Xuân về trên hải đảo Tây Nam- Kỳ 1: Khi những trái tim đập cùng…một nhịp

Người ta vẫn thường nói tuổi thanh xuân là chuyến tàu đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người. Và tôi đã thật sự hạnh phúc khi có chuyến tàu thanh xuân đầy trải nghiệm và ý nghĩa nơi đầu sóng ngọn gió hải đảo Tây Nam – nơi những chiến sĩ bộ đội đang ngày đêm canh gác, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc thân yêu.

Chuyến tàu thanh xuân

Tôi là cô phóng viên mới bước chân vào làng báo được vài năm, lại có con nhỏ nên việc đi công tác xa dường như là điều rất khó khăn. Nhìn các anh chị đồng nghiệp cùng cơ quan đi các vùng biên giới, hải đảo mà cảm thấy “thèm” vô tận. Thế rồi, cơ hội đến với tôi khi Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tổ chức các chuyến thăm, chúc Tết và tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng hải đảo của Tổ quốc nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018. Tôi xung phong tham gia chuyến công tác tại Vùng 5 Hải quân – Hải đảo Tây Nam. Đây cũng là chuyến công tác hải đảo đầu tiên của tôi trong nghiệp làm báo. Cảm giác xúc động, xen lẫn tự hào cứ len lỏi trong tôi.

Đoàn chúng tôi hơn 130 người, gồm các đồng chí là lãnh đạo, đại diện các ban ngành, đoàn thể của 9 tỉnh, thành Nam Bộ và gần 40 phóng viên báo đài của Trung ương và địa phương. Ngày lên đường, một cảm giác lo lắng, hồi hộp cứ sóng sánh trong tôi. Lo nhất là chuyện bị say sóng dẫn đến không thể tác nghiệp bởi đây là điều đáng tiếc với bất cứ ai trong cuộc hành trình đầy ý nghĩa này. Các cán bộ, chiến sĩ hải quân trong đoàn ra sức động viên chúng tôi: “Sóng biển dạo này tương đối êm nên các chị em cứ yên tâm nhé”.

Những phóng viên trẻ chúng tôi đã có chuyến tàu thanh xuân thật sự ý nghĩa.. ẢNH:THU HÀ

Trước ngày khởi hành, cô bạn đồng nghiệp Vân Đình của báo Văn nghệ Thái Nguyên bị cảm, sốt, không ăn uống được. Khi đó, chúng tôi đang nghỉ tại Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Đình được bác sĩ phụ trách y tế của Hải đội 512 thăm khám. Lo sợ bệnh tình của Đình bị nặng thêm, bác sĩ túc trực bên cạnh cô suốt một đêm để hạ sốt, liên tục đo huyết áp và không quên cảnh báo nếu sức khỏe không đảm bảo thì Đình sẽ không được tham gia chuyến công tác.

Chỉ nghe đến thế mà cô bạn đồng nghiệp bật dậy ăn hết cả bát cơm một cách ngon lành và nghiêm túc tuân thủ những lời dặn dò của bác sĩ. Đình chia sẻ cô ao ước được ra hải đảo từ lâu. Đây không đơn thuần là một chuyến công tác, đi để viết bài mà còn là chuyến đi của tuổi thanh xuân, sẽ có vô vàn trải nghiệm để hiểu hơn về cuộc sống của người lính và nhân dân nơi biển đảo,…nên cô không muốn bỏ lỡ. Rất may sau đó sức khỏe của Đình ổn định đủ điều kiện tham gia cuộc hành trình. Nhìn ánh mắt, nụ cười của cô bạn, tôi biết Đình còn ấp ủ nhiều điều ý nghĩa trong chuyến đi này.

Trong đoàn phóng viên chúng tôi, có 2 đồng nghiệp có duyên gặp nhau tới 3 lần trong các chuyến công tác hải đảo. Đó là chú Lê Doãn Chiêu, PV báo Cựu chiến binh Việt Nam và bạn Minh Phượng, PV báo Tuổi trẻ. Phượng tâm sự với tôi: “Tính cả lần này là em và chú Chiêu gặp nhau 3 lần đi hải đảo. Hai lần trước là đi Vùng 1 Hải quân và Nhà Giàn”. Trong cuộc đời, cuộc hội ngộ giữa mọi người là lẽ bình thường nhưng phải có duyên đặc biệt, hai người ở hai độ tuổi cách xa nhau mới có thể gặp nhau tới nhiều lần như vậy.

