Xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động: 'Canh bạc' chưa có hồi kết

Thời gian gần đây, tình trạng một số công dân tỉnh Điện Biên xuất cảnh trái phép (XCTP) ra nước ngoài lao động làm thuê liên tục gia tăng, bất chấp cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm mà người lao động phải gánh chịu. Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên có 245 người dân XCTP sang Trung Quốc, Lào làm thuê. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Quân y BĐBP khám chữa bệnh cho những người XCTP lao động làm thuê trở về nước. Ảnh: Phạm Dũng

Hệ lụy từ “giấc mơ đổi đời”

Xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) đang vào thời điểm thu hoạch lúa và hoa màu nhưng trên nương, dưới ruộng, không khí vẫn tĩnh lặng như ngày thường bởi nhiều bản đìu hiu, vắng bóng người. Dọc con đường liên bản, nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài, chỉ thấy người già và trẻ nhỏ trong bản. Tại bản Huổi Đắp, tôi gặp bà Thào Thị Trí đang trông gần chục đứa trẻ của gia đình và hàng xóm.

Bà Trí không ngần ngại cho biết: “Bố mẹ chúng rủ nhau đi Trung Quốc thu hoạch nông sản thuê cho các trang trại. Nhiều ruộng lúa trong bản phải huy động 4-5 nhà mới đủ nhân lực thu hoạch”. Khi được hỏi đang mùa vụ thiếu gì việc mà bà con phải lặn lội đi xa làm thuê? Bà Trí phẩy tay nói: “Ngày công ở đây chưa tới 70 nghìn đồng, sang Trung Quốc họ trả tới 300 nghìn đồng một ngày, còn nuôi ăn nữa. Tội gì không sang đó”.

Cũng từ suy nghĩ ấy mà Nậm Pồ hiện là địa phương có số người XCTP sang Trung Quốc lao động tự do nhiều nhất tỉnh Điện Biên với 780 người được ghi nhận từ đầu năm 2016 đến nay. 3 năm qua, tình trạng này diễn ra phức tạp, chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại 10/15 xã trên địa bàn huyện. Cùng với Nậm Tin, các xã Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Bủng... luôn “nóng” bởi tình trạng người dân vượt biên trái phép ra nước ngoài làm thuê.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết, phần lớn trường hợp XCTP đi làm thuê đều thuộc diện nghèo, thiếu việc làm ổn định, nguồn thu nhập thấp không đáp ứng cho cuộc sống. Trong khi thị trường lao động tại Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về lao động phổ thông với các công việc giản đơn như: Thu hoạch cây trồng, bốc vác, phụ hồ...

Đáng chú ý, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ bên kia biên giới ưu tiên thuê nhân công giá rẻ là trẻ em, phụ nữ theo hình thức lao động thời vụ, khiến đối tượng tham gia vượt biên đi lao động “chui” ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.

Trở về Nậm Pồ sau 3 tháng trời làm lụng cực khổ, anh Mùa A Phán ở xã Nà Bủng kể: “Nghe người trong xã rủ sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao nên tôi đi thử một chuyến với hy vọng có tiền sửa lại chái nhà kiên cố. Sau nhiều lần di chuyển hàng nghìn cây số đến tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tôi được đưa vào làm việc trong trang trại cách xa khu dân cư, điện nước phập phù, nhà xưởng tạm bợ. Công việc thu hái nông sản cho ông chủ người Trung Quốc không hề nhàn hạ như người môi giới quảng cáo. Tôi phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, tiền công trừ các khoản chi phí quy đổi ra chỉ xấp xỉ 200 nghìn đồng/ngày. Ăn uống kham khổ, nguy cơ bệnh tật cao, không ai bảo ai đều tìm cách quay trở về nhà. Qua được biên giới về đến Việt Nam nhiều người đã khóc òa vì thoát nạn...”.

