Xuân về Phố Cáo trắng trời hoa mận

Nếu đến cao nguyên đá Đồng Văn mà bỏ qua xã Phố Cáo, chắc chắn du khách vẫn chưa thực sự được coi là đã đến Hà Giang, vì đây là vương quốc của hoa mận.

Nằm ngay ven đường quốc lộ 4C, đặc trưng của Phố Cáo là những ngôi nhà có tường màu đất vàng ánh lên trong nắng, những gương mặt trẻ thơ bầu bĩnh, má nẻ ửng hồng, thấy du khách là đưa những bàn tay lấm lem lên vẫy chào.

Những người dân Phố Cáo rất thân thiện, họ chào đón những người khách lạ bằng bằng những nụ cười ấm áp, luôn mở rộng cửa mời khách vào nhà chơi.

Phố Cáo là vương quốc của hoa mận, vì vậy mà nếu đến cao nguyên đá Đồng Văn mà bỏ qua Phố Cáo, chắc chắn du khách vẫn chưa thực sự được coi là đã đến Hà Giang.

Hoa mận tại xã Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Tùng Dương.

Chúng tôi trở lại Phố Cáo vào dịp Tết âm lịch, mưa mù giăng khắp núi rừng, trời đất bồng bềnh trong biển sương, những nương hoa cải vàng rực, những cây đào, cây mận, mái ngói rêu phong như chìm trong trốn bồng lai.

Nghe thấy tiếng sáo trúc véo von như mời gọi, chúng tôi lần tìm vào một ngôi nhà nơi cuối ngõ, ngay ở cổng là hai cây đào và mận nở rực rỡ những bông hoa trắng hồng.

Trong nhà hơi tối, ánh sáng duy nhất hắt ra từ bếp củi đang cháy đỏ soi rõ khuôn mặt trẻ thơ đang ngồi cùng ông cụ. Ngồi hơ tay trên bếp lửa, vừa nghe chủ nhà nói chuyện, cô gái con chủ nhà thấy chúng tôi vào liền mang đến mấy cái bát đưa cho ông cụ.

Bếp lửa hồng cũng là nét đặc trưng trong đời sống của người dân tại xã Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Tùng Dương.

Giờ chúng tôi mới để ý thấy ở bên cạnh là một bếp lò lớn đang đun nồi riệu ngô, ông cụ từ từ cầm vòi được làm từ cây trúc rừng để hút riệu mời khách.

Đưa bát rượu ngô ấm nóng tỏa mùi thơm ngào ngạt lên miệng, nhấp một ngụm vào miệng thì ôi trao, bao mệt mỏi như tán biến, nhấm ít một mà bát vơi đi lúc nào không hay, tâm trí lâng lâng sảng khoái.

Riệu ngô cũng là một đặc sản của vùng đất này. Đây là vùng cao nguyên đá nên không có đất sản xuất, mỗi hốc đá người ta bỏ vào đó một nắm đất và một hạt ngô, sau vài tháng là thu hoạch mà ko tốn công chăm sóc.

Thứ ngô đó thu hoạch về được tãi hạt, phơi khô làm lương thực và nấu rượu, nếu đến đây bạn nên thử thứ riệu ngô thơm ngọt này và mua một ít về làm quà.

Hoa đào, hoa mận nở rực rỡ tại xã Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Tùng Dương.

Lang thang khắp Phố Cáo, chúng tôi ngỡ ngàng bởi không gian chìm đắm trong làn sương mờ nhẹ, thỉnh thoảng những tia nắng vàng lọt xuống làm bừng lên những cây đào, cây mận đang độ ra hoa rực rỡ nhất.

Nghĩ cũng lạ, cả cao nguyên đá bao la hun hút màu xám ngắt của đá tai mèo, vậy mà đất trời lại ban cho vùng này một loại cây có sức sống dẻo dai và đặc biệt khi mùa xuân về có những chùm hoa như những đốm lửa giữa mênh mông đá.

Những ngôi nhà ở đây đều làm bằng đất hay còn gọi là nhà trình tường, tường nhà được làm bằng đất nện dày tới 70 cm, cửa gỗ và mái lợp ngói âm dương hoặc cỏ tranh. Với tường đất dày thì mùa đông ở trong những ngôi nhà này rất ấm và lại mát vào mùa hè.

Tường rào bao quanh nhà được xếp bằng đá, với đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây xếp những bức tường đá không có chất kết dính mà vẫn tồn tại vài chục năm.

Những bức tường đá rêu phong và chiếc cổng gỗ cũ kỹ thật đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.

Xã Phố Cáo đặc trưng với những ngôi nhà trình tường bằng đất. Ảnh: Tùng Dương.

