Xuân về sớm trên bản Cốc Slông

Năm nay, mùa xuân về sớm với đồng bào người Mông tại thôn Cốc Slông, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Mùa xuân băng qua ngọn núi, vượt qua con đèo, theo con đường mới len lỏi vào từng mái nhà gỗ đơn sơ.

Mùa xuân hiện trên nét mặt rạng ngời và trên những giọt nước mắt bịn rịn của bà con Cốc Slông trong giờ phút chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1.

30 năm trước, 15 hộ dân với gần 100 người di cư từ huyện Thông Nông (Cao Bằng) đến khai hoang và sinh sống tại vùng đất ven hồ Ba Bể (thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), lập ra bản Cốc Slông (nay thuộc huyện Chợ Đồn), nằm cách trung tâm xã Xuân Lạc khoảng 10km. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện thôn có 85 hộ dân, với 500 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông, nhưng vẫn là một trong những nơi khó khăn nhất của xã. Do địa hình cách biệt, để di chuyển ra trung tâm, bà con phải băng qua những con đường mòn vắt ngang lưng núi; mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù. Ngoài 3 cô giáo cắm bản, thôn gần như không có khách ghé thăm. Họa hoằn lắm có một vài lái buôn vào đổi hàng hóa lấy gia súc, gia cầm...

 Niềm vui của đồng bào thôn Cốc Slông trên con đường mới. Ảnh: PHÚ SƠN

Niềm vui của đồng bào thôn Cốc Slông trên con đường mới. Ảnh: PHÚ SƠN

Không để đồng bào phải chịu cảnh thiếu thốn, nhất là khi Tết Nguyên đán gần kề, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246 đã hăng hái lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ngày bộ đội về bản, bà con cùng đổ ra đường nhìn bộ đội với ánh mắt hiếu kỳ vì đã lâu lắm rồi, Cốc Slông mới đông khách đến thế. Trước sự tò mò của người dân, Trung tá Lương Văn Thêu niềm nở: “Bà con hãy yên tâm. Trong vòng hai tuần nữa, bà con sẽ có đường mới để đi, nhà sạch để ở và quần áo ấm để mặc”. Thấy vậy, bà con liền trở về nhà, kê thêm phản, trải thêm chiếu, chuẩn bị nơi ăn, chốn ngủ cho những “vị khách” đặc biệt này.

Ngay từ mờ sáng hôm sau, khi con gà rừng chưa gáy, mặt trăng vẫn tỏ trên mỗi nóc nhà và mặt trời vẫn chưa chịu thức giấc, bộ đội đã phân công nhau mỗi người một việc. Một nhóm cùng người dân vét từng xe cát, trộn từng bao xi măng, đóng từng mẻ bê tông để làm đường. Một nhóm hỗ trợ người dân tu sửa, làm mới nhiều công trình nhà cửa. Giữa trời giá rét mà lưng áo ai cũng thấm đẫm mồ hôi.

Thế rồi, chỉ sau gần một tuần sinh hoạt, không còn ánh mắt dè dặt, bà con đã coi bộ đội như những người con trong gia đình. Thương bộ đội, bà con thay phiên nhau nấu cơm ngon cho bộ đội ăn, đun nước ấm cho bộ đội tắm. Trong ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông, ông Thào Văn Chạ (51 tuổi) đã dành riêng một gian cho bộ đội ngủ. Đêm vùng cao sương xuống lạnh buốt đôi tay, ông Chạ cùng mấy đứa cháu đi gom củi, nhóm lửa sưởi ấm cho bộ đội được ngon giấc.

Đáp lại tình cảm của người dân, Trung đoàn 246 đã tổ chức lực lượng khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho hơn 200 bà con, tặng hơn 300 bộ quần áo ấm cho người già và trẻ nhỏ. Biết bản Cốc Slông chưa có điện, trung đoàn đã tặng bà con 3 cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, kinh phí được trích từ nguồn thu tăng gia sản xuất của đơn vị. Vào lúc giải lao, bộ đội hướng dẫn thanh niên bản hát những bài ca cách mạng, dạy trẻ con đánh vần từng con chữ... Trong buổi lễ khánh thành sân bóng chuyền hơi, trận bóng giao hữu đầu tiên giữa bộ đội và thanh niên bản diễn ra trong không khí sôi nổi. Giữa núi rừng, bà con Cốc Slông chưa từng được chứng kiến trận đấu nào kịch tính và vui đến thế.

Với tất cả nỗ lực của Trung đoàn 246, chỉ chưa đầy nửa tuần trăng, bà con Cốc Slông phấn khởi bước đi trên con đường mới dài gần 2km đã được bê tông hóa, nối liền bản với trung tâm xã Xuân Lạc. Chúng tôi thấy những khuôn mặt trẻ thơ tươi vui đạp xe bon bon đến trường. Anh Trương Văn Tu, Trưởng thôn Cốc Slông chia sẻ: “Trước đây, đường đi hiểm trở, một bên vách đá cheo leo, một bên vực sâu thăm thẳm nên phụ huynh rất lo lắng khi cho con đi học. Đây cũng là lý do khiến nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Được bộ đội giúp đỡ, với đường mới kiên cố, tỷ lệ trẻ em đến trường chắc chắn sẽ tăng”.

Trên con đường mới, chúng tôi gặp anh Thào Văn Quý (35 tuổi). Anh Quý hồ hởi: “Bây giờ ô tô cũng có thể vào tận những nơi sâu nhất trong bản. Trước đây, lái buôn phải vào tận nơi nên giá lợn hơi bán ra chỉ khoảng 60.000 đồng/cân. Có đường mới, chúng tôi sẽ dễ dàng chở lợn ra chợ bán với giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/cân”.

Đánh giá cao những đóng góp của bộ đội, đồng chí Ma Thị Na, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Đồn cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất trăn trở bởi huyện Chợ Đồn còn nhiều nơi đặc biệt khó khăn, nhưng nguồn ngân sách hỗ trợ lại hạn hẹp. Huyện nhất định sẽ phối hợp tích cực với Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 từng bước tháo gỡ những khó khăn cho đồng bào”.

Trong ngày cuối ở Cốc Slông, bộ đội và người dân cùng quây quần bên đống lửa, họ nắm tay nhau nhảy múa, hát ca giữa đại ngàn. Lời ca vang lên cùng lời hứa mai này nhất định sẽ gặp lại. Dưới ánh lửa bập bùng, ai nấy đều nước mắt xen nụ cười, bịn rịn không nỡ rời xa. Con đường mới như sợi dây vô hình kết nối tình quân dân, mang mùa xuân hy vọng về với bà con Cốc Slông. Ông Thào Văn Chạ không giấu nổi xúc động, bập bẹ vài câu tiếng Kinh: “Bộ đội ngoan ngoãn, lễ phép, kỷ luật lắm. Bộ đội về thì dân bản nhớ lắm! Cảm ơn Đảng, cảm ơn bộ đội!”.

Sương càng lúc càng dày. Trên con đường mới khang trang, chúng tôi nhìn thấy một phụ nữ Mông bước đi thoăn thoắt, lưng đeo gùi, theo sau là đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới. Mùa xuân này, bản Cốc Slông hẳn sẽ vui hơn những mùa xuân trước, bởi ý Đảng đã hợp lòng dân. Dõi mắt nhìn theo người phụ nữ Mông đến khi khuất bóng, tôi thoáng nghe bên tai tiếng kèn lá cùng lời ca vang vọng:“Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay sống nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi...”.

MAI THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/xuan-ve-som-tren-ban-coc-slong-650235