Xuân về trên đại ngàn Tây Nguyên

Sau những ngày mưa lạnh, hoa dã quỳ tung nở trong cái nắng ấm lung linh đầu Xuân trên khắp đồi núi, phố phường. Tây Nguyên đang bước vào Xuân mới với niềm hy vọng tràn trề...

Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số lập khu du lịch cộng đồng. Ảnh: NP

Nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số lập khu du lịch cộng đồng. Ảnh: NP

Những ngày cuối năm, có dịp về các làng quê Tây Nguyên, từ Kon Tum lên Gia Lai, rồi đến Đăk Lăk, Đăk Nông... đâu đâu cũng thấy những đổi thay rõ nét, người dân nỗ lực vươn lên làm giàu, tình làng nghĩa xóm được chan hòa...; mà nổi bật nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tỉnh Gia Lai sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010 - 2020, đã gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ.

Đến nay, tỉnh đạt bình quân 12,8 tiêu chí/xã, có 58/184 xã đạt chuẩn NTM, 2 đơn vị cấp huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM là TP Pleiku và thị xã An Khê; có 14 làng đạt chuẩn làng NTM là làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM hơn 32.699 tỷ đồng, huy động được hơn 1,1 triệu ngày công và hiến hơn 816.445m2 đất để xây dựng các công trình; kiên cố hóa 8.535km đường giao thông liên xã, liên thôn, làng, ngõ, xóm; 401km kênh mương; cải tạo và xây mới 167 công trình thủy lợi; sửa chữa, xây mới 729 trường, điểm trường các cấp học; xây mới, nâng cấp 43 chợ, 135.508 nhà ở và xóa được 3.208 nhà tạm, nhà dột nát. Có 77 xã có thu nhập đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 12,8%...

Gia Lai còn tập trung xây dựng NTM gắn với thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện, toàn tỉnh đã có 23.571ha cây trồng sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm mà hiệu quả cao.

Tỉnh Đăk Lăk đã huy động tổng nguồn lực Chương trình xây dựng NTM đạt 140.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 3.500 tỷ đồng.

Các hộ dân trên địa bàn tỉnh đã hiến 650.000m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng, đóng góp 817 tỷ đồng và 89.000 ngày công lao động. Trong phong trào đầy ý nghĩa ấy đã xuất hiện biết bao gương sáng như: Hộ bà Đàm Thị Thơi, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) hiến hơn 1.000m2 đất; ông Lê Ngọc Tuấn, xã Ea Păl (huyện Ea Kar) hiến 2.000m2 đất; bà Nguyễn Thị Hương, xã Ea Mnang (Cư M’gar) hiến 1.000m2 đất; ông Nguyễn Hạnh ở xã Hòa An (Krông Pắc) đóng góp 50 triệu đồng làm đường giao thông, hiến 300m2 đất và 15 triệu đồng tiền mặt để xây dựng hội trường thôn 3; ông Phạm Văn Vở, xã Ea Kuêh (Cư M’gar) hiến 5.000m2 đất làm đường giao thông, ông còn phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ dân khác tham gia hiến đất, đóng góp được 475 triệu đồng đổ bê tông 1km đường liên thôn, xây dựng các công trình hạ tầng làm đổi thay bộ mặt nông thôn.

Đăk Lăk có 43/152 xã đạt chuẩn NTM, bằng 107,5% kế hoạch năm 2018 đề ra. Cuối năm 2019, toàn tỉnh có thêm 50 xã đạt chuẩn NTM và TP Buôn Ma Thuột được công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí xây dựng NTM.

Nhiều Chi hội Nông dân cùng Ban tự quản thôn ở huyện Cư M’gar, Ea Kar, Ea H’leo... đến từng hộ dân vận động đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, di dời tường rào, cổng trụ để làm đường, vỉa hè, xây dựng nhà văn hóa, hệ thống kênh thoát nước… với tổng số tiền gần 7,4 tỷ đồng. Đón Xuân này, nhiều tuyến đường chính ở các xã trung du, miền núi đã được đổ bê tông rộng rãi, thẳng tắp, có đèn chiếu sáng, cây xanh; nông dân thực hiện mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch ruộng nương” thông qua việc thường xuyên dọn dẹp rác thải, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật cũng như trồng hoa, cây xanh dọc các trục đường ngõ, xóm… nhằm tạo cảnh quan xanh đẹp, bảo vệ môi trường.

