Xử trảm phạm nhân và sự phản ứng

Xử trảm - một hình thức xử tử hãi hùng thời Trung cổ nhưng hiện vẫn được một số quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó có Arab Saudi. Trong tuần, vương quốc này đã xử tử một người đàn ông và diễu phố thi thể, ngay trong lúc đang có bất đồng căng thẳng với Canada vì tranh cãi về nhân quyền.

Xử trảm, diễu thi thể

Ngay trong bối cảnh đang căng thẳng với Canada vì các vấn đề nhân quyền, Arab Saudi hôm thứ Tư trong tuần này đã xử trảm một người ở Mecca, sau đó diễu thi thể của người này trên đường phố, vì phạm nhân này đã đâm một người phụ nữ cho đến chết. Biện pháp trừng phạt này được người Arab Saudi gọi là “Crucifixion”, hay đóng đinh vào thập giá. Đây là hình thức mà chính phủ nước này nói rằng đã bị cấm theo luật Hồi giáo, và chỉ được áp dụng đối với những kẻ phạm tội ác nặng nhất.

Kẻ phạm tội trong vụ việc trên là một người đàn ông đến từ Myanmar, người bị cáo buộc đột nhập vào nhà một người phụ nữ và đâm người này cho đến chết. Kẻ này cũng bị buộc tội cướp có vũ trang, âm mưu ám sát một người đàn ông và âm mưu hãm hiếp một phụ nữ khác. Quốc vương Salman cuối cùng chỉ thị áp dụng đòn trừng phạt nặng nhất đối với kẻ này.

Xử trảm, diễu xác là một hình thức tử hình cực kỳ hãi hùng và được thực hiện một cách thô sơ. Phần lớn các trường hợp xử tử ở Arab Saudi chỉ được thực hiện bằng hình thức xử trảm. Nhưng gần đây nhất, vào năm 2013, Tổ chức Ân xá quốc tế báo cáo rằng chính quyền Arab Saudi đã xử trảm, diễu xác 5 công dân Yemen tại thành phố Jizan vì cáo buộc cướp có vũ trang và giết người.

“Các bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy 5 thi thể mất đầu đang treo trên cọc, phần đầu của họ được bọc trong các túi chứa”- Tổ chức Ân xá quốc tế nói trong một tuyên bố đưa ra vào thời điểm đó - “Ở Arab Saudi, hình thức xử trảm, diễu xác được thực hiện theo yêu cầu của tòa án, trong đó diễu thi thể của tội phạm sau khi bị xử trảm. Nó thường được thực hiện ở một quảng trường, với mục đích răn đe”.

Hình thức xử trảm mà Arab Saudi áp dụng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích

Nhiều tranh cãi

Thông tin về vụ xử trảm, diễu xác mới nhất xuất hiện ngay trong lúc căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa Arab Saudi và Canada, liên quan tới việc chính phủ Canada ra một tuyên bố kêu gọi chính quyền Riyadh “lập tức trả tự do” cho các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ bị bắt giữ trong những tuần gần đây.

Arab Saudi sau đó đã phản ứng cực kỳ gay gắt, triệu hồi Đại sứ ở Ottawa, trục xuất Đại sứ Canada, đóng băng tất cả các thỏa thuận thương mại và đầu tư giữa hai nước, ngừng các chương trình trao đổi giáo dục, và ngừng tất cả các chuyến bay đến và từ Canada.

Bất đồng căng thẳng diễn ra ngay trong thời điểm nhạy cảm đối với Arab Saudi. Hoàng thái tử của vương quốc, Mohammed bin Salman, tự gọi mình là một nhà cải cách và đang nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế nước nhà vốn phụ thuộc nặng nề vào dầu thô giá rẻ và nguồn lao động nước ngoài. Ông cũng thực hiện nhiều tiến trình cải cách khác vốn được xem là bình thường trong thế giới hiện đại nhưng lại được xem là táo bạo đối với một quốc gia áp dụng đạo luật Sharia hà khắc như Arab Saudi.

