Xuân về từ phía Trường Sa

Ngày Hà Nội còn chìm trong giá rét dưới 10 độ C thì từ Cảng quân sự Cam Ranh, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 và cánh báo chí chúng tôi đã rời bến trên 04 chiếc tàu hiện đại chất đầy hàng Tết tỏa đi 4 hướng mang tình cảm của quân dân cả nước, mang hương vị Tết ra với quân dân trên khắp 21 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Những cây quất quà từ Thủ đô được các chiến sĩ nâng niu trân quý vượt trùng khơi ra hải đảo.

Xuân yêu thương

Theo chân các chiến sĩ Lữ đoàn 146 vận chuyển hàng hóa lên các chuyến tàu, chúng tôi choáng ngợp với sự phong phú đa dạng và khối lượng hàng hóa ra đảo. Trung tá Nguyễn Trung Quang - Trưởng phòng Quân nhu Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân cho biết: Ngay từ tháng 11/2017, Vùng 4 Hải quân đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 với đầy đủ nhu yếu phẩm và phong phú chủng loại, bảo đảm quân và dân huyện đảo Trường Sa vui Tết, đón xuân cũng có hương vị truyền thống như trong đất liền.

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các cơ quan đơn vị đã chỉ đạo tăng cường lương thực, thực phẩm; trong đó có những loại thực phẩm tươi sống được bảo quản tốt, có thể để được lâu trong nhiều ngày như thịt lợn, giò, chả, gia cầm… Cụ thể: 2,5 tấn gạo nếp bảo đảm mọi chiến sĩ và dân trên đảo đều có đủ bánh chưng; 110 con lợn tươi sống vượt sóng ra đảo. May mắn cho chúng tôi, chuyến đi thuận về thời tiết nên khi tiếp cận các điểm đảo chìm như Đá Đông B, Đá Đông C... các chú lợn vẫn khỏe, kêu eng éc vang cả đảo khiến đàn chó trên đảo phấn khích quẫy đuôi sủa váng lên chào đón.

Bộ đội mổ lợn gói bánh, thịt gà do chính tay các chiến sĩ chăn nuôi được.

Lượng rau xanh như súp lơ, bắp cải, su hào, su su, bí hồ lô và nhiều loại hoa, quả như bưởi, cam, quýt, dưa hấu, hàng tấn chuối xanh, chanh dây... được đóng gói đảm bảo an toàn, vận chuyển tới các điểm đảo.

Không khí Tết càng ấm áp hơn với sự hiện diện của 40 cây quất do Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” kỳ công mang từ Hà Nội vào. Chiến sĩ trẻ Hồ Anh Tú quê Quảng Trị đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Đông C hào hứng: “Thật bất ngờ vì như thế này anh em sẽ có xuân, có Tết cả tháng trời chứ không phải chỉ là 1 tuần như Tết quê đâu”.

Đặc biệt, quân và dân huyện đảo Trường Sa vui Tết, đón xuân 2018 năm nay sẽ được thưởng lãm một món quà quí là trên 300 giò phong lan, mỗi đảo ít nhất có 4 -20 giỏ cùng các giá thể hoa dơn trắng, 42 cuộn bạt trồng rau tiết kiệm nước được các doanh nghiệp của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng gửi tặng.

“Tổ quốc gọi tên mình”

Lần đầu thực hiện chuyến công tác đảo Trường Sa, tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Ngày rời Hà Nội, Trường Sa trong hình dung của tôi là nơi xa xôi và ghê gớm lắm. Nói về Trường Sa, người ta truyền tai nhau những khó khăn khủng khiếp: thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thực phẩm, thiếu vật dụng sinh hoạt...

Trước ngày lên tàu, chúng tôi được phổ biến về quy định trong đó có nhắc hạn chế tuyên truyền những khó khăn thiếu thốn... Trên thực tế, chính trong điều kiện khắc nghiệt ấy đã tạo nên sức mạnh và bản lĩnh vượt khó của cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam.

Trồng cây mùa xuân trên đảo Trường Sa và Trường Sa Đông.

