Xuân này bố lại ra khơi

Chợ quê những ngày đầu Tết Mậu Tuất giống như đang mở hội. Lũ trẻ con nhốn nhang, đùa nghịch khắp xóm làng. Tiếng vịt, gà, xe cộ, tiếng cười nói của mọi người pha tạp vào nhau, tạo nên thứ âm thanh đầy mùi Tết. Tôi cảm nhận đâu đó, nồng nàn mùi vị của mùa xuân xưa bên bố. Từng phím đàn piano của cô bé hàng xóm ngân lên, thả trôi tiếng gọi xuân, cuộn vào hương vị Tết, rồi đặt vào tâm hồn người niềm man mác ngóng trông...

Đang mải chìm trong những suy tư, bỗng tiếng chẻ củi phía sau nhà phá vỡ đi bầu trời hoài niệm trong tôi. Vén những vạt nắng cuối cùng của chiều đông vắt lên bờ tường rêu phủ, tôi đi về phía sau nhà. Là mẹ. Mẹ ngồi chẻ nhỏ từng đoạn củi khô chuẩn bị đun nồi bánh chưng muộn vào tối ngày mồng 4 Tết. Đôi tay gầy nhỏ của mẹ phèn vàng ở đầu móng sau mùa cấy vụ đông, nhuộm vào ánh mắt tôi nhạt nhòa. Nếu bố về thì bàn tay mẹ sẽ chỉ vuốt ve những tàu lá dong, hay dịu xoa những hạt gạo nếp chuẩn bị cho nồi bánh. Vậy mà Tết vừa qua bố vẫn không về.

Vì cuộc sống mưu sinh nuôi hai con học hành, nên bố phải xa nhà từ lúc tôi còn nhỏ xíu. Lúc bé nghe điện thoại của bố, mỗi lần cúp máy tôi đều dặn duy chỉ một câu: “Tết bố về với con”. Và cứ vậy, lời hẹn hò của một đứa trẻ lên ba với bố cùng tôi lớn dần theo năm tháng, nhất là vào những ngày Tết Nguyên đán.

Càng lớn, tôi càng thấu hiểu cho bố vì những lần thất hứa. Chắc bố chẳng muốn như vậy đâu, và bố cũng không muốn phơi màu da cháy nắng mười mấy năm trời trong gió biển kia nữa. Bố muốn về cùng mẹ để viết tiếp nên hạnh phúc nhỏ của gia đình, bố muốn cùng các con vẽ nên nhiều hình ảnh đẹp về Tết tuổi thơ... Nhưng tình yêu với biển càng to lớn, càng rạo rực trong tim gan, thì bố càng không muốn xa biển chút nào. Bố nói, khi được rẽ sóng ra khơi, giăng lưới để cá đầy khoang, mới thấy biển thân thương biết bao nhiêu, mới thấy Tổ quốc thiêng liêng biết nhường nào. Cảm thấy như mình là một chiến sĩ hải quân, một chiến sĩ cảnh sát biển, một chiến sĩ kiểm ngư và là một cột mốc sống đang đánh dấu chủ quyền biển, đảo cho đất nước. Một lần đánh cá vùng thềm lục địa phía Nam, bố không may bị té xuống khoang. Máu chảy đầm đìa trên lưng áo và đầu. Bố được mọi người đưa vào Nhà giàn DK1 ngay sau đó. Các chiến sĩ hải quân đã nhanh chóng cấp cứu, băng bó, chăm sóc kịp thời, nên bố đã tai qua nạn khỏi. Khi về bờ bố gọi điện cho gia đình nói: "Các chiến sĩ đêm ngày không quản ngại gian khổ giữ biển, đảo, hỗ trợ ngư dân, thì bố và các ngư dân cũng chả có lý do gì thoái thác nhiệm vụ giữ biển và làm giàu cho đất nước, cho gia đình cả".

Tết Giáp Ngọ 2014, bố về có mấy ngày thôi. Tôi cứ đi ra rồi lại đi vào trong căn nhà, trong khoảng sân mưa sương đầy tiếng nói cười với bố. Hồi bé mong bố về, chỉ đơn giản là tôi mong được nhận quà miền Nam. Hình dáng của đứa bé 5 tuổi, tóc cắt ngang vai và đôi mắt lém lỉnh, long lanh chạy ra ôm lấy cổ bố, rồi thơm trọn lên khuôn mặt đầy màu nắng và mùi mặn mòi của biển. Tôi hồi hộp nhận từ tay bố những hộp quà nhỏ. Chao ôi! Hộp bút, sách vở, bông tai, sợi dây chuyền nhỏ,... và cả những vỏ ốc tuyệt đẹp từ biển khơi, khiến tôi cười tít mắt. Ngày 28 Tết, bố và tôi ngồi nơi hiên nhà gói bánh, rồi hơ bàn tay nhỏ xinh của mình trước nồi bánh chưng to đang đặt trên bếp củi đỏ rực. Ngày hội Tết, bố chở con gái bon bon trên con đường làng dài và rộng. Tôi thích chí cười khanh khách và líu lô đủ điều.

Năm nay tôi đã 22 tuổi. Nếu khóc được như ngày còn bé mong bố về tôi sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu. Và thật buồn cười, dù lớn tôi vẫn mong nhận được quà mang ở biển về từ bố. Những ngày Tết vừa qua, tôi lật đật tìm lại trong ngăn bàn những lá thư gửi bố nguệch ngoạc nét chữ từ hồi học lớp 1. Trong thư chỉ là bài thơ nhỏ và lời hẹn “Tết bố về với con”. Nhưng Tết này bố lại lỗi hẹn với gia đình. Bố bảo: "Xuân này bố lại ra khơi". Tôi đưa ánh mắt về hướng Biển Đông, về hướng Trường Sa, Hoàng Sa, hay vùng thềm lục địa phía Nam. Nơi đó chắc chắn có bố, có rất nhiều người đang giăng lưới giữa trùng khơi và canh giữ biển trời xuân cho đất nước.

LÊ CÚC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/xuan-nay-bo-lai-ra-khoi-531969