Mới đây nhất, vào tháng 9 năm ngoái, chính phủ nước này tuyên bố cho phép phụ nữ được lái xe mà không cần có người bảo hộ là nam. Được biết lệnh cấm này mang nhiều yếu tố về văn hóa và tôn giáo hơn là về mặt pháp lý. Tuy nhiên, thắng lợi đó cũng không phải không có tổn thất. Nhiều nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và các nhà vận động chiến dịch bị bắt giữ, và các vụ xử trảm diễn ra rất nhiều.

Theo Tổ chức Nhân quyền châu Âu, Arab Saudi, 146 người đã bị xử trảm trong năm 2017, con số này trong năm 2016 là 154 người. “Mức độ xử tử này chưa từng được chứng kiến kể từ giữa những năm 1990”- tổ chức này nói trong một báo cáo công bố trong tuần này.

Tổ chức trên còn cho hay tính đến tháng 4-2018, chính quyền Riyadh đã xử tử 47 người, và với tốc độ như vậy sẽ sớm đạt đến con số như năm ngoái. Hàng chục người khác, cũng đang đối mặt với án tử, trong đó có một số người ở độ tuổi dưới 18.

Arab Saudi áp dụng hình thức xử tử đôi lúc sử dụng súng, và thực hiện ngay ở chỗ đông người, như các quảng trường. Hình thức xử tử được áp dụng với rất nhiều tội danh, từ giết người, hãm hiếp, vô thần cho tới hoạt động phù thủy... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước này vẫn trở thành thành viên của nhiều ủy ban LHQ chuyên trách các vấn đề nhân quyền và quyền phụ nữ của thế giới.

Tuy nhiên, vương quốc này không phải nơi duy nhất duy trì hình thức xử trảm. Iran, một thế lực khác trong khu vực, thậm chí còn có số vụ xử tử cao nhất trên thế giới, do cũng áp dụng đạo luật Sharia hà khắc. Các hình thức xử tử mà chính quyền Tehran áp dụng còn đa dạng hơn: Ném đá đến chết, treo cổ hoặc ném khỏi một vách đá. Nước Mỹ cũng duy trì án tử hình, nhưng phần lớn sử dụng hình thức tiêm chất độc.

Chưa thay đổi

Hình thức xử trảm của Arab Saudi đến nay vẫn bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên án mạnh mẽ. Nhưng chứng kiến việc nước này phản ứng gay gắt trước cái mà họ gọi là hành động “can thiệp chuyện nội bộ nước khác” của Canada trong tuần này, dường như vương quốc này chưa thể thay đổi hình thức trừng phạt hãi hùng này.

Saad al-Beshi, một đao phủ của Arab Saudi, từng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2003 rằng ông “rất tự hào khi làm công việc của Chúa”.

“Số lượng đối với tôi không quan trọng, miễn là tôi vẫn đang làm theo ý chí của Chúa trời, số lượng người mà tôi đã hành quyết không quan trọng”, al-Beshi nói trong cuộc phỏng vấn với BBC - “Không có ai sợ hãi hay xa lánh tôi cả. Tôi có nhiều người thân, nhiều người bạn trong nhà thờ, và tôi sống một cuộc sống bình thường như mọi người khác”.

Theo ông, xử trảm được điều chỉnh bởi các quy tắc nhất định. Phạm nhân cũng như đao phủ đều mặc đồ màu trắng. Tử tù bị bịt mắt, còng tay và thường được cho uống thuốc an thần trước đó. Một tấm bạt bằng nhựa rộng khoảng vài mét trải xung quanh khu vực phạm nhân bị hành quyết giúp xóa sạch các vũng máu và dễ dàng thu lại phần đầu của phạm nhân.

Công cụ được sử dụng trong các vụ xử trảm là một thanh mã tấu theo truyền thống dài khoảng 1-1,3m. Al-Beshi luôn giữ lưỡi kiếm của mình sắc bén và cho phép các con giúp làm sạch nó. Nếu lưỡi đao sắc và đao phủ nhắm đúng mục tiêu, hành động này sẽ qua đi một cách nhanh chóng và nạn nhân không đủ thời gian để cảm nhận hết nỗi đau đớn tận xương tủy, nhưng sẽ là địa ngục với trường hợp ngược lại.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xu-tram-pham-nhan-va-su-phan-ung-tintuc412461