Xứ Thanh 'lắng đọng' những huyền thoại

Khi nói về vùng đất Thanh Hóa, vị sử gia thời Nguyễn, Phan Huy Chú đã có những nhận xét vô cùng tinh tế: 'Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển cả ở phía Đông... Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ quý, cũng khác mọi nơi. Bởi đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường...'. Sử gia thường có cách nhìn của riêng mình nhưng đó hẳn không phải những lời tán dương hoa mĩ dễ dãi. Bàn tay tạo hóa từ thuở hồng hoang của đất trời phải chăng đã ưu ái cho vùng đất này, con người nương theo đấy mà phát triển. Để đến hôm nay, lắng đọng trong lòng xứ Thanh là những truyền thuyết, huyền thoại mê đắm: Đổng Thiên vương thần; thần Đồng Cổ; Từ Thức gặp tiên... Dẫu người xưa tích cũ nhưng còn những câu chuyện thì vẫn nguyên giá trị, đủ sức lay động, khơi dậy niềm tự hào trong lòng hậu thế.

Chuyện những vị thần

Đã là người Việt, mang trong mình dòng máu Việt Nam, sao có thể không biết đến truyền thuyết về Đổng Thiên vương thần. Vị thần sinh ra giữa thời loạn một cách kì lạ. Khi ấy, giặc Ân xâm lược nước ta, cậu bé Gióng ba năm không nói, không cười... bỗng vươn mình đứng dậy. Cậu ăn cơm của dân làng thổi, mặc áo dân làng may và đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu giúp đất nước, bảo vệ bình yên cho dân làng. Đến ngày nay, vùng đất Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn được biết đến là nơi cậu bé Gióng ngày nào hóa thân thành Phù Đồng Thiên Vương sau khi diệt sạch giặc ngoại xâm đã bay về trời. Vậy nhưng, một điều thật thú vị, ngay trên quê hương Thanh Hóa, cũng tồn tại những dấu tích về một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.

Về xã Định Hải (Yên Định), trong câu chuyện kể của những bậc cao niên trong làng là niềm tự hào về một di tích đền thờ Phù Đổng Thiên Vương từng hiện hữu đầy uy nghi. Người dân tin rằng, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, Phù Đổng Thiên Vương thần từ đồi Sóc (Vĩnh Lộc) đã cưỡi ngựa sắt bay sang bên này sông Mã (xã Định Hải), dừng chân ở núi Chân Tiên. Tại đây, người và ngựa đã cùng hóa thân về trời, để lại dưới núi Chân Tiên vết tích “bốn bàn chân ngựa, hai bàn chân người in xuống nền đá khối”. Chẳng ai dám chắc là tên gọi núi Chân Tiên có trước hay bởi những dấu tích mà vị Đổng Thiên Vương thần để lại mà ngọn núi này có tên Chân Tiên. Song có một điều chắc chắn, những vết chân người, chân ngựa đến ngày nay, qua thời gian vẫn còn hiện hữu. Cùng với đó là những địa danh như núi Sóc Sơn, làng Cháy... (Vĩnh Lộc) ở bên kia sông Mã như bằng cứ củng cố cho niềm tin của người dân xứ Thanh về sự hiện hữu của một vị thần bất tử trong lòng người dân Việt.

Tỏ lòng biết ơn Đổng Thiên Vương thần đã bảo vệ nhân dân trước họa xâm lăng, dưới thời Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm, dân làng đã cùng nhau đóng góp để khởi dựng lên ngôi đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, cùng với đó là lễ hội cầu vũ, kì phúc diễn ra tại di tích vào tháng ba hàng năm. Bác Bùi Văn Tuyền, một người cao tuổi làng Trịnh Điện xã Định Hải nhớ lại đầy tự hào: “Thế hệ chúng tôi lớn lên ở vùng đất này (xã Định Hải và các xã lân cận) đều mắt thấy, tai nghe, tay sờ và biết đến di tích. Người dân tin rằng, Đổng Thiên Vương thần rất linh thiêng, đã bảo hộ cho đời sống nhân dân được bình yên, no đủ. Thậm chí, một số quy định luật bất thành văn như khi qua đền thì cấm nói bậy, chửi tục hay mang những ý niệm xấu xa... lũ trẻ chăn trâu xưa kia vốn không sợ trời, không sợ đất nhưng niềm tôn kính với thần Phù Đổng Thiên Vương là điều được mặc định”. Trải qua biến động lịch sử, thời gian, đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở Định Hải đến nay dù không còn, nhưng truyền thuyết về thần cùng những vết tích vẫn ở đó, nhắc nhớ cho hậu thế huyền thoại một vị thần vĩ đại.