Trên chuyến tàu KN 490 hành trình tuyến đảo phía Nam thay thu quân và chúc Tết các đảo: Đá Đông, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa, Đá Lát lần này, tôi gặp Thượng úy Đoàn Thanh Bằng, quê Sóc Trăng. Tàu chúng tôi đi được trang bị khá hiện đại, đầy đủ mà thấy anh cứ bồn chồn đếm thời gian mong ngày vào đảo, tôi hỏi anh có hồi hộp không? Anh cười: “Lần thứ 4 ra đảo còn hồi hộp chi nữa”.

Hóa ra anh sốt ruột vì chuyến này ra nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây C. Đón anh phía trước là hàng núi công việc: ổn định quân số mới thay; tổ chức đón Tết cho anh em chiến sỹ trên tinh thần đoàn kết, đầy đủ mà vẫn sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành công việc đoàn công tác giao phó...

Anh cho biết chuyến gần nhất anh rời đảo cách đây chừng 6 tháng, nghĩa là 2 năm liên tiếp anh đón Tết cổ truyền trên đảo.

Những trường hợp các cán bộ sỹ quan Hải quân Vùng 4 đã có thâm niên ra công tác tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần thứ 3 - 4 như Thượng úy Bằng không phải là hiếm gặp. Họ nói về kinh nghiệm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống sinh hoạt nhẹ như không. Chẳng hạn để tiết kiệm nước ngọt cán bộ chiến sỹ tắm giặt bằng nước biển rồi lên bờ “ngồi” tráng mình trong chậu nước. Nước tận dụng được sẽ giặt đồ, tưới rau... Nguồn nước ngọt sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào trời mưa. Cũng có năm mùa khô hạn kéo dài thì sẽ được viện trợ nước ngọt theo tàu từ đất liền chuyển ra kịp thời.

Ngoài đảo không khí trong lành, quần áo bẩn cũng chủ yếu là mồ hôi hoặc đôi khi dính dầu mỡ. Học kinh nghiệm của ngư dân, bộ đội ngâm quần áo trong nước biển vài giờ vớt lên là lại sạch như mới.

Nếu như với người hậu phương vùng biển đảo Trường Sa thiêng liêng mà cách xa vời vợi thì với người lính cụ Hồ, Trường Sa thân thuộc như máu thịt, như quê hương, như mái nhà để đi về.

Trên boong tàu KN 490, tôi đã gặp Trần Văn Trung lần thứ 5 ra nhận nhiệm vụ trên đảo Trường Sa lớn. Trung đã có vợ và hai con hiện sống tại Thái Nguyên. Anh bảo khi ở trong đất liền thì một năm cũng chỉ 1 - 2 lần được về thăm vợ con thôi nên khi mình thông báo ra đảo công tác cũng không ảnh hưởng nhiều đến người thân. Còn Trung úy Nguyễn Công Hoằng, đảo Trường Sa Đông thì có kỷ lục 4 Tết đón xuân trên đảo Trường Sa.

Nhiều cán bộ chiến sĩ khi tôi tiếp xúc đều nói với họ những khó khăn, thiếu thốn ngoài đảo xa chỉ là chuyện rất nhỏ. Điều họ quan tâm nhất, mong mỏi nhất là sự an yên của hậu phương và đó là động lực, là sức mạnh to lớn để họ vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Và giờ đây khi sóng điện thoại đi động đã phủ khắp các điểm đảo thì Trường Sa thân thuộc và gần gũi trên mọi nẻo quê.

Quân dân vui Tết ấm áp.

Tết ấm áp

Sau hành trình lênh đênh rã rời trên biển, cập đảo Trường Sa Đông, đoàn chúng tôi được bồi dưỡng bữa cơm tối thịnh soạn như cỗ tất niên: gà tươi nuôi trên đảo; giò xào, canh rau mồng tơi, chả nem; đặc sản cá bò hấp cuốn lá tra của đảo... ngon đến nghẹn ngào. Ngay phía sau lưng tôi là tấm bảng ghi rõ thực đơn của cả 1 tuần 7 nhân 3 là 21 bữa chỉ có 8 bữa có canh rau. Gọi là canh rau vì có màu xanh của rau chứ đố ai vớt nổi gắp rau! Tuyệt nhiên không có rau luộc, rau xào. Tôi thấm hơn bao giờ hết, mỗi miếng tôi ăn là mồ hôi công sức chắt chiu bao ngày của lính đảo. Nó không còn là thực phẩm thông thường mà là niềm tự hào, là sự ngầm báo cáo thành quả lao động của lính đảo gian lao mà anh dũng.

