Xứ Thanh 'trảm' tướng

V.League 2018 mới chỉ đi qua được 4 vòng đấu, thế nhưng FLC Thanh Hóa đã chia tay HLV Mihail. Đấy dường như không phải là câu chuyện của chỉ riêng vấn đề chuyên môn.

Ở mùa giải 2017, FLC Thanh Hóa được dẫn dắt bởi HLV Petrovic – người từng sở hữu thành tích vô địch Cúp C1 Châu Âu. Và ông thầy người Serbia đã giúp cho đội bóng xứ Thanh giành ngôi Á quân V.League. Đây là thành tích cao nhất của FLC Thanh Hóa từ trước đến nay.

Và trong mùa giải đó, nếu Thanh Hóa không hụt hơi trong giai đoạn quan trọng, họ đã lên ngôi vô địch. Tuy nhiên, Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa Doãn Văn Phương cho biết thành tích ấy không làm thỏa mãn người hâm mộ. Thế nên, hết mùa giải năm đó, Thanh Hóa cũng chia tay HLV Petrovic.

Theo ông Phương thì trong một số thời điểm, HLV Petrovic bộc lộ việc chưa lựa chọn đội hình, tính toán chiến thuật hợp lý. Bên cạnh đó, trong quá trình dẫn dắt Thanh Hóa, vị HLV 70 tuổi này còn có những phát ngôn, hành vi quá khích phần nào làm mất hình ảnh đội bóng.

Trong số những dấu ấn đáng quên mà ông Petrovic để lại, người hâm mộ chắc chắn không quên hình ảnh ông dùng nắm đấm ngay với học trò Pape Omar vì anh này phản ứng khán giả Khánh Hòa. Hay là việc ông đã đòi lao vào ăn thua với trọng tài trên sân Hàng Đẫy. Và nổi bật nhất là phát ngôn “nên công bố Hà Nội là nhà vô địch ngay đầu mùa giải, các đội còn lại cạnh tranh vị trí thứ 2,3”.

HLV Mihail tỏ ra không phù hợp với xứ Thanh.

Thế nên, có thể hiểu rằng, Thanh Hóa chia tay ông Petrovic không đơn thuần chỉ vì lý do chuyên môn, đó còn là vì những độ vênh trong văn hóa phương Tây có phần cực đoan mà vị HLV này đã tạo ra ở xứ Thanh. Với quan điểm xây dựng đội bóng mang đẳng cấp, FLC Thanh Hóa khó chấp nhận những hình ảnh luôn là trung tâm của rắc rối mà ông Petrovic tạo ra.

Khi FLC Thanh Hóa tìm những cái tên thay thế HLV Petrovic, cũng đã có những cái tên HLV nội được nhắm đến, đáng chú ý là cựu HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Thắng.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, Thanh Hóa đã quyết định lựa chọn công Mihail từng là GĐKT của Liên đoàn bóng đá Romania. Đấy cũng là giai đoạn mà Thanh Hóa ráo riết chuẩn bị lực lượng cho đấu trường AFC Cup. Thế nên, đội bóng xứ Thanh cần một ông thầy đủ tầm.

Tuy nhiên, sau một thời gian dẫn dắt Thanh Hóa, ông bị khá nhiều cầu thủ chê vì cách làm không có gì đặc biệt. HLV Mihail đã có 8 trận đấu với Thanh Hóa trên mọi mặt trận.Trong đó, 4 trận tại V.League 2018, FLC Thanh Hóa thua 2 và thắng 2. Trong 4 trận tại AFC Cup, đội bóng này thắng 1, hòa 1 và thua 2. Đáng nói là ở 8 trận đấu này, không trận nào FLC Thanh Hóa ghi quá 1 bàn thắng.

Việc HLV Mihail ra đi được công bố là do ông từ chức, thế nhưng thực chất đấy là cuộc chia tay mà phía Thanh Hóa đã chủ động. Đặc biệt, những gì mà ông Mihail chia sẻ về sự không hài lòng với các cầu thủ Thanh Hóa, có thể thấy rằng thực sự nội bộ của đội bóng đã xảy ra tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Ông Mihail cho biết: “Chủ tịch của CLB đã nói với tôi rằng một số cầu thủ đã phàn nàn về việc họ không được thi đấu dù mùa giải trước đã cống hiến rất nhiều. Đỉnh điểm bức xúc khiến tôi quyết định chia tay đội bóng là việc khoảng 5, 6 cầu thủ rời nơi đóng quân của đội trước trận đấu bù mà không thông báo với tôi hay bất kỳ thành viên nào trong BHL. Họ mua đồ ăn nhanh và uống nước ngọt ngay trước buổi tập cuối. Đây là điều khó có thể chấp nhận được. Tôi muốn giúp họ trở thành những nhà vô địch nhưng họ chẳng học được bất kỳ điều gì cả”.

