Xử vụ Tuần Châu - đạo viễn Việt Tú: Tranh cãi căng thẳng đến tối muộn

Chiều 14/03, TAND TP Hà Nội đưa vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là CTCP Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu) và bị đơn là CTCP Đầu tư tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) do Đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Giám đốc.

Vụ kiện liên quan đến kịch bản “Ngày xưa” – vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Công ty Tuần Châu là chủ đầu tư.

Công ty Tuần Châu khẳng định quyền sở hữu

Theo đơn khởi kiện, ngày 16/11/2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015/HĐNT/DS với tổng giá trị hợp đồng gần 7,4 tỷ đồng. Nội dung của hợp đồng là Công ty DS nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh “Ngày xưa” (được tạm hiểu là “Thuở ấy Xứ Đoài” - thực ra đó là tên của sân khấu thực cảnh, không phải tên vở diễn) cho Công ty Tuần Châu.

Dựa trên hợp đồng này, đạo diễn Việt Tú đã xây dựng kịch bản “Ngày xưa” để trình diễn với tổng chi phí mà Công ty Tuần Châu đầu tư khoảng 13 tỷ đồng. Công ty Tuần Châu đã thanh toán cho Công ty DS 7,3 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng các chi phí phục vụ cho biểu diễn.

Đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa hôm nay 14/3

Đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa hôm nay 14/3

Tuy nhiên sau khi tác phẩm ra đời, giữa đạo diễn Việt Tú và chủ đầu tư xảy ra tranh chấp về bản quyền vở diễn. Nguyên đơn cho rằng đây là hoạt động sáng tác tác phẩm sân khấu dựa trên ý tưởng và theo yêu cầu của Chủ đầu tư. Do đó, theo quy định tại khoản 2 điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ , Công ty Tuần Châu mới là chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm sân khấu này.

Trong quá trình đưa ra biểu diễn thử nghiệm, cho rằng vở diễn chưa đạt được sự kỳ vọng và mục tiêu, Công ty Tuần Châu đã mời họp nhiều lần nhưng Công ty DS đều vắng mặt.

Mặt khác, Công ty Tuần Châu tố đạo diễn Nguyễn Việt Tú tự ý đăng ký bản quyền sở hữu Chương trình “Ngày xưa” (đang được hiểu là “Thuở ấy xứ Đoài”) cho cá nhân ông Tú trên nền tảng đầu tư của Công ty Tuần Châu.

Nguyên đơn cho rằng các hành vi của Cty DS đã khiến Công ty Tuần Châu không khai thác được sản phẩm mà đã mất rất nhiều công sức, vốn đầu tư và phải thuê đơn vị khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” với giá trị đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng, Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận quyền tác giả số 3642/2017/QTG ngày 31/07/2017 đối với kịch bản chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” để chương trình này được đưa ra công diễn chính thức.

Do đó, Công ty Tuần Châu đề nghị tòa án Buộc Công ty DS phải chuyển trả cho mình quyền tác giả với “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày Xưa” đồng thời chấm dứt việc quảng cáo, giới thiệu và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ khác với vở kịch này; Buộc Cty DS phải bồi thường cho Công ty Tuần Châu hơn 6,2 tỷ đồng, là số tiền công ty đã bỏ ra xây dựng vở “Tinh hoa Bắc Bộ” để thay thế vở “Ngày xưa”.

Viện Kiểm sát đề nghị Công ty DS chuyển giao bản quyền

Trong khi đó, đạo diễn Việt Tú cho rằng vở diễn do ông là tác giả, do đó việc Công ty Tuần Châu tự ý đăng ký bản quyền tác giả cho một đạo diễn khác là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại phiên tòa, Luật sư của bị đơn cho rằng đạo diễn Việt Tú đã hình thành ý tưởng vở diễn từ giai đoạn 2009-2010 với tên gọi “Mặt nước hồn người”, đến năm 2015 (thời điểm hai bên ký hợp đồng hợp tác) là thời điểm “chín muồi” về ý tưởng nội dung, ý chí thực hiện.

