Xuân Hinh – 'ông vua làng hài đất Bắc' từng khóc để khán giả cười

Về vùng Bắc Ninh lắng nghe dăm ba điệu hò quan họ, ngân nga khúc hát tâm tình. Mảnh đất ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn một nghệ sĩ – người được mệnh danh là ông vua làng hài miền Bắc – NSƯT Xuân Hinh.

Từ anh buôn đồng nát đến "ông vua làng hài đất Bắc"

Xuân Hinh tên thật là Bùi Xuân Hinh, sinh năm 1960 tại huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống giáo dục.

Bố của Xuân Hinh là một thầy giáo còn mẹ anh chấp nhận lui về hậu phương để chăm sóc cho hạnh phúc gia đình. Gia đình của Xuân Hinh vốn nghèo khó bởi đông con, có lẽ vậy nên tuổi thơ của anh đã nếm trải nhiều cay đắng.

Thời quá khứ đói nghèo của Xuân Hinh khiến nhiều người bất ngờ.

Năm 13 tuổi, Xuân Hinh bắt đầu đi buôn, cho đến những năm tháng là sinh viên, anh thường buôn đồng nát để trang trải cuộc sống. Chính cuộc sống khốn khó đã tạo nên lối sống gần gũi của Xuân Hinh khiến nhiều người thương mến.

Xuân Hinh công tác 7 năm tại đoàn quan họ Bắc Ninh trước khi trở thành diễn viên hài.

Hồi ấy anh chỉ đi hát bởi đam mê chứ không nghĩ rằng một ngày nào đó anh lại trở thành một ông vua làng hài quen thuộc với biết bao thế hệ người hâm mộ.

Xuân Hinh thời trẻ.

Năm 1977, trường đại học Sân khấu Điện ảnh tuyển sinh viên khoa Chèo mà đó lại là khóa đầu tiên. Nghe tin Xuân Hinh mừng lắm, anh gom góp số tiền ít ỏi khăn gói lên Hà Nội học.

Anh hào hứng kể lại: "Tính tôi nó thế, không bao giờ thỏa mãn với những cái mình đang có. Cứ phải thay đổi. Chỉ có vợ là nhất định không thay".

Xuân Hinh nhớ mãi hình ảnh của mình: "Chẳng giàu có gì, lại lếch thếch lên Hà Nội học chèo. Tôi nhớ mãi một lần về xin mẹ 20 ngàn đồng. Tôi biết bà không có tiền, chắc là chẳng vay được nữa. Bà không nói gì. Hôm sau, lúc tôi đã ra bến xe để về Hà Nội học, mẹ tôi tất tả chạy đến, trên vai là đôi quang gánh rỗng. Bà thở gấp vì vừa đi tận trên chợ về. 20 ngàn gói chặt trong chiếc túi vải giắt cạp quần. Bà vui vẻ kể: Từ sáng, bà phải lội ao bèo rét căn cắt vớt cho được 4 gánh nặng, quẩy xuống tận chợ bán. 4 lần đi rồi về như thế, được chẵn 20 ngàn đồng, đủ cho tôi đi Hà Nội. Tôi ngồi trên xe về Hà Nội nuốt nước mắt vào trong. Tôi thấy mình vô tích sự khi vẫn ăn bám mẹ. Đó cũng là lần cuối tôi xin mẹ tiền".

Và thế là Xuân Hinh đi buôn đủ các loại thượng vàng hạ cám từ vùng cao đến đồng bằng.

Đâu có đủ bình tâm để xấu hổ, lúc ấy chỉ cần có tiền để đóng học. Nhưng kinh doanh đâu phải dễ, hôm được hôm mất, lấy lãi bù lỗ.

Sau này Xuân Hinh biết buôn cả vàng, mắm muối tương cà. Có những lần Xuân Hinh thuê cả 1 chiếc xe tải cà tàng chở măng, mộc nhĩ, nấm hương về quê bán từ 2h sáng.

Đêm khuya vắng người gần nghĩa trang, mình Xuân Hinh cứ gật gù nửa buồn ngủ nửa tỉnh, vừa lo trông mấy chục bao hàng. Cứ thế cho đến ngày cái tên Xuân Hinh nổi tiếng trên thánh đường nghệ thuật truyền thống.

