Xuân về nghe chuyện 'Chúa Tiên'

Trong lịch sử dân tộc, Thanh Hóa luôn là địa bàn trọng yếu, 'phên giậu'của đất nước, là vùng đất 'địa linh, nhân kiệt, nơi khí tinh hoa tụ họp' làm rạng rỡ cho non sông, đất nước. Từ vùng đất này, chàng trai Nguyễn Hoàng đã 'mang gươm đi mở cõi' về phương Nam năm 1558, gây dựng nên cơ đồ 9 đời chúa, 13 đời vua. Xuân này, trở về đất gốc tổ nhà Nguyễn nơi đất cổ Gia Miêu xã Hà Long (Hà Trung, Thanh Hóa) để nghe những câu chuyện về 'Chúa Tiên'.

Người “mang gươm đi mở cõi”

Di tích đình làng Gia Miêu với đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn gắn liền với sự quan tâm của vua Gia Long với đất quý hương

Di tích đình làng Gia Miêu với đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn gắn liền với sự quan tâm của vua Gia Long với đất quý hương

Trước khi nói đến chúa và vua nhà Nguyễn, không thể không nhắc đến Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim, người có công trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Là con trai trưởng của Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lựu, vị đại quan thời Hậu Lê. Khi Nguyễn Kim đang trấn thủ vùng đất Thanh Ba (Thanh Hóa ngày nay) thì biến động lịch sử xảy ra với vương triều Hậu Lê. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi, lập ra nhà Mạc. Với mong muốn “phù Lê diệt Mạc”, Nguyễn Kim cùng với một số cựu thần nhà Lê, hào kiệt bốn phương đã cùng tôn Lê Ninh - vua Lê Trang Tông lên ngôi và xứ Thanh một lần nữa trở thành “căn cứ địa” của nhà Lê. Khi sự nghiệp Trung hưng nhà Lê đang phát triển thì Nguyễn Kim bị ám hại. Từ đây, không chỉ khát vọng của vị quan đại thần dở dang mà lịch sử dân tộc cũng không tránh khỏi biến động.

Sau khi cha mất, để vượt lên biến cố và hoàn cảnh khó khăn, chàng trai Nguyễn Hoàng - con trai út của Nguyễn Kim buộc phải có những “toan tính” cho riêng mình và dòng tộc. Vì thế, tương truyền, nghe lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng “Hoành Sơn nhất đái, vạn (khả dĩ) đại dung thân” (một dải Hoành Sơn có thể dung thân suốt đời) năm 1558, dù mới 28 tuổi, Nguyễn Hoàng đã dẫn theo vợ con cùng gia quyến, thân tín không quản hiểm nguy, ngày đêm vượt đường xuôi vào phương Nam, nơi vùng đất mới Lam Sơn chướng khí Thuận Hóa để thỏa chí trai, xây dựng đại nghiệp.

Tại đây, Nguyễn Hoàng bắt đầu “mở một chiến dịch thu phục lòng người, ban bố hiệu lệnh nghiêm minh, ra thông cáo chiêu hiền đãi sĩ, bước đầu giảm sưu thuế cho dân, nên toàn dân khắp vùng mến mộ, những bậc hiền tài tìm đến giúp rất đông, Ái Tử trở thành nơi đô hội, dân sống ấm no hạnh phúc, xưng tụng ông là “Chúa Tiên”.

Để xây dựng cơ nghiệp lâu dài, Chúa Tiên thi hành chính sách cai trị mềm mỏng, rộng rãi, lấy đức độ để thu phục lòng dân, nên được dân chúng tin yêu vô cùng. Chúa chú trọng đến nông nghiệp, khuyến khích việc khai hoang, phục hóa, bên cạnh thương mại cũng được phát triển mau lẹ. Chỉ sau hơn mười năm vào trấn nhậm Thuận Hóa, nhân dân ở đây đã có cuộc sống sung túc vô cùng, trên chợ dưới thuyền... Xứ Thuận Quảng đã thay đổi bộ mặt, từ một vùng lam chướng trở nên nơi đô hội. Theo một số tài liệu ghi lại lời kể của các nhà truyền giáo phương Tây, không chỉ việc buôn bán phát triển mà thuyền buôn của các nước phương Tây cũng đi về tấp nập.

Từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng quyết tâm xây dựng cơ nghiệp nơi Đàng Trong cuộc sống của người dân nơi đây đã hoàn toàn đổi thay. Không chỉ thế, năm 1611, khi quân Chiêm Thành xâm phạm Thuận Quảng, “quân của Chúa không chỉ đánh dẹp, đẩy quân Chiêm vào tận Diên Ninh, chiếm lấy đất rồi lập thành phủ Phú Yên. Đây cũng là bước đầu Chúa Tiên mở rộng bờ cõi vào phía Nam”. Với những công trạng của mình, “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa đầu tiên khai sáng ra triều đại nhà Nguyễn sau này”.

Vị “Quốc chúa” tài năng

Di tích miếu Triệu Tường tại quê hương Gia Miêu những năm qua đang được quan tâm trùng tu, tôn tạo xứng tầm

Nếu Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người có công đầu tiên đặt nền móng cho vị thế nhà Nguyễn nơi vùng đất phương Nam thì hậu duệ đời thứ 6 của ông là Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu được lịch sử ghi nhận là vị chúa làm cho cơ nghiệp của tiên tổ đạt đến cực thịnh.

Dù lên ngôi khi mới 16 tuổi, song từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Phúc Chu đã sớm thể hiện tài năng xuất chúng: “Ham học, thông minh, văn hay chữ tốt, võ lại rất giỏi nên tuy tuổi còn nhỏ mà đã được phong Tả Bình định Phó tướng Tô Trường hầu. Khi lên kế vị ngôi, Chúa lại được xưng tụng là Minh Vương, sau đó tôn xưng Quốc Chúa”. Ngay khi vừa nối ngôi năm 1691, trước âm mưu của vua Chiêm Thành, năm 1692 Quốc Chúa cùng với tướng lĩnh trên dưới một lòng đánh tan âm mưu kẻ địch. “Đặt quan lại để cai trị, đổi Diên Ninh thành trấn Thuận Thành, sau lại đổi thành phủ Bình Thuận. Từ đó Chiêm Thành trở thành sắc tộc thiểu số đất Việt”. Không chỉ vậy, năm 1705, nhân nội bộ Chân Lạp lủng củng bất hòa, Quốc Chúa đã nhiều lần đem quân đi đánh dẹp khiến vua Chân Lạp phải thuần phục. Và Chân Lạp chính thức trở thành vùng đất do Chúa bảo hộ. Rồi năm 1708, một vùng Hà Tiên trù phú cũng thuộc quyền cai trị của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu.

Không chỉ nổi tiếng với tài trị nước, an dân, mở mang bờ cõi mà Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu còn được nhắc đến là người vô cùng mộ Đạo Phật. Chính Chúa, trong một lần ghé thăm chùa Thiên Mụ đã quyết định lấy đồng trong kho đúc chuông. Đúc xong, cũng chính ông làm bài minh khắc vào chuông, “tiếng chuông trong trẻo ngân dài và vang xa cả Phú Xuân”. Cũng theo một số tài liệu còn lưu ở chùa Thiên Mụ, thì dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, di tích được xây dựng đặc biệt khang trang, nguy nga, bề thế. Nuôi chí lớn cùng khát vọng hơn người, Chúa Nguyễn Phúc Chu trong 34 năm trị vì cùng với việc chú trọng cải cách phát triển nội trị, ngoại giao, giáo dục, võ bị hùng mạnh, mở mang bờ cõi về phương Nam, khiến cho các nước lân bang phải nể sợ, thần phục.