Từ khi Trường Sa khoác lên mình màu áo mới nhờ có sự quan tâm chăm sóc của hậu phương, hầu hết các đảo đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng rau xanh, nên thực đơn trong những ngày Tết khá phong phú. Nói về thực phẩm đón Tết của bộ đội ở đảo, Trung tá Trương Sĩ Nam - Chỉ huy trưởng Song Tử Tây cho biết: “Nói thật với anh, Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ chẳng khác đất liền. Đất liền có gì, Trường Sa có nấy. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa lớn và các đảo nổi khác đi chơi xuân trên đường băng, hoặc ngồi dưới gốc cây bàng vuông giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm thì hái hoa dân chủ. Phút giao thừa, lính đảo cũng đi hái lộc xuân, ngồi quanh bên nồi bánh chưng. Chỉ khác không được đi dưới tiết mưa xuân như ở đất liền, vì khí hậu Trường Sa luôn khắc nghiệt nắng nóng”.

Những hoạt động văn hóa thể thao diễn ra ngày Tết.

Ở Trường Sa, ngày tất niên tổ chức chiều 28 Tết. Ngay từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới nhất đi dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói giò, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc. Ngày Tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” một bộ quần áo dân sự đẹp nhất, còn lính trẻ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, là quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác; trang trí câu lạc bộ, treo dây xúc xích, chăng đèn kết hoa. Ngoài nơi vui chơi công cộng ở câu lạc bộ, mỗi người lính nhất là sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan chiến sĩ, ai cũng có “một góc riêng tư”. “Góc riêng tư” ấy chưng nơi đầu giường ngủ, hoặc cửa sổ. Trong đó là những bài thơ, lời hay ý đẹp, hoặc tấm ảnh người yêu, hoặc tấm ảnh bố mẹ ở quê nhà. Tất nhiên không thể thiếu hình ảnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, hoặc làm bằng tăm tre, hoặc tấm hình cột mốc chủ quyền. “Tết của lính Trường Sa cũng rất phong phú. Ngoài vị trí bàn thờ Tổ quốc, trưng bày câu lạc bộ hái hoa dân chủ đêm giao thừa, chúng em cũng giành một góc để trưng bày. Trong đó nhiều thứ, nhưng không thể thiếu cột mốc chủ quyền. Vì đây là linh hồn Tổ quốc, và nó thiêng liêng trong lòng mỗi người lính Trường Sa”, chiến sĩ Lê Văn Châu ở đảo Trường Sa chia sẻ.

Làm báo tường và trang trí cảnh quan trên đảo Trường Sa để mừng Đảng, mừng xuân.

Nếu đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, mặc dù bây giờ việc vận chuyển lá dong ra Trường Sa không khó, song bánh chưng gói lá bàng vuông trở thành nét đẹp văn hóa và “bản sắc” của lính đảo, chỉ lính đảo nổi mới có. Giải thích về “bí mật” này, chiến sĩ Châu cho biết: “Bây giờ các đảo đều có lá dong đem từ đất liền để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Bởi trong mỗi cái bánh chưng ấy, có tinh thần thép và mồ hôi mặn mòi của người lính đảo. Sau ba ngày Tết, bánh chưng Trường Sa bao giờ cũng để lại dăm chiếc để đãi đoàn khách từ đất liền thăm đảo đầu năm. Bánh chưng gói bằng lá bàng quả vuông ăn cũng đậm đà hơn, ý nghĩa thiêng liêng hơn”.

Những căn nhà của các hộ dân khoác áo mới đón xuân.

Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảo trưởng nói: “Trong giờ khắc giao thừa linh thiêng năm mới, chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Trường Sa xin hứa với Tổ quốc và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, dù gian khổ đến mấy, dù phải hi sinh đến tính mạng của mình”. Trong phút giây giao thừa ấy, tim những người lính hướng về Tổ quốc, về các liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì một quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi mà Tổ quốc của nó không thể tách rời.

Đọc thư đất liền, món quà tinh thần ý nghĩa nhất của lính đảo.

Huệ Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/xuan-ve-tu-phia-truong-sa.html