Xu thế dòng tiền: Tích lũy trước khi vượt đỉnh 1.200

Hiện tượng giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm được xem là bình thường do áp lực chốt lời vẫn đang xuất hiện và nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục...

Hiện tượng giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm được xem là bình thường do áp lực chốt lời vẫn đang xuất hiện và nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục.

Ba phiên cuối tuần qua VN-Index hầu như đi ngang khi mức tăng chủ đạo dồn vào hai phiên đầu tuần. Chỉ số đóng cửa vẫn chưa vượt được mốc 1.200, dù trong tuần có thời điểm đã lên cao hơn. Các chuyên gia cho rằng đó là do hiện tượng suy yếu trước áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu blue-chips lớn.

Mặt khác nhà đầu tư có dấu hiệu sốt ruột khi tập trung dòng tiền chủ yếu vào các cổ phiếu đang tăng nóng như ngân hàng, chứng khoán, đẩy thanh khoản những mã này lên rất cao và giá tăng mạnh liên tục. Ngoài ra nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao cũng đang thu hút được sự chú ý.

Đánh giá về rủi ro điều chỉnh quanh mốc 1.200 điểm, các chuyên gia không lo ngại nhiều vì thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy tích cực trước khi quay lại đà tăng. Thậm chí trong kịch bản xấu, mức điều chỉnh cũng không lớn và góp phần hạ nhiệt thị trường, nhất là giảm quy mô margin xuống.

Điểm số vẫn tiếp tục tăng trên nền thanh khoản ngày càng lập lỷ lục mới là dấu hiệu cho thấy thị trường đang rất khỏe, khả năng hấp thụ nhu cầu chốt lời tốt và khả năng vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm có thể sẽ trong vài phiên sắp tới.

NGÔ QUỐC HƯNG

Nguyễn HoàngVnEconomy

Cuối cùng thì VN-Index cũng tiến tới đỉnh lịch sử 1.200 điểm tuần này như anh chị dự kiến trước. Tuy nhiên cả 4 phiên cuối tuần thị trường tỏ ra khó khăn trong việc đột phá. Việc thị trường xuất hiện lực chốt lời khá lớn tại thời điểm này có khiến anh chị lo ngại rủi ro thị trường đạt đỉnh trong ngắn hạn? Đánh giá khả năng hấp thụ nhu cầu chốt lời trong tuần qua như thế nào?

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi trong ngắn hạn thị trường vẫn gặp thử thách tại ngưỡng cản mạnh 1,200 điểm. Áp lực chốt lời sẽ liên tục ra tăng khi VN-Index đang vận động tại khu vực kháng cự quan trọng.

Rõ ràng có hiện tượng chốt lời ở nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán… những mã tăng mạnh giai đoạn vừa qua. Giai đoạn này các nhà đầu tư cũng nên thận trọng. Diễn biến chốt lời sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên giao dịch trong tuần tới. Tuy vậy dòng tiền mạnh có thể hấp thụ tốt áp lực chốt lời, giúp giảm tỷ trọng margin của các nhà đầu tư có mong muốn bán ra.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Thị trường đang có chuỗi tăng 11 tuần liên tiếp và có nhiều cơ hội để phá vỡ chuỗi tăng dài kỷ lục 12 tuần liền được thiếp lập năm 2006. Việc chỉ số Vnindex chưa dứt điểm được đỉnh lịch sử 1.200 điểm có nguyên nhân đến từ nhóm cổ phiếu trụ hoặc vốn hóa lớn đang gặp cản và áp lực chốt lời chính là ở nhóm cổ phiếu này.

Theo thống kê trên sàn HSX, hiện có tới 67% số cổ phiếu đã vượt đỉnh 1.200 điểm thành công, chủ yếu tập trung ở nhóm Midcap 68% và Smallcap 69% trong khi nhóm Vn30 mới chỉ có 44%. Như vậy, việc thị trường chưa vượt đỉnh lịch sử là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa đủ mạnh hoặc đang chững lại trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang duy trì được quán tính rất cao.

Nhìn chung, điểm số thị trường vẫn tiếp tục tăng trên nền thanh khoản ngày càng lập lỷ lục mới là dấu hiệu cho thấy thị trường đang rất khỏe, khả năng hấp thụ nhu cầu chốt lời tốt và khả năng vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm có thể sẽ trong vài phiên sắp tới, nhóm cổ phiếu trụ sẽ là chỉ báo cho tín hiệu này.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Về diễn biến ngắn hạn thì đúng là chỉ số VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh tiệm cận ngưỡng 1,200 điểm; cũng là ngưỡng điểm cao nhất kể từ tháng 04/2018. Tuy nhiên, nếu xét về các diễn biến dài hạn hơn thì chúng ta có thể thấy chỉ số VN-Index hiện đang duy trì được xu hướng tăng giá tích cực trong trung lẫn dài hạn.