Đến năm 1983, Xuân Hinh tiếp tục thi đỗ vào trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ngành hát dân ca. Sau tốt nghiệp, Xuân Hinh được giữ lại làm giảng viên trong trường, nhưng anh từ chối.

Năm 1988, Xuân Hinh tham gia diễn tiết mục nổi tiếng hề Cu Sứt trong Festival Cười, biểu diễn gần 2 tháng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, được khán giả nồng nhiệt khen ngợi.

Năm 1997, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Tuy đã thành danh nhưng Xuân Hinh vẫn luôn canh cánh trong lòng một nỗi đau khó nguôi ngoai. Bố mất khi Xuân Hinh chưa thành danh, cả cuộc đời vất vả vất vả chưa nhìn thấy con trưởng thành cũng chưa được con báo đáp. Anh nói: "Bố tôi chưa bao giờ được xem một buổi biểu diễn nào của tôi. Tận khi mất, tôi vẫn khiến ông bận lòng".

Là một nghệ sĩ lớn đam mê và hết lòng với bộ môn nghệ thuật dân tộc, sau chèo, nghệ sĩ Xuân Hinh là người gìn giữ và mang thể loại hát văn (hay còn gọi là chầu văn) phổ biến rộng rãi với công chúng.

Không hiếm để bắt gặp Xuân Hinh hóa thân thành hầu hát xuất thần. NSƯT Xuân Hinh quan niệm rằng: “Cuộc đời mình được hưởng từ tiền nhân quá nhiều, nên có trách nhiệm phải trả nợ tiền nhân, nếu còn sức khỏe và thời gian tôi vẫn sẽ còn trả, trả đầy, trả đủ”. Do đó, khi quyết định giữ gìn và theo đuổi nghệ thuật chầu văn, anh không màng đến lãi lỗ, cốt yếu là không để bộ môn này ngày càng mai một.

Mối tình kỳ lạ của anh chàng thôn quê với cô tiểu thư thành phố

Nhiều người vẫn hay tò mò về cuộc tình của Xuân Hinh và bà xã Phương Lan - một người phụ nữ gốc Hà Nội xinh đẹp, gia thế.

Anh hóm hỉnh tâm sự với truyền thông rằng: "Nhiều người vẫn hỏi tôi có bí quyết gì để chinh phục bà xã, tôi mới trêu là mình bị "bỏ bùa" chứ nào phải đi cưa cẩm gì đâu. Hồi đấy, tôi nghèo rớt mùng tơi, người gầy như que tăm, quần áo xộc xệch, tài sản chả có gì ngoài cái xe đạp cũ, còn phải đi thuê nhà. Thế nên, tự dưng được một cô gái Hà Nội đến bên mình thì cũng là duyên số đáng quý lắm".

Bà xã Xuân Hinh rất hiếm khi xuất hiện trên mặt báo. Nếu có, chị chỉ chiếm 1 góc nhỏ, khiêm nhường đằng sau cái bóng của người chồng nổi tiếng. Thậm chí, suốt 1 thời gian dài người ta nhầm tưởng rằng vợ của Xuân Hinh chính là nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền.

Vợ chồng Xuân Hinh tình tứ trong một sự kiện

Theo những chia sẻ hiếm hoi của Xuân Hinh, vợ anh là Nguyễn Phương Lan - một cô gái Hà Nội gốc. Anh cảm mến chị bởi vài lần liếc trộm, thấy hay hay. Về sau, chính Xuân Hinh phải thừa nhận rằng anh yêu bà xã của mình vì sự dịu dàng hiền thục. Và phải mất 2 năm tán tỉnh, anh mới chính thức về một nhà với bà xã tiểu thư.

Bà xã Xuân Hinh cho biết, lấy chồng nghệ sĩ nếu có sự nghi ngờ thì rất khó sống hòa thuận với nhau. Chị biết Xuân Hinh là người trân trọng những giá trị truyền thống nên rất tin tưởng vào chồng, Phương Lan thường nói: "Vợ chồng sống với nhau cốt là ở niềm tin".

