Xuân về bên mái ấm nhà giàn DK1

Năm nào cũng vậy, trước thêm năm mới, những hải trình đặc biệt lại mang mùa Xuân đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên Cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật (Nhà giàn DK1) thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Chuyển hàng Tết tặng bộ đội Nhà giàn DK1.

Mỗi chuyến đi mang theo niềm tin và sự gửi gắm của đất liền dành cho những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Từng có mặt trên những chuyến tàu chở mùa Xuân, chở những lời nhắn gửi, những món quà và cả tấm lòng của đất liền chuyển cho những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lòng chúng tôi không khỏi chộn rộn. Qua mỗi chuyến đi, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người còn rất trẻ, những “lính mới” có khi chỉ vừa trải qua 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, vẫn chưa quen với cái nắng gió khơi xa nhưng rất đỗi lạc quan; lại có những người lính gắn bó với biển khơi thâm niên hàng chục năm vẫn hừng hực nhiệt tình ra khơi, giữ biển

Nhà giàn DK1 vững vàng trước biển.

Sinh năm 1971, 15 năm liên tục có mặt tại các nhà giàn DK1, Thượng tá Phạm Xuân Thái nay đã về công tác tại Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn DK1 (Bộ tư lệnh Vùng 2, Hải quân) luôn nhớ về ngày tháng không thể quên ấy. Anh sinh ra và lớn lên trên quê hương Vũ Thư, Thái Bình, 18 tuổi thi đỗ vào trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân, chuyên ngành thông tin. “Ngày mình cầm quyết định tốt nghiệp trên tay đồng thời với nhận nhiệm vụ ra công tác tại nhà giàn DK1-15. Hồi ấy nhà giàn chưa được như bây giờ, nhưng sao vẫn thấy vững tâm lạ. Đó là năm 1998. Vượt hành trình hơn 210 hải lý với một người 20 tuổi chưa từng ra biển với mình thật khó diễn tả. Một nhà giàn kiên trung với những người lính gan dạ, mang tấm lòng và nhiệt huyết được cống hiến chính là động lực để mình tích cực học tập, công tác. Sau này, quá trình làm việc trên nhà giàn và các tàu liên tục, rồi cuốn vào những bận bịu của cuộc sống, đến giờ mình cũng không nhớ nổi đã đón bao nhiêu cái Tết giữa trùng khơi. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Tết nào lính biển cũng đều nhận được tình cảm nồng ấm từ đất liền gửi trao”, anh Thái tâm sự.

Mỗi chuyến thăm và chúc Tết dịp cuối năm thường kéo dài trung bình 15 ngày. Khoảng thời gian tuy không dài, nhưng cũng đủ để những người đi biển không chuyên như chúng tôi cảm và hiểu về những người lính giữ biển. Thiếu tá QNCN Phạm Văn Hướng, quân y sĩ Nhà giàn DK1 chia sẻ: “Là lính, thương mẹ, thương vợ con, nhưng anh em chúng tôi sẵn sàng lên đường, coi nhà giàn là nhà, biển cả là quê hương. Chúng tôi hiểu trách nhiệm của mình”.

Anh Hướng quê ở Hiệp Hòa, Kinh Môn, Hải Dương và đã có thâm niên 28 năm đi-về trên các nhà giàn. Hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, cách đây khoảng 3 năm con trai anh lâm trọng bệnh và hôn mê sâu tưởng không có ngày tỉnh lại. Hơn hai mươi năm công tác tại nhà giàn, đón 19 cái Tết trọn vẹn nơi đây, anh không ít lần ngậm ngùi vì không thể cùng vợ chăm sóc các con. Buồn, nhưng anh không nản. Cùng đồng đội, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ. Thật may mắn là trời không phụ lòng người. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, tấm lòng của các nhà hảo tâm và những nỗ lực của gia đình, sau một thời gian dài hôn mê sâu, con trai anh đã tỉnh lại như một phép màu của tạo hóa. Hiện nay cháu đã qua giai đoạn phục hồi chức năng để tiếp tục đến trường cùng chúng bạn. Và anh lại như được tiếp thêm sức mạnh và động lực, cùng đồng đội trên nhà giàn kiên trung không ngại gian khó...

Hiểu được khó khăn, vất vả của bộ đội, cũng như tâm tư tình cảm của lính trẻ, nên cùng với cán bộ, chỉ huy nhà giàn, những người nhiều kinh nghiệm hơn thường xuyên động viên, khích lệ để mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Xuân Việt, từng là chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1-11 kể: Trên nhà giàn, đời sống tinh thần của bộ đội luôn được quan tâm. Để chung vui với chúng tôi, những đoàn công tác của các ban ngành, đoàn thể thăm và chúc Tết các chiến sĩ ở nhà giàn thường “thủ sẵn” những ca khúc hay để đáp lại.

Bộ đội nhà giàn vui văn nghệ chào năm mới.

Nhiều chiến sĩ trẻ chúng tôi gặp như: Binh nhất Lâm Văn Hố (DK1-6), Pháo thủ Vũ Chí Kiên (DK1-14), Máy trưởng Vương Trung Thành (DK1-12)...trong giây phút mừng vui gặp mặt người trong đất liền ra thăm, đôi mắt rực sáng, hào hứng cất cao lời bài ca “truyền thống” của cánh lính nhà giàn: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/ Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó/ Mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng…".

Đón Tết sớm với bộ đội nhà giàn, chúng tôi được chứng kiến một không khí vui Xuân, đón Tết vừa đậm đà truyền thống, vừa mới lạ nơi đây. Có nhà giàn nhờ đồng đội mua lợn từ 4-5 tháng trước gửi ra, chăm cho béo tốt để làm cỗ tết, gói bánh chưng, giã giò. Đêm giao thừa tất cả cán bộ, chiến sĩ tập trung ở hội trường để bắt đầu chương trình đón năm mới, tổ chức các trò chơi, ngồi tâm sự kể chuyện chung-riêng của một năm đã qua. Trong mấy ngày Tết, cán bộ, chiến sĩ thi hát karaoke, thi bóng bàn, đấu cờ tướng để tạo không khí và vơi nỗi nhớ nhà. Lắng nghe những tiếng “thì thầm” trò chuyện với người thân, chúc Tết gia đình qua sóng điện thoại của bộ đội nhà giàn, các thành viên đoàn công tác sẽ được về đất liền trong nay mai lại muốn nán lại thêm lâu hơn để sẻ chia sự nỗi nhớ nhà cùng các anh...

Bài, ảnh: Hướng Nam (Báo QĐND)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/home/bien-hai-dao-viet-nam/109346/xuan-ve-ben-mai-am-nha-gian-dk1