Xử vụ cán bộ hải quan nhận hối lộ để doanh nghiệp buôn lậu

Ông Sơn nhận 90 triệu đồng từ nhóm buôn lậu rồi xác nhận thông quan trái quy định cho hai lô hàng trị giá 862 triệu đồng.

Ngày 8-10, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ các cựu công chức hải quan cảng Cát Lái cấu kết với doanh nghiệp buôn lậu hàng chục lô hàng điện máy, điện lạnh… trị giá hàng chục tỉ.

Bị cáo Nguyễn Hoàng Sơn (SN 1961, cựu công chức hải quan) bị truy tố về tội nhận hối lộ, Trần Văn Hùng (SN 1965, cựu công chức hải quan) tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đối với nhóm bị cáo doanh nghiệp có Trần Minh Luận, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Nguyễn Văn Khiêm bị truy tố về tội buôn lậu và đưa hối lộ. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 9-10.

Bị cáo Trần Minh Luận. Ảnh: Hoàng Yến

Bị cáo Trần Minh Luận. Ảnh: Hoàng Yến

Tại tòa, bị cáo Sơn thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết nhưng cho rằng mình không phạm tội nhận hối lộ. Bị cáo khai mình có nhận hai phong bì có 90 triệu đồng từ bị cáo Khiêm. Sau đó, bị cáo nhận 32 triệu đồng, số còn lại bị cáo đưa chia cho các cán bộ hải quan khác.

“Lúc Khiêm đưa tiền chỉ nói là tiền bồi dưỡng cho cán bộ hải quan. Khiêm không nhờ bị cáo giúp đỡ cho hai lô hàng của Công ty Bảo Trí được thông quan. Khiêm đưa thì bị cáo nhận, việc đưa tiền không ảnh hưởng tới quá trình thông quan. Sau khi nhận tiền, bị cáo nói với Hùng là lô hàng Công ty Bảo Trí đạt yêu cầu nên không cần kiểm tra” - bị cáo Sơn khai.

Các bị cáo Luận, Hà, Khiêm khai nhận đưa hối lộ để công chức hải quan tạo điều kiện thuận lợi khi kiểm hàng hóa và làm thủ tục thông quan.

Cáo trạng xác định từ tháng 3-2013, Luận thuê người thành lập hàng loạt pháp nhân công ty bao gồm công ty Bảo Trí, Nam Hà Sơn, ABC, DCL, Cao Dương, Khải Lợi. Nhưng thực chất, mọi hoạt động của công ty đều do Luận chỉ đạo điều hành.

Từ ngày 29-4-2014 đến 27-5-2015, vì mục đích lợi nhuận, Luận, Hà, Khiêm đã sử dụng pháp nhân các công ty Bảo Trí và Nam Hà Sơn để buôn lậu hàng hóa là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phụ gia và hóa chất tẩy rửa từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Trị giá hàng hóa phạm pháp là 9,5 tỉ đồng.

Từ tháng 7-2015 đến tháng 9-2015, Luận, Hà và Khiêm đã sử dụng các pháp nhân công ty ABC, DCL, Cao Dương, Khải lợi và Jos Tín Nguyễn để vận chuyển trái phép 18 container hàng điện tử, hàng điện lạnh đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam cho các chủ hàng là đối tượng buôn lậu ngoài xã hội.

Vào các ngày 6-5-2014 và 4-6-2014, Luận chỉ đạo Hà, Khiêm đưa cho cho Sơn, hải quan cảng Cát Lái 90 triệu đồng để Sơn tạo điều kiện thông quan hai lô hàng của Công ty Bảo Trí. Sau khi nhận tiền, Sơn trao đổi với Trần Văn Hùng cùng là hải quan cảng Cát Lái, đồng ý để Sơn xác nhận thông quan trái quy định của pháp luật cho hai lô hàng này.

Vì động cơ cá nhân, Hùng đã làm trái công vụ, đồng ý để ông Sơn xác nhận thông quan hai lô hàng cho Luận, Hà và Khiêm hợp thức hóa hành vi buôn lậu trị giá 862 triệu đồng. Việc này gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, thị trường kinh doanh hàng hóa, là điều kiện để công ty Bảo Trí lợi dụng nhập khẩu trái phép hàng hóa.

Từ ngày 4-6 đến ngày 26-6-2014, vì động cơ cá nhân Hoàng Lâm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là giám đốc Trung tâm 3, làm trái quy định của pháp luật trong việc ký, cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu. Vị này không ra kết luận, thông báo lô hàng của Công ty Bảo Trí không đủ điều kiện nhập khẩu để cơ quan hải quan xử lý, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực Hải quan, kiểm tra an toàn thực phẩm, là điều kiện để Công ty Bảo Trí lợi dụng nhập khẩu trái phép hàng hóa trị giá hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, đối với hành vi của ông Lâm, VKS Tối cao cho rằng không còn nguy hiểm cho xã hội nên quyết định đình chỉ bị can đối với ông Lâm.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/xu-vu-can-bo-hai-quan-nhan-hoi-lo-de-doanh-nghiep-buon-lau-862708.html