Bởi vậy, trước sự hiểu nhầm của công chúng về việc Thanh Thanh Hiền là vợ của Xuân Hinh hay trước sự săn đón của các fan nữ dành cho chồng, Phương Lan cũng chỉ cười dịu dàng và bỏ ngoài tai.

Chính sự thuần hậu của bà xã khiến Xuân Hinh mỗi lần nhắc đến vợ đều rất tự hào khẳng định: "Bà này không cần tiền. Bà ấy chỉ cần chồng cần con thôi chứ không cần tiền. Khi lấy nhau, tôi là "Việt kiều" Bắc Ninh, còn bà ấy là Hà Nội gốc mà. Bà ấy thiếu gì tiền".

Tổ ấm hạnh phúc của Xuân Hinh

Gần 30 năm hương lửa mặn nồng, Xuân Hinh không bao giờ dám nói to với vợ một câu, anh tâm sự: "Không dại gì mà làm phật ý vợ. Tôi nhịn bà ấy như nhịn cơm sống, chưa bao giờ dám làm điều gì khiến cho bà ấy buồn. Vì thế lúc nào bà ấy cũng vui".

Có người vợ đẹp con ngoan nên Xuân Hinh tâm niệm cực hài hước mà thấm thía rằng: "Một lòng thờ vợ kính con, cho vuông chữ bố mới tròn đạo anh"!

Trong thời điểm các chương trình truyền hình thực tế về hài kịch đang bùng nổ trên các kênh sóng thì các nghệ sĩ hài nổi tiếng cũng bị "săn đón" hơn bao giờ hết.

Những cái tên như: Trấn Thành, Việt Hương, Hoài Linh, Trường Giang, Đại Nghĩa, Thu Trang…dường như "chiếm sóng". Nhưng kỳ lạ là một người nổi tiếng như Xuân Hinh lại không xuất hiện ở bất kỳ chương trình nào.

Xuân Hinh hài hước chia sẻ rằng bản thân không hiếm gặp những lời mời từ các đài truyền hình, các gameshow, nhưng do thời gian eo hẹp, hơn nữa thường thì các buổi biểu diễn của Xuân Hinh đã được lên lịch và ký hợp đồng trước mấy tháng nên anh không thể sắp xếp ổn thỏa quỹ thời gian vốn eo hẹp của mình.

Dù đã qua nửa sườn dốc cuộc đời nhưng khi nhắc đến Xuân Hinh có lẽ chúng ta nhớ ngay đến hình ảnh của chú ong thợ. Cần mẫn, tỉ mỉ cầu toàn đem mật ngọt nhân gian để xây cho đời những tuyệt tác nghệ thuật.

Có lẽ tâm tư của Xuân Hinh là tâm tư chung của biết bao nhiêu người nghệ sĩ chân chính rằng: "Khán giả xem mãi một thứ, cho dù hay vẫn sẽ thấy nhàm. Tôi cứ lọ mọ, tìm tòi. Năm nào cũng phải có dăm thứ mới mẻ, lúc ấy mới tự tin được. Người cầu toàn là người vất vả. Tôi chọn vất vả như cái số kiếp của mình".

Có mức cát sê cao ngất ngưởng, với hai ngôi nhà ở Hà Nội và Bắc Ninh, danh hài Xuân Hinh khiến nhiều người ghen tỵ khi sở hữu khối tài sản "khủng".

Nghệ sĩ Xuân Bắc tiết lộ thủa anh đi diễn mới phát hiện ra Xuân Hinh có cát sê cao ngất ngưởng. Toàn bộ tiền thu mỗi chương trình là 10 thì riêng Xuân Hinh nhận được phải là 8. Xuân Bắc đã tự đùa rằng: "Tôi cũng đệm là Xuân mà sao có lúc phải thốt lên rằng: "Người ta như gió như diều/ Mình như con ốc sớm chiều bò lên".

Ngôi nhà 5 gian tại quê nhà Bắc Ninh được thiết kế theo lối đối xứng với khá nhiều nguyên liệu gỗ quý. Đồ đạc trong ngôi nhà cũng sử dụng chất liệu gỗ, theo lối truyền thống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Minh Anh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuan-hinh-ong-vua-lang-hai-dat-bac-tung-khoc-de-khan-gia-cuoi-a413775.html