Xuân ơi, xuân đã về!

Một mùa xuân của đủ đầy hy vọng, ngập tràn yêu thương lại đến với người Hà Nội, với con Lạc, cháu Hồng. 'Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về...'. Cảm hứng bất tận trong nét nhạc của Văn Cao ngập tràn khí xuân, sắc xuân mang âm hưởng vừa quen, vừa lạ. Xuân đã về!

Người dân Thủ đô du xuân trong tiết xuân an lành. Ảnh: Thành Nguyễn

Hà Nội vào xuân

Hà Nội có gì rất lạ! Cái lạ có trong cảm nhận mỗi người. Đón Tân niên, không gian như lắng lại, thời gian như ngưng đọng trên khắp phố phường, trên mọi nẻo đường, rồi chợt vỡ òa trong giây phút Giao thừa. Chất chứa, lắng đọng và khi mùa xuân cựa mình trên cành non lá mới, Hà Nội lại "có gì rất lạ".

Chương trình Táo quân 2018 lên sóng truyền hình cũng là lúc người bán quất, đào... trở về nhà với bữa cơm Tất niên và những bó mía tím “thắt” nơ đỏ được vác ra đường. Nhiều con phố ngày thường chật ních bất chợt thênh thênh, dốc Kim Mã như dài hơn trong chầm chậm phố phường để ai đó thả hồn cùng hoài niệm; đường Nguyễn Chí Thanh quang đãng cho người ta bình tâm ngắm hàng cây phong mới trồng và nghĩ về một thành phố xanh với những hàng cây đa sắc. Vài chiếc xe máy vồi vội cùng những cây quất, cây bưởi hồ lô mang đến một cảm giác xốn xang khó tả...

Hà Nội không tổ chức phố đi bộ, nhưng khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ vẫn là điểm đến náo nức. Nơi đây hội đủ các màu da, sắc tộc. Khách du lịch thích thú chụp ảnh cầu Thê Húc "cong cong một nét lông mày", một bạn sinh viên người nước ngoài ôm đàn ghi ta hát mừng năm mới ngay bên Thủy Tạ. Phố Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện... ken đặc người với người, nổi nhất là mấy "chị Tây" tíu tít đội nón lá. Vẫn vậy, những nem rán, xúc xích, bò khô với vài chai bia, nhưng không khí phố ẩm thực - “phố nhậu” có gì đó lung linh, đầm ấm. Phương Linh đang làm việc tại Mỹ cho biết: “Nhớ Tết quá nên được nghỉ phép một tuần cũng cố để về. Nhịp sống Hà Nội khác trước nhiều lắm, phố xá rộn rã, mọi người ăn mặc đẹp và cũng thân thiện hơn…”. CNN bình chọn Việt Nam là một trong tám nơi đón Tết lý tưởng nhất thế giới là có lý.

Tân niên đến gần cũng là lúc người người đổ dồn về khu vực hồ Hoàn Kiếm đón Giao thừa. Năm nay nơi đây đông chặt người hơn hẳn so với Giao thừa năm trước. Không gian cô đặc cùng cảm giác rất lạ mà rất quen của mỗi con dân nước Việt trong thời khắc thiêng liêng để rồi tất cả như vỡ òa cùng những màn pháo hoa rực rỡ chào năm mới. Nét xuân rạng rỡ trên gương mặt mỗi người. Quang Huy gốc Hà Nội đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nói với tôi: “Cùng gia đình, bạn bè đón Giao thừa trong không gian linh thiêng hồ Hoàn Kiếm với không khí thật sự là mùa xuân này, tuyệt vời không nói hết". Hà Nội vào xuân cùng những lời chúc tốt lành cho mỗi con người, mỗi gia đình. Xuân khí như một tín hiệu đẹp mang đến sự thịnh vượng trong năm Mậu Tuất.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày đầu xuân. Ảnh: Viết Thành

Rộn ràng ngày Tết

Hơi xuân theo mưa lất phất trải khắp phố phường, không gian Hà Nội trong sáng mùng 1 Tết "có gì rất lạ". Chả còn tấp nập bán mua, phố Hà Nội như thể "nguyên sơ", đẹp đến ngỡ ngàng với những người yêu Hà Nội. Chả cứ nam thanh nữ tú, nhiều người có tuổi cũng tha thướt áo dài ra phố, ghi lại không gian yên ả, an bình mỗi năm chỉ đến một lần. Phố nghệ thuật Phùng Hưng hấp dẫn nhiều bạn trẻ, nhưng những con “phố Hàng” không còi xe, khói bụi có sức hút mạnh hơn. Không chỉ chọn hướng xuất hành, du xuân, “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, nhiều người mang về nhà gói muối, bao diêm hay một vài nhánh lộc xuân cùng những niềm hy vọng.

