Xử vụ án Huyền Như: Đừng làm vẩn đục niềm tin người gửi tiền

Bây giờ chiếu theo luật định, hành vi gửi tiền để hưởng lãi suất cao từ phía một số ngân hàng là trái quy định. Không ai phủ định điều đó. Chỉ là nơi nhận tiền gửi và tiền đã vào hệ thống VietinBank, lẽ nào không ai có trách nhiệm về số tiền đã nhận gửi đó?

Dù muốn hay không, nhắc đến Huyền Như là dư luận tự động nhớ đến VietinBank, như hình với bóng.Ảnh: MINH KHUÊ

Khác với lần xử sơ thẩm, lần xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm dường như đã không được dư luận quan tâm nhiều như trước. Lý do chủ yếu do thông tin không có gì mới. Những gì có thể nói, những người liên quan đến vụ án đã nói hết rồi. Những lập luận cũng như tranh luận của luật sư chỉ là sự lặp lại thông tin cũ.

Gần hai năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi bầu Kiên bị bắt, thời gian đã đủ để thông tin xói mòn. Những vụ việc gần đây như khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng; Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương đã khiến cho độ nhạy của tin tức bắt bớ bị bào mỏng. Dư luận đã quen.

Nhìn sâu hơn, dư luận, trong một chừng mực nhất định, có thể đã hiểu được rằng công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng thật sự đau đớn, thật sự trả giá mà một số vụ án điển hình là chuyện không tránh khỏi. Hệ thống ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - đã bầm dập bệnh tật trong suốt những năm qua, và có lẽ vẫn chưa thoát hẳn gian nan.

Điểm mới duy nhất của lần xử phúc phẩm, nếu có, chính là thời điểm diễn ra sự việc. Kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, hơi nóng của những vấn đề kinh tế còn phả đâu đây, đặc biệt trong giới nghiên cứu đã bắt đầu có những e ngại về khả năng giảm phát sau khi dự báo cho thấy chỉ số CPI tháng 12 có thể âm tháng thứ hai liên tiếp, đưa lạm phát cả năm về dưới mức 2%, thấp nhất trong cả thập kỷ qua. Sức mua vẫn yếu, bất chấp giá hàng hóa phần nào đã giảm, rõ ràng là một tín hiệu không mấy tích cực.

Có thể không phải tất cả tiền gửi đều đã vào hệ thống, song phần tiền đã vào hệ thống, thì nơi nhận tiền, như thừa nhận trong giấy báo gửi cho chủ tài khoản, lẽ nào “phủi tay”, không liên quan?

Vụ án Huyền Như được xử sơ thẩm trước vụ bầu Kiên, nhưng xử phúc thẩm lại diễn ra sau vụ bầu Kiên. Huyền Như đã không kháng cáo phần hình phạt hay bồi thường dân sự. Bị cáo chính của vụ án không thể nào bồi thường hết số tiền đã chiếm đoạt, đã làm mất, điều ấy ai cũng rõ.

Tuy nhiên thông qua Huyền Như - một cá nhân, một mắt xích - hàng ngàn tỉ đồng mà các ngân hàng, các tổ chức kinh tế gửi vào Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), đã “không cánh mà bay”.

Bây giờ chiếu theo luật định, hành vi gửi tiền để hưởng lãi suất cao từ phía một số ngân hàng là trái quy định. Không ai phủ định điều đó. Chỉ là nơi nhận tiền gửi và tiền đã vào hệ thống VietinBank như bằng chứng mà Ngân hàng ACB đã trình cho tòa (là giấy báo số dư còn lại trên tài khoản vào cuối năm của một trong những người gửi do chính VietinBank xác nhận), lẽ nào không có trách nhiệm về số tiền đã nhận gửi đó?

Có thể không phải tất cả tiền gửi đều đã vào hệ thống, song phần tiền đã vào hệ thống, thì nơi nhận tiền, như thừa nhận trong giấy báo gửi cho chủ tài khoản, lẽ nào “phủi tay”, không liên quan? Nên nhớ đây là ngân hàng, đây là định chế mà sự hoạt động dựa trên niềm tin của người gửi tiền! Người dân mang tiền đến gửi ngân hàng, ra về với một cuốn sổ tiết kiệm hoặc một tờ giấy chứng nhận chủ tài khoản, làm bằng chứng. Họ không đòi hỏi ngân hàng phải có gì thế chấp cho họ. Họ gửi tiền bằng niềm tin thuần khiết, vậy thì đừng làm vẩn đục niềm tin ấy bằng bất cứ một sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm nào!

