầu tiên lột tả chân thực vấn nạn bạo hành gia đình. Bộ phim không né tránh những đau đớn của người phụ nữ mà được dựng nên bởi những chất liệu rất thực, rất đời của cuộc sống. Bộ phim là lời khẳng định về giá trị bình đẳng trong gia đình; là sự bác bỏ hoàn toàn quan điểm “chồng chúa, vợ tôi”; nêu cao phẩm chất của người phụ nữ và quyền được coi trọng của họ. Bên cạnh đó, Tổ ấm nhìn trên cao cũng là lời kêu gọi giải thoát cho những số phận bèo bạc của người phụ nữ. Hơn lúc nào họ cần được bảo vệ và họ phải tự bảo vệ mình.

Tạ Hiền

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/xuat-hien-ba-me-chong-cay-nghiet-nhat-trong-phim-to-am-nhin-tren-cao-65660.html