Tôi cho rằng với nhịp tăng điểm tốt và liên tục trước đó từ ngưỡng 650 điểm, việc đà tăng của chỉ số có dấu hiệu hơi đuối trước ngưỡng kháng cự mạnh 1,200 điểm cũng là điều dễ hiểu. Có thể hiểu đây là diễn biến tích lũy và nếu cần thiết điều chỉnh lành mạnh trước khi chỉ số VN-Index vượt mức kháng cự mạnh 1,200 điểm trong một xu hướng tăng giá tích cực trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường tuần qua đã có phiên vượt ngưỡng 1.200 điểm nhưng đã chịu áp lực chốt lời rất mạnh và không thể giữ được nhịp trên mức này. Việc 4 phiên cuối tuần không có phiên nào giảm quá mạnh và giữ trên 1.180 điểm thể hiện việc nhà đầu tư F0 vẫn đang tham gia mua rất mạnh.

Giai đoạn này có lẽ các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến những cổ phiếu tăng nóng, những cổ phiếu nào tăng nhanh hơn trong khi mất kiên nhẫn với những cổ phiếu tăng chậm.

LÊ ĐỨC KHÁNH

Nguyễn HoàngVnEconomy

Hiện tượng phân hóa cổ phiếu diễn ra rõ ràng trong tuần khi VN-Index tăng khá tốt nhưng không phải cổ phiếu nào cũng sinh lời được tương xứng, thậm chí nhiều mã giảm trên nền thanh khoản cao. Điều này nghĩa là nhà đầu tư không kỳ vọng nhiều như trước về triển vọng tăng đối với cổ phiếu, dù VN-Index vẫn đang đi lên?

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Một số cổ phiếu trong đó có nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang gặp ngưỡng cản ở chính cổ phiếu đó hơn là việc thị trường tỏ ra khó khăn trong việc đột phá nên áp lực chốt lời về mặt kỹ thuật là điều dễ hiểu. Dòng tiền cũng đã xác nhận hiện tượng này khi có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong 2 tuần vừa qua. Điều này không có nghĩa nhà đâu tư không kỳ vọng nhiều như trước về triển vọng tăng đối với cổ phiếu, sẽ có thời điểm cổ phiếu chững lại có thể do kỹ thuật hoặc mức tăng không còn mạnh như ở nhóm cổ phiếu khác, tuy nhiên khi mức chiết khấu ở cổ phiếu đủ hấp dẫn hoặc có thêm thông tin hỗ trợ thì dòng tiền lại quay lại với chính cổ phiếu đó.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi thấy hiện tại thị trường đang kéo xoay vòng để giữ tâm lý cho thị trường chung. Giai đoạn này thị trường gặp ngưỡng 1.200 sẽ có nhịp điều chỉnh khá là khá cao. Nhiều cổ phiếu đầu phiên tăng nhưng cuối phiên lại bị bán ngược lại, cũng có nhiều cổ phiếu xuất hiện phân phối. Giai đoạn này việc tham gia kiếm lợi nhuận đã khó khăn hơn rất nhiều khi thị trường phân hóa rất mạnh.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Giai đoạn này có lẽ các nhà đầu tư bắt đầu khá quan tâm đến những cổ phiếu tăng nóng, những cổ phiếu nào tăng nhanh hơn trong khi mất kiên nhẫn với những cổ phiếu tăng chậm. Như vậy, có những cố phiếu thì vẫn cứ hấp dẫn và vẫn mạnh hơn như nhóm ngân hàng, chứng khoán trong khi các cổ phiếu khác lại điều chỉnh đi ngang hoặc thậm chí giảm giá như cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu cảng biển…

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Đúng là trong ngắn hạn dòng tiền có chiều hướng phân hóa, với xu hướng tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán khi đây là hai nhóm cổ phiếu có khả năng hút tiền tốt, bên cạnh những cổ phiếu có câu chuyện riêng của mình.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Về mặt xu hướng dài hạn, có lẽ không có nhiều khác biệt khi các chuyên gia đều trông đợi một năm 2021 tích cực hơn và 1200 điểm không phải là đỉnh cuối cùng. Tuy vậy trong ngắn hạn thì sao? Anh chị đánh giá rủi ro điều chỉnh nếu xảy ra thì ở mức độ nào?

Về ngắn hạn tôi đánh giá giai đoạn này xác suất xảy ra điều chỉnh khi chạm ngưỡng 1.200 điểm là cực kỳ cao khi báo cáo kết quả kinh doanh hầu như phản ánh hết vào giá rồi.

NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi thị trường sẽ có cơ hội vươn tới những đỉnh cao mới trong thời gian sắp tới trong trung và dài hạn. Nhưng về ngắn hạn tôi đánh giá giai đoạn này xác suất xảy ra điều chỉnh khi chạm ngưỡng 1.200 điểm là cực kỳ cao khi báo cáo kết quả kinh doanh hầu như phản ánh hết vào giá rồi, nhiều doanh nghiệp còn có báo cáo kết quả không như kỳ vọng trong khi giá cổ phiếu thì tăng ầm ầm; thị trường ngắn hạn chuẩn bị bước vào giai đoạn vùng trũng thông tin.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Về diễn biến ngắn hạn, nếu áp lực điều chỉnh đủ lớn xảy ra thì tôi kỳ vọng ngưỡng 1,050 – 1,055 điểm sẽ phát huy vai trò hỗ trợ mạnh của mình, đồng thời sẽ tạo nền hỗ trợ để thu hút mạnh dòng tiền tham gia vào lại thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Về dài hạn, với việc kiểm soát đại dịch covid-19 thành công, tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới và nền lãi suất thấp còn có thể kéo dài trong năm nay, thị trường sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn và là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư. Chất xúc tác cho chuỗi tăng vừa qua đến từ sức mạnh của dòng vốn nội, dòng vốn này vẫn cuồn cuộn đổ vào thị trường và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.

Do vậy, trong ngắn hạn nếu có rủi ro thị trường điều chỉnh thì tôi nghĩ khu vực này khả năng ở phía trên vùng đỉnh lịch sử thay vì ở phía dưới như hiện nay.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi vẫn cho rằng vùng 1,200 điểm là vùng điểm đáng chú ý và đây cũng nên là vùng mà các nhà đầu tư cân nhắc cơ cấu danh mục hoặc thậm chí giảm tỷ trọng margin hoặc tỷ trọng cổ phiếu.

Trong mỗi giai đoạn tăng nóng chúng ta cần điều chỉnh lại danh mục: Chốt lời những cổ phiếu tăng nhanh, loại bỏ những cổ phiếu mua sai hoặc tăng chậm rồi để hướng tới việc chỉ giữ lại những cổ phiếu vẫn còn xu hướng tăng tiếp.

Rủi ro điều chỉnh vẫn có thể xảy ra bởi thị trường lên thẳng đứng và cũng sẽ phải điều chỉnh cho dù có thể hồi phục lại sau đó. Có những người mua và cũng có những người bán mới phản ánh thực diễn biến cung cầu.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị cũng đã có nhận định về mức tăng giá khiến cổ phiếu không còn hấp dẫn nhiều trong ngắn hạn và duy trì tỷ trọng ở mức thấp. Anh chị có giao dịch thêm trong tuần này không, tỷ trọng cổ phiếu là bao nhiêu?

Nếu áp lực điều chỉnh đủ lớn xảy ra thì tôi kỳ vọng ngưỡng 1,050 – 1,055 điểm sẽ phát huy vai trò hỗ trợ mạnh của mình, đồng thời sẽ tạo nền hỗ trợ để thu hút mạnh dòng tiền tham gia vào lại thị trường.

ĐÀO TUẤN TRUNG

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Hiện tượng phân hóa cổ phiếu sẽ ngày càng rõ hơn, xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu và vừa nhỏ là khá rõ ràng trong 2 tuần vừa qua và quán tính sẽ còn tiếp diễn, tuy vậy tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn nên duy trì. Nắm giữ cổ phiếu thay vì lướt sóng là chiến lược có thể áp dụng ở thời điểm này, khi thị trường vượt đỉnh lịch sử khả năng dòng tiền quay lại nhóm bluechips sẽ cao hơn so với nhóm midcap và smallcap.

Tôi cho rằng nên tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, ….với tỷ trọng danh mục 80/20 đối với cổ phiếu.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tôi duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 70% cổ phiếu và 30% tiền mặt với ưu tiên tập trung vào các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh Quý 4 khả quan.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Giai đoạn này tôi vẫn tập trung theo dõi rất sát danh mục mình nắm giữ, do thị trường phân hóa khá mạnh nên tôi theo dõi rất sát để chốt dần các cổ phiếu có dấu hiệu phân phối suy yếu và tiếp tục theo dõi các cổ phiếu khỏe chờ tín hiệu báo bán.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Giao dịch cổ phiếu vẫn nên thận trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù là thị trường tăng điểm hay tích lũy đi ngang hoặc đi xuống. Với giai đoạn uptrend như hiện nay thì sở hữu nhiều cổ phiếu hơn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên việc phân bổ tỷ trọng cổ phiếu nào bao nhiêu hay bao nhiêu % cổ phiếu, bao nhiêu % tiền mặt cũng không dễ dàng gì đối với các nhà đầu tư F0. Tôi có giảm đôi chút tỷ lệ cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua.

Nguyễn Hoàng

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/xu-the-dong-tien-tich-luy-truoc-khi-vuot-dinh-1200-20210117201619249.htm