Xuân ấm áp ở làng biển miền Trung

Ngay từ mùng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều làng biển miền Trung, ngư dân đã rẽ sóng ra khơi khai thác thủy hải sản. Thời tiết tốt nên nhiều tàu cá của ngư dân cập bờ ăm ắp 'lộc biển'.

Năm qua, mưa thuận gió hòa nên nhiều làng chài ven biển miền Trung ngư dân đã đổi đời nhờ biển cả bao dung. Xuân ấm áp, Tết đủ đầy là động lực thắp sáng niềm tin để tiếng cười của ngư dân luôn chan hòa bên chân sóng.

Xông đất những làng nghề hơn 500 năm đi biển

Sáng sớm tinh sương, bên chân sóng bờ biển Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, tiếng cười nói, mua bán của ngư dân đã vang vọng xa xa. Người dân Đức Trạch luôn tự hào, bởi làng biển này không chỉ nổi tiếng về đánh bắt về thủy hải sản, mà còn nức tiếng về nghề truyền thống đóng tàu đi biển.

Sử liệu quý giá của làng còn ghi rõ, từ hơn 500 năm trước, làng chài này đã gắn bó với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Niềm vui của ngư dân miền Trung đón mừng “lộc biển” đầu năm.

Niềm vui của ngư dân miền Trung đón mừng “lộc biển” đầu năm.

Trong một buổi chiều xuân, bên ly trà xanh đặc quánh, ông Phạm Minh Hồng ở Đức Trạch kể với tôi đầy tự hào về truyền thống đi biển làng mình.

“Gần 500 năm qua, làng tui sống với biển, vui buồn với biển. Trước đây, ông bà tui chỉ đóng ghe bầu. Loại thuyền nhỏ để đánh cá gần bờ, rồi chở hàng vào vùng biển Phan Thiết bán cho các lái buôn đưa hàng qua Pháp. Qua mỗi đời, gia đình tui chỉ truyền nghề lại cho một người. Và cứ thế mỗi đời con, cháu lại phát huy nghề đóng tàu thuyền của mình. Từ chiếc ghe bầu của tổ tiên, giờ chúng tôi đóng những con tàu công suất gần cả ngàn CV để dong ra biển lớn”.

Xã biển Đức Trạch có hơn 1.723 hộ và trên 7.550 nhân khẩu nhưng Đức Trạch đang có hơn 2.100 ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và hơn 500 ngư dân đánh bắt gần bờ.

Đức Trạch cũng là một trong những địa phương có tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 276 tàu lớn. Từ một xã nghèo, giờ đây nhờ lộc biển, người dân xã Đức Trạch trở thành một trong những xã vùng biển giàu nhất tỉnh Quảng Bình. Hơn 50% hộ dân đã làm được nhà cao tầng kiên cố.

Rời Đức Trạch, chúng tôi về Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Bảo Ninh, từ một làng biển như tách biệt với thành phố Đồng Hới dù chỉ qua một con sông Nhật Lệ, nhưng độ 5 năm trở lại đây, hàng trăm con tàu của ngư dân đậu chen dày bên cửa biển Nhật Lệ, và những dãy nhà cao tầng khang trang của ngư dân đã mọc lên san sát.

Đàn ông, con trai ở Bảo Ninh nhiều người sống trên biển nhiều hơn trên đất liền. Còn phụ nữ, con gái luôn tất bật chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho tàu đi biển và mua bán thủy hải sản khi tàu cập bờ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhờ lộc biển và sự đóng góp của ngư dân, giờ đây hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Bảo Ninh được xây dựng khang trang, hiện đại.

Nhiều người dân vùng cát nói rằng, ít nơi nào người dân chân chất, hiền làng như ở Bảo Ninh; ít nơi nào người dân đón lễ, tết to như Bảo Ninh. Từ biển, người dân đã đổi đời thế đó.

Dọc theo quốc lộ 1A, các làng biển miền Trung từ phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, ra làng biển Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, làng biển Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An... vào Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… Mặc dù mới những ngày đầu năm mới, nhưng chúng tôi đều bắt gặp không khí nhộn nhịp của bà con ngư dân rộn ràng mở cửa biển đầu năm.

Hy vọng mùa vàng trên biển

Từ sáng sớm, nhiều ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đã có mặt trên bãi cát trắng phẳng lỳ bên bờ biển để làm lễ đi biển đầu năm. Không riêng gì Cảnh Dương, dọc theo bờ biển Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đều rợp trời sắc màu cờ đỏ trên những âu thuyền, cửa sông neo đậu tàu thuyền.

Trên dòng sông Loan, ở xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, vợ chồng anh Trần Đình Hào và chị Trương Thị Năm cùng nhiều bạn nghề đang tất bật vận chuyển lương thực, thực phẩm lên thuyền chuẩn bị cho chuyến khơi xa.

Anh Hào cho biết: “Năm qua, thời tiết thuận lợi, lại kiên trì bám biển nên ngư dân trong vùng đều thu hoạch được nhiều cá, tôm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày một đổi thay, sung túc hơn”.

Chúng tôi bắt gặp ngư dân Hoàng Văn Quyền, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch cùng con thuyền đi lộng vừa cập bờ với khoang thuyền chở nặng cá trích, với giá bán từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, chỉ mấy tiếng đồng hồ đi biển, ngư dân như ông Quyền đã có thu nhập trên 2 triệu đồng.

Nghề biển gần bờ thuyền đi về trong ngày. Chuyến biển thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và khoảng 7 - 8 giờ sáng là cập bến. Nếu cá nhiều, chủ thuyền sẽ nhanh chóng đưa cá vào bờ, huy động người thân và làng xóm giúp sức gỡ cá, việc bán cá giao lại vợ con. Sau đó, chủ và bạn thuyền lại tiếp tục đưa thuyền ra biển.

Tại xã biển Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình liên tiếp trong những ngày qua, các thuyền đi lộng của ngư dân địa phương cũng trúng cá mùa cá trích biển. Trung bình mỗi ngày, thuyền đánh bắt ít cũng được vài yến cá, nhiều cũng từ khoảng 1 - 2 tạ cá và được tiêu thụ hết trong ngày với giá bán cao nên ngư dân vui mừng, phấn khởi.

Ông Võ Văn Chắt ở thôn Ngoại Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Mùng 2 Tết, tôi cùng bạn thuyền đã mở đầu chuyến biển của năm mới. Ngay chuyến biển đầu tiên, thuyền đã đánh bắt được hơn 3 yến cá trích, giá bán 70.000 đồng/kg, thu về vài triệu đồng/ngày. Năm mới trúng lộc biển, lại bán được giá như vậy, ngư dân phấn khởi và hy vọng cả năm mưa thuận gió hòa, tôm cá luôn đầy khoang, cuộc sống người dân làng biển sẽ ngày càng giàu mạnh”.

Ông Nguyễn Thành Nam, xã Bảo Ninh, 65 tuổi, 50 năm làm ngư dân trên biển, với ông Nam, biển cả không chỉ là nơi ông cất mẻ lưới tìm con mực, con cá, mà biển còn là quê hương, là mạch máu ngầm gắn với cuộc đời ông vậy. "Mai đi biển đầu năm là tối nằm thức đến sáng, háo hức như trẻ chuẩn bị vào khai giảng năm học mới", lão ngư Nguyễn Thành Nam bảo vậy.

Mùa lộc biển đã bắt đầu, cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng để tiếng cười của ngư dân mãi chan hòa trên mặt sóng.

Sông Lam-Võ Dung

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/xuan-am-ap-o-lang-bien-mien-trung-532644/