Xuân về trên miền rốn lũ

Những ngày áp Tết này, tìm lên miền 'rốn lũ' Nậm Pồ, Điện Biên mới thấy sự vượt khó của người dân ở một huyện xa ngái vừa bị bão lũ tàn phá đáng quý biết nhường nào. Ý chí và sự vươn lên đã tạo cho đất này những sự hồi sinh, để cho một cái Tết an vui nữa lại về.

Vào miền thiên nhiên nổi giận

Những ngày áp Xuân này, trong xu hướng xê dịch, miền đất tôi tìm đến ấy là Nậm Pồ - địa danh được không ít người mệnh danh là “ven trời Tây Bắc” của tỉnh Điện Biên, nơi giáp biên giới Việt Lào.

Thành phố Điện Biên, những ngày này không khí Xuân dường như đã loang dần trong mỗi ngõ ngách. Các dân tộc anh em như Thái, Kháng, Lào, Mông, Khơ Mú… tranh thủ tận dụng quỹ thời gian ngơi nghỉ trong những ngày cuối năm để xúng xính váy áo xuống trung tâm thành phố chơi và mua sắm đồ Tết. Nhưng không khí Tết có lẽ chẳng đâu gần gũi và mang tính đặc trưng biên ải khi người ta “xé gió, vén mây” để ngược phía Tây mà “thốc” lên Nậm Pồ.

Niềm vui mới trên miền rốn lũ Nậm Pồ.

Mùa này, miền biên ải Nậm Pồ, địa danh sát với đất bạn Lào không khí Xuân đã ngần ngật lắm rồi, đong khắp đầu non, ngọn núi. Hơn 150km từ thành phố Điện Biên Phủ vào Nậm Pồ, dọc đường, những thứ cây biểu tượng cho mùa lễ Tết như mơ, mận, đào đã chúm chím ngậm sương, đón nắng, để chờ dịp khai mãn cho cái Tết âm lịch đang cận kề.

Đón chúng tôi trong trụ sở UBND huyện, gạt những hạt mồ hôi rịn ra trên trán, ông Nguyễn Văn Thái – Chủ tịch Nậm Pồ tất bật cho biết, vừa cùng đoàn thể đi tới các thôn để trao quà hỗ trợ và kiểm tra công tác đón Xuân, đón Tết của nhân dân xem thế nào. Bão lũ vừa qua, để dân đói và không có những điều kiện tối thiểu mà vui Xuân là không được.

Cũng theo ông Thái, như đồng bào các vùng miền khác, đồng bào các dân tộc như Thái, Mông, Lào trên đây coi cái Tết cổ truyền là quan trọng lắm. Hơn nữa Nậm Pồ lại là miền đất giáp với nước bạn Lào, theo thông lệ, anh em ở các khu vực biên giới hay có truyền thống mời nhau qua ăn Tết. Nếu để dân đói, dân rét và đặc biệt Tết đến không có cái bánh, chén rượu và đồ nhắm để thết đãi nhau thì không được.

Nậm Pồ gượng dậy sau bão lũ.

Cùng chia sẻ với những lo toan của ông Chủ tịch huyện, nơi được coi là miền rốn lũ, miền lũ quét có một không hai vừa qua ở Tây Bắc, chúng tôi quay về những ngày được coi là khốn khó cách đây gần 4 tháng. Nhớ lại dấu ấn này, ông Thái vẫn chưa hết rùng mình và cho biết, đêm 27 rạng sáng ngày 28/8/2018 là một ngày không thể quên với người dân trên này. Đây là sự kiện mà theo thống kê phải đến 40 năm mới lặp lại một lần với miền đất biên ải Nậm Pồ.

