Xuân sớm nơi 'dòng nước ngang trời'

Đã là những ngày cuối cùng của năm nhưng miền Trung vẫn đầy nắng, khiến cho bất kỳ ai sinh ra ở miền Bắc đều 'nhớ và thèm' cái lạnh của mùa đông. Khoác ba lô trở lại biên giới Quảng Nam, tôi mong tìm chút hương vị Tết cùng với những người chiến sĩ quân hàm xanh. Mây trắng bồng bềnh lưng chừng núi, màu xanh thẳm của đại ngàn khiến con người chỉ nghĩ được những điều tốt đẹp hơn. Hình như, xuân đã 'chạm' vào dải đất biên cương này.

Vợ chồng A Lăng Giằng và Zơ Râm Hằng với bài hát "Cô gái Sầm Nưa".

Mênh mang dòng nước ngang trời

Đóng chân trên độ cao cả nghìn mét so với mực nước biển, Đồn BP Đắc Ring BĐBP Quảng Nam nằm lẫn trong những ngọn núi hầu như quanh năm mây trắng bao phủ. Đắc Pring được đặt theo tên con sông Ring, bắt nguồn từ Kon Tum, len lỏi qua các khe, vực núi, chảy qua miền đất biên cương này để rồi hòa mình với sông Bung, góp nước cho thủy điện sông Bung 2. "Đắc Pring" theo tiếng của người Ve (là dân tộc chiếm đa số ở Đắc Pring) có nghĩa là "dòng nước ngang trời" - một cái tên gợi cho người ta nhớ đến một vùng đất đẹp, lãng mạn dù những khó khăn mà quân và dân nơi đây đang hàng ngày phải đối mặt. Mấy ngày nay, đơn vị có thêm khách. Đó là Zơ Râm Hằng, vợ của Binh nhất A Lăng Giằng; BNướch Hằng, vợ của Binh nhất A Lăng Den và cô gái trẻ Zơ Râm Nun, lúc nào cùng ngượng nghịu, nép sau lưng chồng, Binh nhất Bling Blếch bởi lần đầu cô đến đơn vị.

Biết tôi chưa khi nào "ăn Tết ở đồn BP" nên Chỉ huy Đồn BP Đắc Pring quyết định "đêm nay đơn vị đón giao thừa". Thiếu tá Trần Quốc Nam, Phó Đồn trưởng Đồn BP Đắc Pring nhanh chóng bắt tay cùng Đội tổng hợp chuẩn bị hậu cần cho bữa tiệc đón xuân mới. Một con heo 20 ký, 10 con gà mới đủ cỗ cho chủ và khách. Thấy Đồn trưởng Nguyễn Minh Chánh "quyết nhanh" như vậy, tôi lo lắng bởi chợ không có và cũng đã cuối giờ chiều. Phó Đồn trưởng Trần Quốc Nam cười ha hả: "Dù cách xa chợ nhưng đơn vị luôn chú trọng công tác tăng gia tự túc. Có thể bao quát bằng câu ngắn gọn: "Rau xanh khắp triền núi, gà đầy chuồng, cá đầy ao". Chưa khi nào đàn lợn của đơn vị ở dưới mức 30 con. Chưa kể đàn dê đang tiếp tục sinh sôi. Ở đây xa chợ, giao thông đi lại khó khăn, nếu không chủ động lương thực thì bước vào mùa mưa sẽ phải ăn cơm với cá khô". Cứ ngỡ quãng đường 200 cây số dốc cao, vực thẳm trong gió rét khiến Đồn trưởng Nguyễn Minh Chánh mệt mỏi, nhưng anh đã rời đơn vị từ 8 giờ tối, sau khi có điện thoại báo trên địa bàn có vụ việc xảy ra.