Duyên đó xuất phát từ chính tình yêu của họ với hải đảo, với những người lính biển. Trong câu chuyện về những người lính biển mình từng gặp trong cuộc đời làm báo, ánh mắt chú Chiêu lúc nào cũng lấp lánh sự tươi vui và cảm phục.

Đa phần các phóng viên trong chuyến đi này đều là những người trẻ với tâm hồn tươi mới. Tôi tin chúng tôi đang có những chuyến tàu thanh xuân ý nghĩa nhất cuộc đời mình. Ngay cả với chú Chiêu thôi, chú đang tìm lại tuổi thanh xuân rực rỡ - thời chú khoác trên mình màu xanh áo lính. Bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu Tổ quốc, yêu nghề, những con tàu của chúng tôi đã cập bến chung – nơi hải đảo Tây Nam đầy nắng, gió, khó khăn và khắc nghiệt, nhưng tình yêu đất nước, nhân dân, ý chí, kiên cường của người lính lúc nào cũng căng tràn.

Đoàn công tác trên đường lên thăm các cán bộ, chiến sĩ đóng quân tại Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ẢNH: HỮU LÊ

Ấm áp nơi con tim

Ngày khởi hành, chúng tôi dậy từ 3h sáng để vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ đạc và lên xe di chuyển từ Hải đội 512 ra quân cảng An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Tiếng cười nói rộn rã trên xe xé toang không gian tĩnh lặng của màn đêm. Một vài đồng nghiệp ngân lên khúc hát “Nơi anh đến là đảo xa…” khiến tinh thần các thành viên trong đoàn thêm khí thế. Đâu đó, một vài ánh sáng leo lét trên đường đi, tiếng gọi nhau í ới nơi bến tàu báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Con tàu 632 đồng hành cùng chúng tôi thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Đây là một trong những con tàu chủ lực của Vùng 5 chở quân, đưa khách đi chúc Tết, chở dân miễn phí từ đảo Thổ Chu sang Phú Quốc và vận chuyển hàng hóa đi quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK trên thềm lục địa.

Những hộp quà, hành lý, tư trang,… nhanh chóng được đưa lên tàu. Bình thường, tàu có phòng cho khoảng 30 người nhưng vì đoàn quá đông, chị em phụ nữ được ưu tiên ở trong phòng, còn phần lớn nam giới ngủ, nghỉ và làm việc ngay trên 2 boong tàu đã được căng bạt sẵn. Đúng 5h30 phút, 3 hồi còi dài vang lên một cách trang trọng, thiêng liêng. Đây là lời chào cảng trước khi xuất bến theo thông lệ hàng hải quốc tế. Những ánh mắt dõi theo, những bàn tay giơ cao vẫy chào của những người ở lại khiến tim tôi rung lên đầy thổn thức.

Đúng như những gì các cán bộ, chiến sĩ động viên, mùa này, sóng biển Vùng hải đảo Tây Nam khá bình yên. Chị em phụ nữ chúng tôi đã yên tâm phần nào. Lên tàu vào rạng sáng nên chúng tôi được tận mắt chứng kiến giây phút bình minh trên biển. Mặt trời hiện lên rạng rỡ, long lanh như một viên ngọc mọc lên từ biển xanh thăm thẳm. Đó thực sự là bức tranh đầy nhựa sống, lay động tâm hồn bất cứ ai. Được hít hà mùi của biển cả, được tận hưởng làn gió biển mát lành, dịu dàng giúp chúng tôi nhanh chóng quên đi sự chuếnh choáng ban đầu, thay vào đó là niềm hứng khởi và tràn đầy năng lượng.

Một góc của bờ biển Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang)

Trưởng đoàn công tác là Đại tá Nguyễn Đăng Tiến – Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Đại tá Tiến là người điềm đạm, luôn quan tâm đến anh chị em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Lo lắng sức khỏe cho các thành viên, đại tá Tiến đến từng phòng thăm hỏi, động viên chúng tôi. Là những câu hỏi bình thường như: “Các đồng chí có mệt không?”, Các món ăn có hợp khẩu vị các đồng chí không?”,… nhưng chúng tôi cảm thấy lòng mình thật ấm áp.