Vua Gia Long lập nên vương triều Nguyễn

Sau 9 đời Chúa, sự nghiệp họ Nguyễn trên đất phương Nam không tránh khỏi suy thoái, lung lay, có lúc tưởng chừng như đã bị xóa sạch bởi biến động lịch sử, đánh dấu bằng cuộc khởi nghĩa nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, tạo hóa và vòng quay lịch sử vốn luôn có những lí lẽ vượt khỏi mưu toan của con người. Bởi thế, nhân cơ hội nhà Tây Sơn suy yếu, vua Quang Trung qua đời, Nguyễn Vương (Gia Long Nguyễn Ánh) đã củng cố lại nội bộ, rèn quân tuyển tướng, tích trữ lương thảo, mua sắm khí giới để đợi thời cơ chín mùi. “Năm 1801, Nguyễn Vương chia quân làm hai đạo kéo ra Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh cho quân chặn đánh nhưng thất bại, bản thân nhà vua cũng cầm thủy quân ra cửa Eo (cửa Thuận An) để chống giữ với thủy quân của Nguyễn Vương nhưng đại bại phải chạy ra Bắc Hà... năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Vương cho sửa lại Hoàng Thành Phú Xuân và ngày mồng 2 tháng 5 năm 1802 chính thức lên ngôi, lập ra vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu là Gia Long, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 300 năm, mở ra kỷ nguyên mới thống nhất cho non sông nước Việt.

Sau khi thống nhất đất nước, cùng với việc thực hiện các chính sách trị vì đất nước thì việc xây dựng và mở rộng kinh thành Phú Xuân được nhà vua đặc biệt quan tâm. Kinh thành mới so với lúc trước bề thế và kiên cố vô cùng. Điều này còn được Le Ray, thuyền trưởng tàu Heari khi đến Huế đã ghi lại trong nhật ký, đại ý: “Kinh thành Huế nhất định là pháo đài đẹp nhất và đều đặn nhất ở Ấn Độ - China, kể cả pháo đài William ở Calcuta và Saint - Georges ở Madras, 2 pháo đài này là do người Anh làm” (Thái Văn Kiểm). Song song với việc xây dựng Kinh thành, nhà vua còn cho xây dựng Hoàng thành và Cung thành. Tất cả tạo thành một quần thể Di sản Văn hóa Thế giới Cố đô Huế khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Không chỉ chú trọng đến việc đại sự đất nước ở Kinh đô Huế, nơi gốc tổ nhà Nguyễn ở đất Gia Miêu xứ Thanh cũng được vị vua sáng lập vương triều Nguyễn hết sức chú trọng. Vì thế, một quần thể lăng, miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu...với những dấu ấn kiến trúc, giá trị văn hóa đặc biệt đến ngày hôm nay không chỉ là nơi để hậu thế ghé thăm, tỏ lòng ngưỡng mộ.

Với mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử lăng miếu Triệu Tường, khu di tích đã và đang được tỉnh Thanh Hóa phối hợp với cơ quan chức năng vào cuộc từng bước thận trọng. Bắt đầu từ việc khai quật khảo cổ di tích của các nhà khoa học đến từ Viện Khảo cổ học. Bước đầu, các nhà khoa học đã khẳng định di tích lăng miếu Triệu Tường chính là Quốc miếu của nhà Nguyễn trên đất Thanh Hóa. Dấu tích khu Lăng miếu của hoàng tộc Nguyễn ở đất Gia Miêu có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kì, công phu bậc nhất so với các khu lăng mộ ở Việt Nam được biết đến. Theo đó, tổng thể kết cấu kiến trúc của di tích là “thành ngoài - miếu trong”: bên ngoài là lũy thành, hào nước, bên trong là tường bao xung quanh, lấy Nguyên miếu là trung tâm. Mặt bằng kiến trúc sau khi khai quật cũng khẳng định sự quy chuẩn, đăng đối giữa các công trình... Bước đầu so sánh, các nhà nghiên cứu đồng thuận cho rằng di tích Lăng miếu Triệu Tường của Hoàng tộc Nguyễn có nét tương đồng với Thế miếu ở kinh thành Huế. Nếu Thế miếu là nơi thờ các chúa và vua Nguyễn thì Lăng miếu Triệu Tường là khu vực thờ gốc tổ nhà Nguyễn ở đất cố hương. Và xét ở góc độ nào đó, khu di tích được xem là “nơi phát phúc” của Hoàng tộc Nguyễn.

Đất quý hương Gia Miêu mang trong mình hệ thống di tích đồ sộ, như lời nhắc nhớ đến công lao nhà Nguyễn với đất nước, với những con người đã làm nên lịch sử dân tộc “Từ độ mang gươm đi mở cõi”!

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/xuan-ve-nghe-chuyen-chua-tien-181257.html