Nhộn nhịp nhất là khu vực nhà bếp. Thiếu úy Coor Trung vừa thái thịt vừa thử giọng "em-xi" cho buổi giao lưu văn nghệ: "Tôi sinh ra ở Quế Sơn nhưng chuyển về bản Công Tờ Rơn, xã La Dêê sinh sống, vậy nên tôi sẽ hát bài Quế Sơn quê tôi" khiến mọi người cười nghiêng ngả. Dù là khách, nhưng khi thấy tôi cất máy ảnh vào túi, Binh nhì Kring Xát đưa ngay con dao và túi khoai tây, nói: "Chị gọt nhanh nhé còn kịp nấu canh". Trên bếp, nồi luộc gà đang sôi sùng sục bốc khói nghi ngút, ngoài sân, bếp than hồng rực đã sẵn sàng cho món thịt nướng. Lửa bếp khiến cho má cô gái Bnướch Hằng càng thêm ửng đỏ. Cái lạnh se sắt của đêm đông, sự nhộn nhịp, tấp nập chuẩn bị cỗ khiến tôi như được trở về với tuổi thơ đón Tết ở quê, những xúc cảm dần trở nên bình thường với người ở phố lâu năm. 21 giờ, máy nổ buộc phải tạm nghỉ để dành sức phát điện cho lúc giao thừa. Nến được thắp, ánh sáng mờ nhưng soi rõ sự hồ hởi trên từng khuôn mặt. Các đoàn viên của Đoàn xã Đắc Pree vẫn kiên trì ngồi đợi cùng mọi người khớp nhạc chuẩn bị các ca khúc cho giờ phút đón mừng năm mới. Sự hối hả bao trùm cả màn đêm tĩnh mịch biên cương.

0 giờ

23 giờ 30 phút, mọi người đã chuẩn bị xong thì Đồn trưởng Nguyễn Minh Chánh cũng trở về đơn vị. Anh vội vàng thay bộ quân phục mới và chủ trì buổi đón giao thừa. Bánh kẹo được bày ra và một chút rượu để phá tan cái lạnh. Chỉ thiếu một cành đào hồng rực sắc xuân và đôi bánh chưng gói lá dong cho thêm đậm đà vị Tết. Chưa khi nào đơn vị tập trung đón giao thừa năm Dương lịch nên mọi thứ đều trở nên mới mẻ. Những tiếng ồ thú vị khi chiêm ngưỡng những màn bắn pháo hoa, tiết mục văn nghệ đón năm mới của các nước trên thế giới qua màn ảnh nhỏ. Màn hình xuất hiện con số 20, tất cả cán bộ, chiến sĩ cùng đứng dậy, nâng ly, đồng thanh đếm ngược. Khi kết thúc bằng con số 0, không ai bảo ai, câu "Chúc mừng năm mới" như vỡ òa, ly rượu cạn để bắt đầu một năm mới.

Mổ heo làm cỗ đón năm mới.

Đồn trưởng Nguyễn Minh Chánh gửi lời chúc mừng năm mới tới cán bộ, chiến sĩ với lời đề nghị cùng xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh và giúp đồng bào tiến đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngay lúc này, anh đề nghị cán bộ, chiến sĩ mỗi người ủng hộ một ngày lương để góp cái Tết cho người nghèo 2 xã biên giới Đắc Pring, Đắc Pree. Khi tất cả cánh tay đồng ý được giơ lên, anh yêu cầu Thiếu tá Đỗ Văn Chính, quản lý đơn vị ngay ngày hôm sau lên danh sách và trích lương của anh em, nhanh chóng chuyển số tiền ấy về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 2 xã. Từ lâu, những việc làm nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Pring đối với người dân xã biên giới Đắc Pring, Đắc Pree làm mọi người rất cảm động.

Mọi rào cản khách - chủ, chỉ huy - cán bộ - chiến sĩ tan biến khi các tiết mục văn nghệ được bắt đầu. Dù tự học là chính nhưng nhạc công có cả cha và mẹ đều là người Cơ Tu lại có cái tên rất phổ thông: Thiếu úy, Đội phó Đội vũ trang Trần Tinh Hiệp vẫn gắng sức để đàn theo kịp lời hát của các "ca sĩ". Sự rộn ràng của “Hành khúc người chiến sĩ biên phòng", tốp ca Bling Hoài, A Lăng Giằng, Hiên Vững; sự da diết tình cảm trong "Hát tặng người chiến sĩ biên phòng" của Đại úy A Lăng Sơn. Lời hát say đắm, chân tình của vợ chồng Binh nhất A Lăng Giằng và Zơ Râm Hằng trong bài "Cô gái Sầm Nưa" đã cuốn được bước chân ngay cả người khó tính nhất của đơn vị cùng múa điệu lăm-vông. Tôi thấy mình như đi trên mây, khi Thiếu úy Coor Trung hát tặng riêng tôi bài hát của người Cơ Tu... Tiếng cười rộn rã, ánh mắt rạng ngời xua tan cái lạnh, tĩnh mịch, hiu hắt của đêm đông biên thùy. Xuân đã thực sự về với mảnh đất, con người nơi biên cương này.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuan-som-noi-dong-nuoc-ngang-troi/