Chia sẻ về chuyến đi, đại tá Nguyễn Đăng Tiến cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phía Nam, sự đồng hành của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đại tá Tiến nhấn mạnh hằng năm, lãnh đạo các địa phương, phóng viên các cơ quan báo chí đều đến giao lưu, thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa. Đáp lại tình cảm đó, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác đối ngoại, tuần tra chung giữa Vùng 5 Hải quân với Thái Lan, Campuchia, góp phần xây dựng vùng biển Tây Nam hòa bình, ổn định và phát triển.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Gần 1 tuần ăn ngủ trên tàu, tôi đặc biệt ấn tượng với những chiến sĩ làm công tác hậu cần, chăm lo việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đoàn công tác. Tất cả họ đều là nam giới, năng động, trẻ trung và giỏi giang trong mọi việc. Khi chúng tôi vẫn chìm sâu trong giấc ngủ thì các chiến sĩ đã thức dậy vào lúc 3h sáng chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn sáng cho cả đoàn. Khi các thành viên lên đảo công tác, anh em chiến sĩ lại bắt tay vào dọn dẹp, chuẩn bị nấu bữa tiếp theo. Để đảm bảo chất dinh dưỡng trong bữa ăn, món ăn được thay đổi luân phiên, cùng với đó, nguồn thức ăn tươi ngon được mua trực tiếp tại các cơ sở uy tín trên các chợ tại đảo.

Thiếu úy Nguyễn Văn Đăng – Thuyền phó trong chuyến công tác chia sẻ anh và các chiến sĩ hậu cần đều cảm thấy hân hoan khi được giao nhiệm vụ trong chuyến đi này. Các đồng chí tuy chuyên môn công việc khác nhau nhưng khi được phân công công tác hậu cần của đoàn đều phối hợp với nhau một cách ăn ý, khoa học. Theo thiếu úy Đăng, kinh nghiệm nấu nướng trên tàu chủ yếu là do người đi trước truyền người đi sau. Quan điểm được các cán bộ, chiến sĩ đưa ra là “Ai cũng phải biết nấu ăn. Lần 1 chưa được thì tiếp tục lần 2, lần 3,…”. Vì thế, nhiều cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng trở thành “đầu bếp”, về nhà có thể giúp đỡ bố mẹ, vợ con nấu các bữa ăn ấm cúng trong gia đình.

Để công việc đạt hiệu quả cao, các cán bộ, chiến sĩ hậu cần trên tàu luôn một lòng đoàn kết, sẻ chia, tự giác, học hỏi, tuân thủ kỷ luật cấp trên giao phó. “Mọi người ăn uống ngon miệng, vui vẻ, khỏe mạnh trong chuyến công tác là món quà quý giá với chúng tôi”, thiếu úy Đăng chia sẻ. Nhìn các động tác dứt khoát, nhanh thoăn thoắt của các chiến sĩ, tôi càng hiểu hơn lý do tại sao nhiều người lại truyền tai nhau câu nói: Bộ đội, việc gì cũng làm được. Tôi nhớ mãi nụ cười tươi tắn thường trực trên những gương mặt rắn rỏi, pha sương gió của biển cả ấy. Chính các anh đã giúp chúng tôi càng cảm thấy ấm lòng trong cuộc hành trình này.

Đứng trên boong tàu, nhắm mắt lại, giữa không gian bao la của biển cả, những lo toan bộn bề của cuộc sống bỗng nhiên tan biến, chỉ còn lại một tâm hồn thoáng đãng, nhẹ nhõm nhưng cũng xen lẫn sự hồi hộp về những điều mới lạ trước mắt. Tôi biết để chúng tôi nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung có được những giây phút bình yên đó là cả một sự hy sinh to lớn của những người lính ngày đêm canh gác nơi biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Và tôi biết, không chỉ riêng tôi mà tất cả thành viên trên con tàu hải quân 632 của chuyến đi hải đảo Tây Nam đều có chung niềm xúc động mãnh liệt khi nghĩ về những người lính kiên cường, quả cảm nơi đảo xa. Xin mượn lời thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông để nói thay lời cảm xúc:

Gió gió! Mặt trời căng ánh đỏ

Cánh buồm căng ngực vút ra khơi

Mặt nước biển căng đầy sóng vỗ

Máu phập phồng căng giữa tim tôi.

Tàu chúng tôi thẳng tiến về Hòn Đốc (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), nơi đóng quân của Trạm Radar 625, Đồn biên phòng Tiên Hải và Tiểu đoàn 519. Nơi đây có quần đảo Hải Tặc nổi tiếng, từng là căn cứ của hải tặc “Cánh Buồm Đen” khét tiếng một thời…

(Còn nữa)

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xuan-ve-tren-hai-dao-tay-nam-ky-1-khi-nhung-trai-tim-dap-cung-mot-nhip-111188.html