Hợp đồng số 0111 cho phép Công ty DS hưởng 10% doanh thu vé diễn trong suốt vòng đời vở diễn. Phía Công ty DS từng gửi mail đề nghị Công ty Tuần Châu cùng đăng ký bản quyền nhưng nguyên đơn không hồi âm. Đến cuối năm 2018, Công ty DS được nhận Giấy Chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Theo luật sư, khi đã được cấp bản quyền thì không phải chứng minh quyền bản quyền của mình nữa.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm của các phóng viên.

Phía Công ty DS cũng tố nguyên đơn luôn chậm thanh toán chi phí công việc, đồng thời cho rằng dù khó khăn tài chính nhưng Công ty DS vẫn hoàn thiện, đưa vở diễn đến với công chúng.

Tháng 6/2017 khi hợp đồng còn nguyên hiệu lực, công ty Tuần Châu thuê một công ty khác sáng tác, dàn dựng một vở diễn tương tự. Vở diễn sao chép nội dung cốt lõi, hạ tầng được xây dựng vở “Ngày xưa”. Việc này đã vi phạm về quy định độc quyền theo hợp đồng. Công ty DS cho rằng Tuần Châu đã xâm phạm quyền tác giả, sao chép khi chưa có sự đồng ý của tác giả và công ty sở hữu,” Luật sư của Công ty DS tố ngược lại.

Cùng với đó, phía đạo diễn Việt Tú đề nghị HĐXX tuyên vở “Tinh hoa Bắc Bộ” là kịch bản phái sinh của vở diễn “Ngày Xưa”, đồng thời yêu cầu Tuần Châu phải bồi thường thiệt hại 6,3 tỷ đồng do làm ảnh hưởng đến kinh doanh của Công ty DS.

Trả lời HĐXX, đạo diễn Việt Tú cho hay: “Tôi là người sáng tạo, Tuần Châu không yêu cầu tôi làm gì, mà tôi được toàn quyền quyết định. Tôi viết về một cái mà tiền thân 2009 tôi đã làm, một vở diễn diễn tả thiên nhiên.”

Đạo diễn cho rằng nếu mình làm theo sự đặt hàng của nhà đầu tư sẽ không thể nào trong hợp đồng có điều khoản cho Công ty DS hưởng 10% doanh thu.

Luật sư của nguyên đơn đặt câu hỏi căn cứ vào đâu để yêu cầu Công ty Tuần Châu bồi thường, đạo diễn Việt Tú cho rằng thiệt hại lớn nhất đối với công ty DS là 10% lợi nhuận. Phía Tuần Châu đã bán 50.000 vé vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, lẽ ra doanh thu này phải thuộc về Công ty DS.

Trước những tranh cãi gay gắt của hai bên, đã không ít lần HĐXX phải nhắc nhở hai bên. Có thời điểm đại diện của nguyên đơn xin phép ra ngoài gọi điện “xin ý kiến” lãnh đạo công ty.

Tranh luận giữa hai bên, đối đáp giữa luật sư và Viện Kiểm sát kéo dài tới tận 18h50 mới kết thúc. Trong đó đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội nêu quan điểm về yêu cầu buộc bị đơn (Công ty DS) chuyển giao quyền sở hữu tác giả, theo hợp đồng ký giữa hai bên.

HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào hồi 8h00 ngày 20/03/2019.

Nguyễn Tuân

Từ khóa: Đạo diễn Việt Tú Công ty Tuần Châu Công ty Tuần Châu Hà Nội Công ty DS Ngày xưa Tinh hoa bắc bộ Ngày ấy xứ đoài Thực cảnh Vở diễn Thực cảnh Vụ kiện của đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/xu-vu-tuan-chau-dao-vien-viet-tu-tranh-cai-cang-thang-den-toi-muon-post293371.info