Xã Phố Cáo chủ yếu là cây mận hoa trắng thường nở vào mùa xuân. Ảnh: Tùng Dương.

Lại nói về hoa đào, hoa mận, nhà nào ở đây cũng có trồng vài cây phía trước và bên hông nhà, chưa kể đến những cây được trồng dọc theo con đường Phố Cáo.

Do thời tiết vùng núi đá rất lạnh nên hoa đào, hoa mận ở vùng này nở rất chậm và bền cho đến hết tháng 2 âm lịch mới tàn, trên là trời còn dưới đất là hoa.

Thời điểm này cũng là nơi hội tụ của những nhiếp ảnh gia đổ về đây săn hoa, cả con phố dài khoảng 5km tràn ngập sắc hoa, chỗ thì đào bích đỏ thắm, chỗ lại đào phai phơn phớt hồng xen lẫn hoa mận trắng tinh nở thành từng chùm to.

Hoa lấp ló bên hiên nhà, hoa ngay bên khung cửi, cây hoa từ nhà này vươn cành đan sang cây hoa nhà khác khiến cho những đoạn phố hẹp như có mái lợp bằng hoa.

Trời xẩm tối, chúng tôi dừng chân ở một ngôi nhà ngay trên phố. Ông chủ nhà vui tính mời chúng tôi ăn tối với gia đình, cơm có gà đen luộc, đây là loại gà của người H’Mông có thịt và xường đều mầu đen, thịt chắc và thơm ngọt.

Trên mâm cơm còn có rau cải mèo xào với thịt lợn gác bếp, canh khoai đá nấu xương rất ngon và không thể thiếu đó là chai rượu ngô đặc trưng trong vắt.

Câu chuyện với ông chủ nhà kéo dài suốt bữa cơm cũng làm cho chúng tôi hiểu thêm về con người nơi đây, cả vùng rộng lớn toàn đá, nguồn nước chủ yếu là nước suối nhưng cũng chỉ có vào mùa mưa, còn lại quanh năm thiếu nước.

Những nương rau cải hoa vàng rực rỡ tại xã Phố cáo. Ảnh: Tùng Dương.

Hoa mận ở xã Phố Cáo là loại mận tam hoa, có nghĩa 3 bông hoa trên một cuống. Ảnh: Tùng Dương.

Những hàng rào được xếp bằng đá là nét đặc trưng ở xã Phố Cáo. Ảnh: Tùng Dương.

Hoa đào, hoa mận nở quanh nhà mỗi dịp xuân về trên Phố Cáo. Ảnh: Tùng Dương.

Những mái nhà ở Phố Cáo được lợp bằng ngói lòng máng phủ rêu phong. Ảnh: Tùng Dương.

Trẻ em xã Phố Cáo chơi đùa hồn nhiên trong vườn nhà. Ảnh: Tùng Dương.

Người dân xã Phố Cáo chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Cây lương thực ở đây chủ yếu là lạc và ngô. Đến mùa thu hoạch, người dân bẻ ngô, kết thành từng chùm treo lên gác bếp, ăn đến đâu mang xuống tẽ hạt. Chả thế mà những hạt ngô khô kiệt, muốn ăn phải ninh rất lâu mới mềm, được cái ngô ở đây rất to và chắc hạt. Ảnh: Tùng Dương.

Phố Cáo có khoảng 5000 nhân khẩu, hầu hết là người H’Mông, ngoài ra còn có ba dân tộc anh em khác cùng sinh sống nơi đây là Hán, Dao, Pu Péo, trong đó người H’Mông chiếm tới 90%.

Chợ phiên Phố Cáo cứ cách 6 ngày lại họp một phiên. Người dân đến đây mua, bán, trao đổi hàng hóa đủ dùng cho cả một tuần. Người thì cầm chục trứng gà đi bán, người gùi vài mới rau cải, người thì con gà, con nghé, không bán gì thì đi chơi chợ.

Nếu đến đúng phiên chợ Phố Cáo thì bạn quả là người may mắn khi được hòa mình vào những sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng cao nguyên đá này.

Thông tin cho bạn:

1. Phố Cáo là xã Phố Cáo thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

2. Từ Hà Nội lên đến thành phố Hà Giang 300 km, từ thành phố đi tiếp 130 km nữa là đến Phố Cáo.

3. Phòng trọ tại Phố Cáo giá 200 nghìn một phòng. Bạn cũng có thể nghỉ trọ tại nhà của những người dân trong xã phố Cáo.

4. Vì thời tiết rất lạnh nên hoa đào, hoa mận ở đây nở từ tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch hàng năm.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/van-hoa/xuan-ve-pho-cao-trang-troi-hoa-man-post194986.gd