Về huyện Đăk R’lấp (Đắk Nông), được lãnh đạo huyện báo tin vui: Trong nhiều khó khăn, chật vật, huyện vẫn phấn đấu hết mình xây dựng NTM. Đến nay, 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Đắk R’lấp tin tưởng trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2020.

Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Plông, tỉnh Kon Tum) ngày càng thu hút đầu tư và khách tham quan. Ảnh: NP

Xã Nhân Cơ là một điển hình. Năm 2017,xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các trục đường chính từ trung tâm xã đến các thôn, bon trên địa bàn đều được thảm nhựa hoặc bê tông hóa.

Ông Đoàn Văn Hồng (xã Nhân Cơ) cho biết: “Khi chưa triển khai xây dựng NTM, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã còn là đường đất, còn hiện nay, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, các tuyến đường này đã được hiện đại hóa; nên lưu thông rất thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng nâng cao hơn”.

Nhìn vào những sự thay đổi, từ cơ sở vật chất đến đời sống của người dân ở vùng nông thôn Tây Nguyên hiện nay, ai cũng cảm thấy vui mừng, tự hào. Đây là kết quả tương xứng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự góp sức chung lòng hợp “ý Đảng, lòng dân” của đông đảo người dân trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tây Nguyên có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái thiên nhiên hùng vỹ, gần đây, xuất hiện nhiều điểm du lịch mới cũng như ý tưởng táo bạo để thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như du khách tham quan.

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) khí hậu mát mẻ ôn hòa quanh năm với rừng thông bạt ngàn, từng được ví là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên, với các di tích, danh lam thắng cảnh tham quan đặc sắc như: Tượng đài Đức Mẹ Maria, chùa Khánh Lâm, thác Pa Sỹ, hồ Đắk Ke....

Quốc lộ 24 được đầu tư xuất phát từ ngã 3 Thạch Trụ, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), chạy theo con đường nhựa dưới tán rừng rậm dài hơn 130km là địa danh Măng Đen nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển; cùng với đường Đông Trường Sơn nối từ Quảng Nam chạy vào đến Phú Yên, rất thuận lợi cho du khách đến khám phá, du ngoạn tại Măng Đen.

Nhận thấy tiềm năng du lịch độc đáo của Măng Đen, cách đây hàng chục năm, nhiều người dân ở TP HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Ngãi... tìm về mua đất, xây biệt thự, kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhiều tập đoàn kinh doanh lớn cũng đã đầu tư vào đây nên giá đất tăng vọt lên, cơ sở vật chất được tăng cường, cảnh quan du lịch dần hiện hữu đến say lòng du khách.

Nhiều hộ dân sở tại đã học cách làm dịch vụ du lịch, bỏ vốn xây dựng mới khách sạn, cải tạo nhà cửa để làm dịch vụ homestay, đồng bào dân tộc thiểu số đã chung tay xây dựng Khu du lịch cộng đồng Kon Pring... thu hút khách tham quan; giải quyết việc làm và tạo thu nhập khấm khá hẳn lên.

Nhớ lúc nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Bùi Văn Cường (nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nghĩ ngay tới việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch của Đăk Lăk và cả Tây Nguyên, mà trước hết phải ưu tiên hàng đầu cho mạng lưới giao thông. Do đó, ông đề xuất kế hoạch nghiên cứu phương án xây dựng đường cao tốc nối liền Đăk Lăk - Khánh Hòa.

Từ TP Buôn Ma Thuột đến TP Nha Trang chỉ dài hơn 100km, nhưng mất rất nhiều thời gian do phải đi qua những con đường ngoằn ngoèo, gấp khúc, nhỏ hẹp và hạn chế trong vận chuyển hàng hóa. Với tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, đất đai, ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, nên khi hệ thống giao thông thuận lợi thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp đến Đăk Lăk đầu tư. Bên cạnh đó, nếu có đường cao tốc sẽ thu hút khách du lịch từ dưới lên Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên.

"Khách du lịch cũng chỉ sau 1 tuần là chán biển, nếu mình có các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và giao thông thuận lợi thì sẽ tiếp tục thu hút được du khách lên rừng" - Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk vào tháng 11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông, công nghệ thông tin.

Xuân đã đến. Trời Tây Nguyên vén màn mây lên cao cho nắng và gió hối hả tràn về...

Ngọc Phó

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/xuan-ve-tren-dai-ngan-tay-nguyen_t114c1159n159455