Sau này, hiện tại và cả trong thời gian đã qua, câu chuyện bầu Kiên tự thân nó đã gắn với cái tên Ngân hàng TMCP Á Châu không thể tách rời. Tương tự câu chuyện Huyền Như sẽ tồn tại trong dòng chảy tin tức gắn với cái tên VietinBank. Dù muốn hay không, nhắc đến Huyền Như là dư luận tự động nhớ đến VietinBank, như hình với bóng. VietinBank làm thế nào gỡ bỏ sự nhớ tự động ấy ra khỏi cái tên của mình? Xóa bỏ một ký ức hằn sâu với số tiền khổng lồ không bao giờ là chuyện dễ dàng. Sự mất mát (ở đây là mất tiền) giống như nỗi đau thường để lại dấu ấn dai dẳng hơn niềm vui. VietinBank sẽ mất nhiều thời gian, nhiều công sức, nỗ lực, để xóa nhòa ký ức không mấy dễ chịu đó.

Như bất kể một doanh nghiệp nào, một ngân hàng ra đời, hoạt động có thăng có trầm, có lụi bại có thành công. Những ngân hàng vượt qua điểm yếu để đi lên là những đơn vị dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm thừa nhận sai lầm trong quản lý cán bộ, trong đào tạo nhân viên, những người hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với tiền bạc, ít nhiều bị thử thách lòng tham.

Sự thừa nhận ấy không làm cho ngân hàng yếu đi, không làm cho hậu quả mà cán bộ của họ gây ra nặng thêm, ngược lại nó thể hiện sự quyết tâm hành động để khôi phục sự sứt mẻ niềm tin.

Tòa án xét xử vụ Huyền Như, ngay trong phiên sơ thẩm, đã đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng sai phạm kéo dài ở VietinBank. Sự cốt lõi, chốt lại, vẫn là ở con người. “Con hư tại mẹ”, Huyền Như là đứa con hư của ngân hàng, người mẹ ngân hàng liệu có đủ sức mạnh thừa nhận trách nhiệm của mình và khắc phục hậu quả của con?

Trách nhiệm đến đâu?

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh TPHCM và đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng tại VietinBank đã được đưa ra xét xử phúc thẩm từ ngày 15-12-2014.

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm của phiên xử này, cũng như tại phiên xử sơ thẩm, là trách nhiệm của ngân hàng đối với tiền gửi của khách hàng.

Thực ra, trách nhiệm quản lý tiền của ngân hàng cũng như tiền của khách hàng trong tài khoản của họ phải là trách nhiệm đương nhiên, không phải tranh cãi với bất cứ ngân hàng nào trên thế giới.

Theo đó, trong vụ án này, nếu nói VietinBank không có trách nhiệm gì trong việc quản lý tài khoản, bảo đảm sự an toàn, chính xác tiền gửi trong tài khoản của khách hàng là đi ngược lại với nguyên tắc hoạt động của ngân hàng.

Sau phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, phán quyết của tòa án không chỉ là chuyện VietinBank có phải bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt hay không mà xa hơn là niềm tin của hàng triệu người dân, nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống ngân hàng, vào nền tư pháp của nước nhà.

Nhiều người vẫn cho rằng nếu buộc VietinBank bồi thường gần 4.000 tỉ đồng thì sẽ gây thiệt hại cho Nhà nước (VietinBank là doanh nghiệp có 51% vốn của Nhà nước), mà Nhà nước là của nhân dân nên sẽ gây thiệt hại cho “dân”, cụ thể hơn là thiệt hại cho “một số đại diện chủ sở hữu tài sản của dân”. Nhưng nếu được so sánh thiệt hại là một con số cụ thể với thiệt hại là sự mất niềm tin của người dân, của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng, vào hệ thống tư pháp nước nhà thì giá trị thiệt hại cụ thể ấy có thể là nhỏ với thiệt hại to lớn từ việc mất niềm tin ấy gây ra.

Gần 10 năm trước, năm 2005, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngô Thanh Lam - giao dịch viên Sở Giao dịch 1 - đã truy cập vào một số tài khoản của khách hàng để chiếm đoạt 75 tỉ đồng và đã bị tử hình về tội tham ô. Và Ngân hàng Ngoại thương phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng.

Còn trong vụ án Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng, Huyền Như lại bị tòa án cấp sơ thẩm kết án tù chung thân về tội lừa đảo.

Hàng triệu khách hàng đã, đang và sẽ gửi tiền vào khắp các ngân hàng trên cả nước đang chờ xem bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TPHCM.

Bùi Quang Nghiêm

Lưu Hảo

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/124100/xu-vu-an-huyen-nhu-dung-lam-van-duc-niem-tin-nguoi-gui-tien.html