Xuất cá tra sang Trung Quốc: Đừng để tiểu ngạch 'giết' chính ngạch

Vài năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng rất ấn tượng, trở thành cứu cánh mới cho loài cá da trơn của Việt Nam trong bối cảnh thị trường chính là Mỹ đang gặp nhiều khó khăn do những rào cản kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận, nếu không kiểm soát tốt vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch rất có thể tên tuổi con cá tra Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Xuất khẩu tiểu ngạch chiếm 40%

Trong 5 năm gần đây, xuất khẩu (XK) cá tra sang Trung Quốc luôn tăng trưởng mạnh, với mức tăng từ 21 - 31%/năm. Tính đến hết tháng 5.2018, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 203 triệu USD, chiếm 25,5% tổng kim ngạch XK cá tra và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam.

Cần kiểm soát chặt việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Ảnh: T.L

Ông Dương Nghĩa Quốc khẳng định, Trung Quốc đang dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, thậm chí năm 2016 – 2017 còn là cứu cánh cho chúng ta trong bối cảnh thị trường Mỹ thắt chặt chính sách nhập khẩu bằng các rào cản kỹ thuật.

“Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay, XK cá tra sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch XK. Trong khi đó, giá XK giữa đường chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch khá lớn, lên đến 1USD/kg, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, chất lượng hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch cũng khó được kiểm soát, rất có thể các nhà nhập khẩu với giá rẻ, sau đó lại chế biến sản phẩm dưới tên gọi khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam”- ông Quốc nêu một thực tế.

Trong Công văn số 93/2018/CV-VASEP gửi Bộ NNPTNT thông tin về tình hình XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, VASEP cũng chỉ rõ những bất cập khi XK cá tra sang đường tiểu ngạch.

Theo công văn này, trong khi nhiều quy định của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch bối rối thì XK tiểu ngạch lại không phải chịu những quy định này. Ví dụ, quy định về dư lượng photphat trong cá tra, trong khi hàng không hóa chất châu Âu quy định hàm lượng này không vượt quá 4% thì phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ.

Nếu như cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường chính ngạch phải chịu thuế VAT 17% thì nhập khẩu tiểu ngạch không phải chịu thuế này, thậm chí còn lách được cả thuế nhập khẩu. Theo VASEP, thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh về giá.

Đó là chưa kể, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm đối với mặt hàng cá tra khi kim ngạch XK gia tăng thì chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu theo đường biên mậu hầu như không được kiểm soát. Điều này là không công bằng.

Muốn lâu dài, phải đi bằng đường chính ngạch

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, để hạn chế rủi ro, phát triển ổn định, lâu dài, các doanh nghiệp nhất thiết phải đi bằng con đường chính ngạch để đưa cá tra sang Trung Quốc.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa: I.T

Cũng có một điều khá thuận lợi là, thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3 - 4% kể từ ngày 1.7.2018. Cụ thể, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh giảm từ 10% xuống còn 7%, thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh XK cá tra sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Cũng trong Công văn 93, VASEP đã đề nghị các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra đi qua đường tiểu ngạch, Bộ NNPTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu qua biên giới.

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng chứng thư thủy sản XK theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản XK nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra.

Theo đề nghị của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bộ NNPTNT đang dự thảo công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cung cấp thông tin chi tiết về: Hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản XK nói chung và cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc từ khâu nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước nuôi, giám sát dư lượng hóa chất kháng sinh trong sản phẩm nuôi, quản lý hoạt động thu gom, sơ chế, chế biến, XK.

Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường phối hợp, kiểm tra các lô hàng thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc và chỉ cho phép nhập khẩu các lô hàng thủy sản được sản xuất bởi các cơ sở Việt Nam có tên trong danh sách được phép XK sang thị trường này kèm theo chứng thư do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), XK thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng tới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU. Do vậy, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp thủy sản cần có các biện pháp tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các thị trường để đảm bảo XK thông suốt.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/xuat-ca-tra-sang-trung-quoc-dung-de-tieu-ngach-giet-chinh-ngach-903079.html