Xử vụ đánh bạc online nghìn tỉ: Chỉ rõ từng bước chân sa lầy của cựu tướng Phan Văn Vĩnh

Sáng nay (22/11), phiên xét xử vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng internet liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh bước vào phần tranh tụng. Đại diện cơ quan nắm quyền công tố tại tòa đã chỉ rõ từng bước phạm tội của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Đại diện VKS nêu quan điểm, các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác, không nhận tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

Cơ quan nắm quyền công tố tại tòa cũng cho rằng đây là vụ án lớn kỷ lục của nền tư pháp. Liên ngành tư pháp T.Ư cho phép giải quyết cơ chế đặc biệt. Vụ án chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chứng cứ sai phạm đến đâu xử lý đến đấy, sau đó sẽ tiếp tục điều tra xử lý. Hai cựu tướng công an “có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ”.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại tòa.

Vụ án xảy ra trên không gian mạng ở cả trong nước và quốc tế; tổng cộng đã khởi tố 105 người, trong đó có cả cán bộ mang trọng trách, chức vụ cao trong cơ quan Nhà nước. Đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 1.300 tỷ đồng, kê biên tài khoản ngân hàng được hơn 240 tỷ đồng…

Đại diện Viện KSND cho rằng bị cáo Phan Văn Vĩnh đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương và đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc ở 3 giai đoạn.

Bước chân sa lầy đầu tiên của bị cáo Phan Văn Vĩnh là việc biết Công ty CNC có ý tưởng làm trái pháp luật trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng không giáo dục, phòng ngừa.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương là người bị đề nghị mức án nặng nhất trong số các bị cáo "có máu mặt". (ảnh: TG)

Trước khi game bài RikVip/Tip.Club, 23Zdo,… được vận hành trái phép, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa có rất nhiều báo cáo trình lãnh đạo cấp trên nhằm cấp phép cho Công ty CNC vận hành cổng thanh toán, kết nối với các công ty phát hành game lậu để thâm nhập, nắm tình hình.

Bước chân sa lầy tiếp theo là bị cáo Phan Văn Vĩnh biết Công ty CNC vận hành game bài trái phép nhưng không ngăn chặn, tiến đến một mặt cho phép vận hành, một mặt báo cáo để xin cho phép vận hành thí điểm (dấu hiệu "tiền trảm hậu tấu").

Trước khi game bài RikVip được vận hành, từ 18/4/2015, Nguyễn Văn Dương đã báo cáo Nguyễn Thanh Hóa và được Hóa nói “mình làm việc này là để bắt tội phạm”.

Đến ngày 14/5/2015, theo đề nghị của C50, bị cáo Phan Văn Vĩnh ra Quyết định 158/QĐ-C41-C50 công nhận Công ty CNC là công ty bình phong thuộc C50. Chính Quyết định này đã tạo chỗ dựa vững chắc để Công ty CNC hợp tác với VTC Online vận hành game đánh bạc.

Công ty CNC vừa có trụ sở trong lòng doanh trại của Tổng cục Cảnh sát, vừa có quyết định công nhận là đơn vị nghiệp vụ của C50 nên không cơ quan, đơn vị nào "dám" xử lý. Chính nội dung này đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ xem xét không đề cập trách nhiệm của một số cán bộ cơ quan khác thuộc lực lượng công an.

Đại diện cơ quan nắm quyền công tố cũng chỉ ra bước sa lầy cuối cùng của bị cáo Phan Văn Vĩnh là biết Công ty CNC và VTC Online có hành vi trái pháp luật nhưng không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, tiếp tục chỉ đạo cấp dưới báo cáo không trung thực, tiếp tục giúp sức cho hoạt động tổ chức đánh bạc.

VKS nhận định bị cáo Phan Văn Vĩnh là người giữ vai trò cầm đầu, chỉ huy đối với Nguyễn Thanh Hóa trong việc tạo điều kiện, nâng đỡ, bao che cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng bọn tổ chức đánh bạc trái phép.

Hành vi của bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa còn thể hiện rất rõ dấu hiệu “Cố ý không chấp hành mệnh lệnh cấp trên”. Mặc cho lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo và dừng game bài nhưng vẫn tìm mọi cách báo cáo lên cấp cao hơn nhằm tạo điều kiện cho game bài hoạt động trái phép; hợp thức, xóa dấu vết khi bị Thanh tra Tổng cục yêu cầu giải trình, báo cáo.

Còn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành, truyền đạt ý kiến của Phan Văn Vĩnh, ngăn cản cấp dưới kiểm tra, xử lý đối với game bài trái phép.

Về chủ thể, bị cáo Phan Văn Vĩnh là người có chức vụ, quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được Nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa, trấn áp, có ý nghĩa quyết định việc sống – còn của game bài do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương vận hành nhưng Phan Văn Vĩnh không làm mà để tồn tại, phát triển gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội.

Do vậy, VKS nhận định Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ. Trong đó, Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, Nguyễn Thanh Hóa là người thực hiện tích cực.

Trong phiên tòa ngày 21/11, VKS đề nghị mức án đối với từng bị cáo, trong đó bị cáo Phan Văn Vĩnh bị đề nghị từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thanh Hóa từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Dương 11 đến 13 năm tù; Phan Sào Nam 6 đến 7 năm tù; Lưu Thị Hồng- Tổng giám đốc Công ty CNC là 15 tháng tù….

Hà Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/xu-vu-danh-bac-online-nghin-ti-chi-ro-tung-buoc-chan-sa-lay-cua-cuu-tuong-phan-van-vinh-20181122103007354.htm