Và ông Mihail so sánh ngay sang đội bóng TP.HCM, nơi cũng có một thầy ngoại khác là HLV Miura, môi trường làm việc và các cầu thủ chuyên nghiệp hơn nhiều.

Và đến đây, nhiều người đã nhận ra vấn đề, đó là bên cạnh thành tích, những “thế lực ngầm” từ giới cầu thủ thì chính văn hóa làm việc ở Thanh Hóa với một HLV đến từ môi trường chuyên nghiệp như ông Mihail đã không thể dung hòa. Cũng vì thế mà cuộc chia tay đã không khiến nhiều người trong cuộc bất ngờ.

Ở mùa giải năm nay, Thanh Hóa đã có sự cải tổ lực lượng mạnh mẽ với tham vọng cho ngôi vô địch V.League. Bây giờ, họ cũng khẳng định lại tham vọng đó bằng việc “trảm” tướng sau chỉ 4 vòng đấu. Xứ Thanh chưa bao giờ là đất lành với các HLV cả nội lẫn ngoại. Đặc biệt, khi đấy là nơi mà HLV không chỉ chịu áp lực từ chính lãnh đạo mà còn cả những cầu thủ “máu mặt” trong phòng thay đồ.

Bây giờ, khi chọn một ông thầy mới về thay thế, có lẽ lãnh đạo Thanh Hóa cần cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố. Và suy cho cùng, với môi trường V.League hiện tại, một HLV biết lấy bụng anh hùng, biết chế ngự cầu thủ để phục vụ lợi ích chung nên là tiêu chí ưu tiên.

Thanh Hóa chọn thầy nội hay ngoại?

Sau khi HLV Mihail ra đi, chiếc ghế ông để lại sẽ do trợ lý Hoàng Thanh Tùng phụ trách. HLV Hoàng Thanh Tùng từng là trợ lý dưới thời HLV Lê Thụy Hải và Petrovic, nhiều lần lên nắm tạm quyền khi HLV trưởng nghỉ.

Tuy nhiên, chắc chắn lãnh đạo Thanh Hóa sẽ đưa một HLV chất lượng về thay thế trong thời gian ngắn nhất. Trong bối cảnh V.League dang diễn ra, Thanh Hóa cần một HLV có danh tiếng, thành tích và hiểu các cầu thủ thì phương án thầy nội được xem là khả thi hơn cả. Lúc này, trong làng bóng chỉ còn 2 gương mặt nổi bật, đang rảnh rỗi là Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức.

Huỳnh Đức hiện xếp thứ 3 trong danh sách các HLV nội xuất sắc nhất trong lịch sử V.League, chỉ sau HLV lão làng Lê Thụy Hải và HLV Phan Thanh Hùng.

Trong 10 năm cầm quân ở SHB.Đà Nẵng, Huỳnh Đức đã cùng đội bóng sông Hàn gặt hái được 2 ngôi quán quân (ở mùa giải 2009 và 2012), 1 ngôi á quân (ở mùa giải 2013) cùng 2 tấm HCĐ (ở mùa giải 2011 và 2016).

Còn HLV Hữu Thắng cũng đã 1 lần giành chức vô địch V.League cùng với đội bóng quê hương ở mùa giải 2011, trước khi vừa trải qua một năm rưỡi phiêu lưu cùng đội tuyển Việt Nam với thành tích giành HCĐ tại AFF Cup 2016.

Cần nhớ rằng, trước khi chọn HLV Mihail, Thanh Hóa cũng từng cân nhắc mời HLV Hữu Thắng. Thế nên, sẽ không có gì bất ngờ khi “phương án 2” được sử dụng vào lúc này. Điều thú vị là HLV Hữu Thắng từng thành công với vai trò là người “giải cứu”.

H.H.

Hưng Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/xu-thanh-tram-tuong-485717/