Chiều ấy, trời chuyển cữ, oi nóng khó chịu và mây đen kéo đến. Chạng vạng tối, mây vần vũ, rồi trời đổ nước, mưa như chưa từng có, xối xả tựa như người ta dùng những xô nước mà đổ thẳng xuống núi đồi, ruộng nương, nhà dân. Chỉ sau một đêm mưa trắng trời, trắng núi ấy đã có tới 40 hộ dân ở các bản như Pa Có, Nà Sự, Hô Bai của các xã như Chà Nưa, Phìn Hồ, Chà Cang bị đất đá sạt lở, vùi lấp vào nhà. Và cũng chỉ trong một đêm mưa ngàn gió núi bất thường ấy, hàng trăm ha đất nông nghiệp, lúa ruộng và lúa nương tập trung tại các xã Chà Nưa, Chà Cang… bị bùn đá nhấn chìm.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Bí thư thường trực huyện Nậm Pồ cho biết mưa lũ vào đêm 27 rạng sáng ngày 28/8 đã lấy đi của dân ở miền đất này nhiều thứ quá. Với nơi khác, thiệt hại này có thể không lớn nhưng với miền đất biên ải như Nậm Pồ, mới được thành lập 5 năm, từ việc gộp gom các xã nghèo như Chà Cang, Chà Tở, Na Cô Sa, Nà Bủng, Si Pa Phìn… của hai huyện Mường Nhé và Mường Chà thì thiệt hại trên là vô cùng lớn nếu không có những khắc phục kịp thời.

Cũng theo ông Sơn, bão lũ vừa qua đi chưa đầy 4 tháng, Nậm Pồ được ví như “con nhà nghèo” vừa qua “bạo bệnh”. Tuy nhiên, bằng sự quan tâm cùng với việc đánh thức tinh thần, nghị lực, quyết tâm vượt khó và việc huy động sức dân nên Tết cận kề này, Nậm Pồ đã có những ghi nhận. Trong đó cái được nhất là không để dân đói, dân đứt bữa trong dịp Tết này và cố gắng phấn đấu gia đình nào cũng có một cái Tết đoàn viên và đầy đủ nhất trong điều kiện có thể.

Khi mùa Xuân sẽ về

Sáng áp Xuân, khi sương mù còn đặc quánh trên các thung khe và sườn non, từ trung tâm huyện, chúng tôi theo đường vào với xã Chà Nưa và tìm đến tâm điểm của miền rốn lũ thôn Pa Có. Dọc đường đi, những dấu tích của trận bão lũ cuối tháng 8 vừa qua vẫn “in dấu” khắp nẻo đường. Trong đó ám ảnh nhất ấy là những cây đào – thứ bảo vật đón Xuân của người dân trên mảnh đất biên viễn này bị bùn đất quật nghiêng trong các hộ gia đình. Nhưng cũng như con người nơi đây, các cây đào lưu niên ấy cũng đang gắng chọi để vươn lên, nảy mầm, bung nụ để đón Xuân, đón Tết.

Đón chúng tôi tại trụ sở còn ngấn bùn đất, vương vãi đá hộc từ góc núi lăn xuống còn sót lại, với khuôn mặt đầy vất vả, anh Khoàng Văn Van – Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa vui vẻ: Chỉ trong một đêm, Chà Nưa thiệt hại nhiều quá, với 40 nhà dân bị ngập trong bùn cùng hàng chục ha ruộng nương bị nhấn chìm. Sau bão lũ, tưởng đất và dân nơi đây khó có cơ hội để phục hồi. Ấy vậy các anh thấy không, so với những gì trước đây, đất này đã hồi sinh. Cùng với sự hồi sinh này, những tưởng người dân sẽ không có Tết, thậm chí là mất Tết thì hiện nay việc đón Xuân của họ đã nằm trong tầm tay.

Cũng theo anh Van, để khắc phục bão lũ, xoa dịu nỗi mất mát cho người dân, ngoài các tổ chức thiện nguyện thì với việc huy động hàng ngàn công nhân lao động tại các địa phương, trên tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhà cửa đã được gia cố lại, nhiều diện tích ruộng nương được phục hồi. Đáng chú ý nhất là với khoản hỗ trợ kinh phí từ huyện, nhiều giống cây con ngắn ngày nhanh chóng đã được đưa vào, cùng với đó là việc tạo thu, xóa nhanh chóng tình trạng thiếu đói tại chỗ cho dân.

Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van, chúng tôi tìm vào với Pa Có. Sau 4 tháng mưa lũ, Pa Có vẫn chưa thể hoàn toàn hàn gắn vết thương của thiên tai. Những vạt đồi, những mảnh ruộng của dân vẫn hằn đỏ màu của bùn đất và đá núi. Tuy nhiên cạnh đó, dưới bàn tay lam lũ chuyên cần, khắc phục thiên tai của người dân mà màu xanh của các giống cây ngắn ngày đang nhanh chóng loang ra để không bao lâu nữa sẽ đem lại nguồn thu, nguồn lương thực cho dân.

Trong hơn 40 hộ dân ở Pa Có, gia đình Lèng Văn Khai là một trong những gia đình bị thiệt hại, khi cả căn nhà – vật dụng chiu chắt bao đời bị bão lũ làm sạt lở. Tuy nhiên bằng sự hỗ trợ kịp thời nên đến thời điểm này gia đình ông Khai đã bắt đầu ổn định cuộc sống.

Nắng của những ngày áp Xuân trên miền đất bão lũ vương vít qua khe cửa, ông Khai vừa tất bật tãi món rêu suối để chuẩn bị nguyên liệu làm món Pá pỉnh tộp (một món ăn với nguyên liệu chính từ rêu suối, không thể thiếu vào các dịp Lễ, Tết của người dân trên này) vừa vui vẻ chuyện trò. Theo ông Khai, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, anh em hàng xóm mà hiện nay ông đã có cả gạo nếp để làm bánh Tết và đặc biệt là còn làm được cả món “lảu xiên” (rượu cần) để thết đãi bạn bè, hàng xóm vào những ngày cuối năm nữa.

Bên gốc đào lưu niên còn sót lại trong trận bão lũ, đàn gà độ mươi con của nhà ông Khai đang mải mê giãi thức ăn dưới nắng. Chỉ đàn gà, ông Khai vui vẻ: Tết các anh lên nhé. Nhà tôi dành nó cho dịp Tết đấy. Lên tôi mổ để đãi, trước là mừng cho tai qua nạn khỏi về bão lũ của gia đình, xóm làng, thứ nữa là lấy sức để ra ngoài Tết còn vần đá, khai khẩn lại ruộng để có cái ăn cho gia đình.

Cứ độ này, Tây Bắc, đặc biệt là tại Pa Có, người ta có cảm nhận như không khí Xuân đã đến sớm hơn mọi nơi. Niềm vui nối tiếp niềm vui trong hoàn cảnh người dân nơi đây khắc phục bão lũ đi lên, chuẩn bị tinh thần và điều kiện đón Xuân, đón Tết, chúng tôi gặp Khoàng Văn Dương. Cũng là 1 trong 40 gia đình thoát nạn về bão lũ, tuy gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Dương đã rất vui trong ngưỡng Xuân đang về. Một con lợn bản đã nằm trong chuồng, gần 5 cum thóc đang nằm gác chờ giã để lấy gạo đồ xôi và làm bánh thì anh Dương còn tự ủ cho mình được 2 chum “lảu siêu” (rượu trắng) để chờ cất và đãi khách.

Gật đầu cùng lời mời của Dương sẽ quay trở lại trong một ngày của dịp Xuân mới, chúng tôi ra về khi nắng Xuân cuối ngày vẫn còn vương vấn bên các bìa rừng. Bất chợt từ nơi đỉnh núi, câu hát tìm vợ tìm chồng truyền thống vào dịp lễ Tết của một chàng trai Mông nào đó khe khẽ ngân lên: “Cú cò nhỉa cò, cú nhỉa cò, lỉnh tè…” (Anh và em, anh với em yêu nhau…). Mùa Xuân và tình yêu, Tết đang đến với miền đất này gần gũi lắm rồi.

Đơn Thương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xuan-ve-tren-mien-ron-lu-post55637.html