Cũng ở vùng đất Yên Định ngày nay, câu chuyện về thần Đồng Cổ đầy quyền uy linh ứng giúp đỡ các bậc đế vương thuở xưa vẫn vang vọng đầy huyền ảo. Theo truyền thuyết, núi Khả Lao (Tam Thai) thuộc làng Đan Nê xã Yên Thọ (Yên Định) có thần Đồng Cổ ngự ở đấy tự bao giờ. Khi Vua Hùng trên đường đi dẹp giặc Hồ Tôn, qua vùng đất này đã được thần hiển linh mộng báo sẽ giúp đỡ. Quả nhiên về sau, trong một trận chiến cam go bất phân thắng bại với giặc, trên không trung bỗng vang vọng tiếng trống đồng, kiếm kích khiến cho quân xâm lược không đánh mà phải lui. Không quên ơn thần giúp đỡ, trên đường trở về, qua núi Khả Lao, nhà vua đã cho người dân đúc trống đồng, phong thần là “Đồng Cổ đại vương” đồng thời lập miếu phụng thờ để nhắc nhớ hậu thế. Về sau, thời Tiền Lê, khi đức vua Lê Đại Hành xuôi về phương Nam dẹp giặc, thần Đồng Cổ cũng hiển ứng giúp đỡ.

Song có lẽ, sự linh ứng của thần Đồng Cổ được nhắc đến nhiều nhất chính là việc phù trợ thái tử Lý Phật Mã dẹp giặc Chiêm Thành. Theo đó, dưới thời nhà Lý, giặc Chiêm Thành ở phương Nam không ngừng quấy phá và thái tử Phật Mã đã phải thân chinh dẫn quân xông trận. Trên đường hành quân, qua bến Trường Châu bên bờ sông Mã, sau lưng là núi Khả Lao sừng sững thì đêm xuống nên phải hạ trại nghỉ ngơi. Đêm ấy, thái tử Phật Mã mộng thấy một vị thần tướng pháp khác thường đến trước mặt tự xưng “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử xuống đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công”. Quả nhiên như lời thần mộng báo, trên đường thắng trận trở về, qua bến Trường Châu có núi Khả Lao, thái tử Phật Mã đã làm lễ tạ ơn thần. Đồng thời, để đất nước, nhân dân khắc ghi công lao của thần, vị thái tử nhà Lý còn xin rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô Thăng Long lập đền thờ phụng. Về sau, khi thái tử Phật Mã lên ngôi vua Lý Thái Tông chưa được bao lâu, chính thần Đồng Cổ đã mộng báo việc “tam Vương mưu phản” để nhà vua có sự phòng bị. Tin vào sự linh ứng của thần, ngay tại kinh đô Thăng Long, nhà vua đã phong thần Đồng Cổ là “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”.

Khu di tích núi Khả Lao và đền Đồng Cổ bên bờ sông Mã trên địa bàn làng Đan Nê xã Yên Thọ (Yên Định) gắn liền với truyền thuyết về vị thần hộ quốc Đồng Cổ.

Đến ngày nay, bên cạnh đền Đồng Cổ ở vùng đất Đan Nê xứ Thanh khởi dựng từ thời Hùng Vương thì ngôi đền Đồng Cổ hiện hữu ở quận Tây Hồ (Hà Nội) với lịch sử gần 1.000 năm càng thêm khẳng định chắc chắn về truyền thuyết cũng như niềm tin của hậu thế dành cho vị thần Đồng Cổ. Truyền thuyết vốn luôn huyễn hoặc, thực - ảo thường không phân định rõ ràng. Dẫu vậy, việc chứng thực truyền thuyết vốn là điều không thực cần thiết. Hiểu về truyền thuyết, để từ đó thêm tin yêu từng ngọn núi, dòng sông quê hương mình, cùng sự tôn kính và niềm tin gửi gắm đến đấng tối linh, bởi vạn vật hữu linh. Con người dù vĩ đại với những nỗ lực sinh tồn, song trước vũ trụ bao la, mọi thứ vốn dĩ đều rất nhỏ bé. Bởi vậy, để tồn tại thì niềm tin, gửi gắm ước mong, cầu xin sự chở che của đấng tối linh vẫn luôn là cách tiền nhân đi trước truyền lại cho hậu thế.