Đầu xuân đi lễ chùa là phong tục, cũng là thói quen của nhiều gia đình. Đất trời lại chiều lòng người nên năm sớm người đi chùa, đền nhiều hơn đi hội. Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ ngút ngát hương trầm, có lúc chẳng còn chỗ len chân hành lễ nhưng năm mới ai nấy cũng vui vẻ. Không gian linh thiêng đọng tiếng nhỏ, tiếng to, người xin Đức Phật độ trì cho toàn gia an lạc, người cầu Đức Thánh cho làm ăn phát đạt, cơ sự hanh thông. Gió hồ Tây mang lên thinh không những nguyện cầu trần thế. Các ngôi chùa làng không thanh vắng nhưng có nét riêng không khó cảm nhận. Chùa Liên Đàm (Linh Đường) trong Khu đô thị bán đảo Linh Đàm mới dựng xong nhà tổ và đã mang một dáng vẻ mới. Thế nhưng cái cách người già, trẻ nhỏ xúng xính áo quần ra chùa cho thấy, chất làng vẫn ngấm sâu trong người dân đất này. Lên chùa để chiêm bái, cầu may nhưng cũng để gặp gỡ. Nhiều người hoan hỷ với bao lì xì từ nhà chùa, với quẻ thẻ đầu năm “tấn tài”, “tấn lộc”… Không ít người Hà Nội hành hương lên Yên Tử, chùa Hương từ ngày mùng 1, mùng 2 Tết, tiếng chuông chùa ngân nga trong không gian rộng lớn mang tâm thức Việt.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi chứa đựng hồn cốt của đạo học nước nhà trong ngày đầu năm cơ man du khách, nhưng nhiều hơn là người Hà Nội đưa con cái đến “cửa Khổng, sân Trình”. Nguyễn Đức Dũng, một người khá nổi tiếng trong nhóm thư pháp trẻ từng được tụng danh “nhi thập bát tú” dừng tay “múa bút” nói: Thích nhất là được hỏi han con trẻ rồi “sáng tác”, nhưng nhiều người đến đây xin chữ “học”, “thành”, “tiến” mong con cái đạt được kỳ vọng của mình… Bên Hồ Văn rộn ràng hơn, những ông đồ già áo the, khăn đóng nghiêm ngắn trong lều chữ, chầm chậm đưa bút, giảng giải chữ nghĩa cho đám trẻ tân thời. Trong tiếng hát văn, nghe câu được câu mất, nhưng mọi người đều vui. Họa sĩ Lê Quốc Việt, người tiên phong trong phong cách Tiền Vệ - đưa thư pháp trở thành thư họa cũng góp mặt ở đây cùng mực nho, giấy đỏ. Hiểu được ý tứ thâm sâu qua con chữ người xưa không dễ nhưng những gì trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho thấy sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của tục xin chữ, cho chữ. Trường tồn trong lòng dân tộc, đây là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam.

Xuân đã về, trong không gian “Phố sách Xuân Mậu Tuất 2018” giữa lòng Hà Nội, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nói với tôi: Hội tụ tinh hoa văn hóa, tri thức của mọi thời đại là “chất” riêng có của Thăng Long - Hà Nội. Nét đẹp truyền thống cùng những điều mới lạ mà mỗi người có thể cảm nhận trong mùa xuân mới phần nào cho thấy sự chuyển động của thành phố nghìn năm tuổi.

Mùa vui nay đã về! Mùa xuân mang đến hy vọng mới, sức bật mới. Làm thế nào để nguồn sinh khí ấy trở thành động lực mang đến những thành công mới? Câu trả lời có trong mỗi người Hà Nội hôm nay.

Không khí du xuân ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018 diễn ra rất rộn ràng, nhộn nhịp trên các địa điểm vui chơi tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 18-2 (mùng 3 Tết), nơi tập trung đông người du xuân nhất là Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1). Với chủ đề "Khát vọng vươn cao", năm nay Đường hoa Nguyễn Huệ thể hiện khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân; khát vọng xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố vì cả nước, cùng cả nước; một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Hai địa điểm du xuân không thể bỏ qua tiếp theo là Hội hoa xuân Công viên Tao Đàn (quận 1) và Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7).

Hà Tuấn

Thanh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/893036/-xuan-oi-xuan-da-ve