Xuân về trẩy hội Gầu Tào

Mùa Xuân, đất trời Hà Giang ngập trong sắc hoa mận, hoa đào, hoa cải.

Thiếu nữ Mông múa gậy Sinh Tiền trong lễ hội.

Thiếu nữ Mông múa gậy Sinh Tiền trong lễ hội.

Không còn vẻ rét mướt sắc lạnh của mùa Đông, những thiếu nữ người Mông khoe sắc trong những bộ trang phục đẹp nhất của mình để cùng nhau trẩy hội Gầu Tào.

Sắc màu cao nguyên đá

Biểu diễn võ thuật truyền thống.

Hà Giang - mảnh đất cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên những sắc màu đa dạng về văn hóa. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, lên Hà Giang, du khách sẽ được chìm đắm trong không khí lễ hội đặc sắc, riêng biệt mà chẳng nơi nào có.

Trong đó, đầu tiên phải kể đến Lễ hội Gầu Tào của bà con dân tộc Mông. Đây là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, nguyên sơ, độc đáo và đặc sắc.

Người Mông tại Hà Giang chiếm đa số với khoảng 32% dân số toàn tỉnh. Đồng bào Mông cư trú ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Cao nguyên đá (Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ) và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần, với 4 nhóm, gồm: Mông trắng, Mông hoa, Mông xanh và Mông đen. Với dân số đông, phân bố rộng nên sắc màu Lễ hội Gầu Tào tại Hà Giang càng thêm phong phú.

Những nghệ nhân dân gian tại Hà Giang cho biết: Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi khấn xin thần linh ban cho con cái, sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.

Theo thời gian, hội Gầu Tào đã là lễ hội vui Xuân của tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Người Mông cũng như cộng đồng các dân tộc anh em khác đều mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Hội Gầu Tào còn là dịp diễn xướng của vũ điệu khèn cùng các điệu lý mời rượu, những câu hát tình ca Mông xốn xang và mời gọi.

Trẻ em dân tộc Mông hào hứng tham gia lễ hội.

Tùy theo phong tục và điều kiện của từng địa phương, Lễ hội Gầu Tào diễn ra với quy mô khác nhau. Lễ hội thường được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm.

Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng Chạp đồng bào đã chọn những chàng trai khỏe mạnh để tiến hành nghi lễ chặt tre và dựng cây nêu. Cây nêu được chọn là những cây tre già, to, cao và chắc. Cây nêu được cộng đồng chung tay dựng trên một bãi đất rộng và bằng phẳng.

Những ngôi nhà của bà con người Mông đều cách xa nhau đến cả quả núi, muốn đi từ thôn này sang thôn khác có khi phải mất nửa ngày trời thế nên lễ hội cũng là dịp để nam nữ gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Vào ngày hội, từ sáng sớm từ khắp các bản làng, trai, gái, em nhỏ hay cụ già đều diện cho mình bộ trang phục đẹp nhất. Chàng trai Mông khỏe khoắn, dẻo dai bên chiếc khèn, cô gái Mông xúng xính với chiếc váy rực rỡ sắc màu. Cũng từ hội Gầu Tào mà nhiều đôi trai gái người Mông đã kết duyên chồng vợ.

Phần lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm, huyền bí. Ông chủ hội đồng thời là thầy mo và các trưởng bản có uy tín nhất làm lễ cúng. Lễ vật cúng thường phải có thủ lợn, ngô, rượu, tiền… đã được chuẩn bị tươm tất từ hôm trước. Bài cúng bằng ngôn ngữ riêng của người Mông có nội dung mời tổ tiên về dự hội, cầu cho năm mới mùa màng bội thu, lúa ngô đầy bồ, lợn, gà béo tốt, đồng bào được ấm no.

Kết thúc phần lễ, người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú cùng bước vào phần hội, đây là phần được cộng đồng mong đợi nhất. Nhiều tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc được các chàng trai, cô gái Mông thể hiện, như: Thổi khèn lá, sáo Mông, múa khèn, múa gậy Sinh Tiền. Đặc biệt, màn múa võ cổ truyền của người Mông có sự linh hoạt, uyển chuyển khi phát đòn, mạnh mẽ khi tiếp địch, không màu mè mà rất dứt khoát.

Một góc khác, đám thanh niên trai tráng thể hiện sức mạnh ở các trò chơi truyền thống như bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù, leo cây… Các thiếu nữ Mông trong những bộ váy sắc sỡ thì vui vẻ cùng nhau hát đối tình ca của dân tộc hay tham gia trò chơi đánh yến.

Không kém phần nhiệt tình là các bà, các mẹ, hội là nơi thể hiện sự khéo léo của phụ nữ Mông với các phần thi thêu thùa, làm bánh dầy. Hòa chung không khí lễ hội, du khách có thể thưởng thức các đặc sản ẩm thực của vùng cao Hà Giang. Tiếng hát, tiếng nói cười rộn ràng, như làm ấm cả một vùng không gian rộng lớn.

Ý nghĩa giáo dục sâu sắc

Chủ hội tiến hành nghi lễ cầu phúc cho cộng đồng.

Vượt qua khuôn khổ của gia đình, dòng họ hay thôn bản, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, Lễ hội Gầu Tào của người Mông tại Hà Giang đã trở thành điểm hẹn văn hóa của bà con trong vùng và du khách thập phương.

Với những giá trị trên, ngày 27/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Đề án số 09, về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, việc bảo tồn văn hóa bằng cách khôi phục và phát triển các lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa riêng của người Mông cũng mang lại hiệu quả rõ nét như: Lễ hội vỗ mông ở Mèo Vạc, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội khèn Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Lễ hội hoa Tam giác mạch...

Lễ hội Gầu Tào tại Hà Giang được các địa phương tổ chức đã thu hút hàng nghìn lượt người trong và ngoài địa phương tham gia tiêu biểu như lễ hội tại thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên); lễ hội tại xã Đường Thượng (Yên Minh); xã Tùng Vài (Quản Bạ); tại xã Tả Sử Choóng, xã Nậm Dịch (Hoàng Su Phì)…

Thực tế những năm qua, công tác tổ chức Lễ hội Gầu Tào ở các địa phương tại Hà Giang đã đáp ứng nhu cầu của người dân về đời sống, sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc. Dù quy mô tổ chức lớn hay nhỏ nhưng lễ hội đã trở thành món ăn tinh thần của người dân mỗi dịp đầu năm mới.

Điều đáng nói, ngoài ý nghĩa sinh hoạt văn hóa tâm linh, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, Lễ hội Gầu Tào còn có giá trị giáo dục sâu sắc. Trong lễ hội, ý nghĩa của phần “lễ” không chỉ mang tính chất tín ngưỡng thuần túy, mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục truyền thống, lòng tự hào, ý thức bảo tồn, di sản văn hóa của ông cha để lại cho thế hệ trẻ. Phần “hội” trở thành nơi giao lưu, gắn kết tình cảm, rèn luyện thể chất, tạo động lực để các em luôn phấn đấu trong học tập và cuộc sống.

Khác với người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng trong tỉnh, người Mông ở Hà Giang ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch, khi mùa vụ đã xong, lưỡi cày đã được cất đi, ngô đã đầy trên gác bếp. Hội Gầu Tào được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán, đây là thời điểm tiết trời đã ấm hơn, cây cối đâm chồi nảy lộc, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/xuan-ve-tray-hoi-gau-tao-ep5qlXsMg.html