Và những thắng tích vạn người mê

Truyền thuyết về những vị thần núi, thần sông, thiên thần, nhân thần hay nhiên thần trong đời sống dân gian tự xưa vẫn luôn có sức hấp dẫn và sức sống kì lạ. Chẳng phải vì thế mà trăm năm, ngàn năm trôi qua với bao biến chuyển, xoay vần của lịch sử, thời gian nhưng những huyền thoại về vùng đất xứ Thanh vẫn cứ sống mãi, truyền đời cho cháu con. Vậy nhưng, xứ Thanh đâu chỉ hấp dẫn bởi những vị thần vĩ đại. Ở vùng đất này, một động Từ Thức, một cửa Thần Phù, một suối cá thần Cẩm Lương, một Thành Nhà Hồ sừng sững thách thức thời gian... tất cả đều tồn tại, hiện hữu rất thực. Tuy nhiên, thực mà vẫn mộng ảo, lay động lòng người với sức hấp dẫn chẳng thể chối từ.

Ai đã từng một lần đến với động Từ Thức trên địa bàn xã Nga Thiện (Nga Sơn), sao có thể không rung động trước cảnh bồng lai nơi cõi trần. Những núi non, mây phủ, núi vàng, núi bạc, kho muối kho gạo... tất cả dẫn dụ, mê đắm người xem vào chốn tiên cảnh. Để rồi ở đó, lắng mình trong mối tình chàng Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương, người ta càng tin vào mối nhân duyên chồng trần vợ tiên. Rằng ở nơi này, hạnh phúc lứa đôi đã từng được dệt gấm, thêu hoa vô cùng viên mãn. Nếu đời người vốn chỉ là giấc mộng dài thì hẳn chàng Từ Thức phải may mắn lắm mới có thể lạc vào giấc mộng ấy! Người ta trách chàng không biết nắm bắt cơ hội, vậy nhưng đã là người trần, ai có thể quên đi quê hương bản quán, cha mẹ sinh dưỡng, ơn nghĩa sinh thành... rốt cuộc thì đấy mới là gốc rễ của con người.

Cách động Từ Thức không quá xa là vết tích của một cửa Thần Phù đi vào ca dao: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm!” Ở đấy, trong lịch sử ngàn năm trước từng là vùng cửa biển dữ dội khiến cho những chuyến hành quân vượt biển của bao bậc vua chúa không khỏi chùn chân lo lắng. Vậy nhưng một vị “Áp lãng chân nhân đại vương” với tài năng tu luyện giúp vua Lý Thái Tông dẹp yên sóng dữ đã trở thành huyền thoại. Đến hôm nay, cửa biển Thần Phù dù lùi sâu vào đất liền, nhưng câu chuyện về vị đạo sĩ cùng lời răn dạy của tiền nhân thì vẫn còn đó, nhắc nhớ hậu thế về lịch sử cha ông xưa.

Không phải thắng tích thiên tạo, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ là sản phẩm của bàn tay, khối óc con người tạo dựng mà nên. Vậy nhưng, đứng trước tòa thành đá vĩ đại thách thức thời gian, người xưa cũng tin rằng, đâu đó còn là những truyền thuyết, huyền thoại về tòa thành đá. Là câu chuyện nàng Bình Khương đập đầu vào đá kêu oan cho chồng là Trần Công Sỹ, để rồi phiến đá kêu oan và một đền thờ nàng Bình Khương hiện hữu đến ngày nay khiến ta ngưỡng mộ nhưng không khỏi cảm thương... Để Thành Nhà Hồ được dựng nên, chắc chắn không thiếu những máu xương đổ xuống. Tất cả tạo thành một tòa thành vĩ đại, đan xen trong mình những huyền thoại lay động lòng người.

Huyền thoại, hiểu theo nghĩa hẹp nhất là những câu chuyện thiêng, hư cấu trong quá khứ để giải thích nguồn gốc của vũ trụ và cuộc sống, hoặc diễn đạt những giá trị đạo đức của các nền văn hóa. Mỗi vùng đất hẳn sẽ có những huyền thoại của riêng mình. Với xứ Thanh, huyền thoại không chỉ là sự giải thích, đó còn là niềm tự hào mà hậu thế kế thừa bởi tiền nhân.

Thu Trang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/xu-thanh-%E2%80%9Clang-dong%E2%80%9D-nhung-huyen-thoai-75540