“Người dân chưa đổi đời, nhưng chính quyền huyện đang phải giải quyết những hậu quả do lao động “chui” ở nước ngoài gây ra. Sản xuất tại nhiều địa phương bị đình trệ do xáo trộn về nguồn nhân lực. Nhiều gia đình cả 2 vợ chồng XCTP bỏ lại con cái cho người thân và cộng đồng những hệ lụy bất ổn về an sinh xã hội. Hàng nghìn lượt người đi lao động “chui” ở nước ngoài đồng nghĩa với hàng nghìn trẻ em chịu thiệt thòi do thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Nhiều trẻ em không được đến trường và chăm sóc y tế do phải trực tiếp mưu sinh hoặc sống “chui” theo bố mẹ. Nguy hiểm hơn là những phụ nữ lao động “chui” luôn đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị lừa bán vào các “động” mại dâm, hoặc ép lấy chồng và làm thân đẻ thuê cho người nước ngoài...” - Bà Bùi Thu Hằng cho biết.

Chờ một hành lang pháp lý

Tình trạng công dân Điện Biên XCTP lao động làm thuê thực sự “nóng” lên từ năm 2015, khi các lực lượng chức năng phát hiện 1.392 trường hợp tại Trung Quốc và Lào, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc với 1.290 người, tăng 420 người so với năm 2014. Sau khi UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công văn số 4332/NC-UBND ngày 9-3-2015, về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn công dân XCTP sang Trung Quốc lao động làm thuê, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã vào cuộc quyết liệt, vì thế, tình trạng công dân Điện Biên đi lao động “chui” tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 1.252 người trong năm 2016.

Tuy nhiên, dòng người vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép lại bùng phát từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Qua trao đổi thông tin giữa lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên và các tỉnh phía Trung Quốc, hiện có 462 công dân Điện Biên đang lao động tại Trung Quốc, trong đó, 371 trường hợp XCTP không được phía Trung Quốc cho cư trú.

Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được các cấp, các ngành trong tỉnh Điện Biên triển khai đồng bộ, nhưng bất chấp rủi ro, nhiều người dân vẫn liều lĩnh vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm do đời sống quá khó khăn, thiếu đất sản xuất và không có việc làm ổn định. Trong khi công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc lại rất lớn, giá công lao động được trả cao hơn so với cùng một công việc ở Việt Nam. Mức thu nhập trung bình một ngày công lao động từ 250.000 - 300.000 đồng chính là sức hút hấp dẫn với những nông dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.

Theo Đại tá Vừ A Khua, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Điện Biên, việc ngăn chặn công dân XCTP sang Trung Quốc làm thuê thực sự nan giải khi lao động phổ thông người Mông, người Hoa (Xạ Phang) thường đi qua các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, thông qua mối quan hệ thân tộc, dân tộc để vượt biên sang Trung Quốc. Những lao động người Thái, Kinh lại tìm cách XCTP qua đường Lạng Sơn, Quảng Ninh đến làm việc tại các công ty, xí nghiệp đánh cá, xưởng sản xuất tại tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông (Trung Quốc). Chỉ một số ít lao động người Mông ở huyện Mường Nhé vượt biên qua đoạn biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Điện Biên theo lối mở A Pa Chải - Long Phú sang Trung Quốc làm thuê vào những dịp nông nhàn.

Được biết, UBND tỉnh Điện Biên đang rốt ráo chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương trao đổi, thống nhất với các cấp, ngành chức năng của tỉnh Vân Nam xây dựng một hành lang pháp lý về hợp tác xuất khẩu lao động và quản lý lao động phổ thông vùng biên giới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, để lao động phổ thông được làm việc hợp pháp, được bảo hộ theo quy định của pháp luật mỗi nước. Trong khi chờ "Thỏa thuận nguyên tắc về quản lý lao động phổ thông vùng biên giới với Trung Quốc" được ký kết, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn nhiều người dân dấn thân vào “canh bạc” XCTP sang Trung Quốc lao động làm thuê mà phần thua thiệt luôn về phía họ.

Long Ngũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuat-canh-trai-phep-ra-nuoc-ngoai-lao-dong-canh-bac-chua-co-hoi-ket/