Xử sơ thẩm vụ chết 9 bệnh nhân tại Hòa Bình: Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

Ngày 29/5, Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh - Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự làm chết 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, tuyên bố quay lại phần xét hỏi vì xuất hiện chứng cứ mới. Để làm rõ bị cáo Hoàng Công Lương có được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo hay không, HĐXX đã triệu tập trưởng phòng Tổ chức BVĐK tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Tới đến tòa.

Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh (giữa) điều hành phiên tòa. Ảnh: Hoàng Lam.

VKS ‘quên’ trách nhiệm giám đốc?

Bày tỏ quan điểm của mình, Luật sư Nguyễn Danh Huế (đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) khẳng định: Trong sự cố chạy thận khiến 9 bệnh nhân tử vong có lỗi rất lớn của nguyên giám đốc (GĐ) BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương. Luật sư Huế cho rằng, căn cứ Luật Công chức và Nghị định của Chính phủ về trách nhiệm người đứng đầu, ông Dương phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc quản lý, giám sát khi để xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng. “Tại sao VKS không đề cập đến trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, thậm chí không có kiến nghị xử lý ông Dương trong khi hành lang pháp lý rất rõ ràng?...” - Luật sư Huế đặt câu hỏi.

Để chứng minh quan điểm nguyên GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình là người phải chịu trách nhiệm chính trong sự cố chạy thận khiến 9 bệnh nhân tử vong, Luật sư Huế tiếp tục chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Trương Quý Dương trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết đặt máy chạy thận theo hình thức xã hội hóa tại bệnh viện.

Cụ thể, Hòa Bình là một tỉnh có điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, hàng năm phải nhận bù đắp từ Trung ương, bệnh nhân ở đây đã nghèo, đã khổ còn phải chi trả giá chạy thận cao gấp đôi so với Bệnh viện Bạch Mai, dù cùng loại máy. “Hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc có mức giá chạy thận 3,5 - 4 USD/ca, riêng ở Hòa Bình bệnh nhân phải chịu giá gần gấp đôi nơi khác là điều hết sức vô lý...” - Luật sư Huế bức xúc.

Còn nữa, Thông tư 15 của Bộ Y tế quy định rõ khi liên doanh, liên kết phải đảm bảo 3 yếu tố, trong đó nhấn mạnh đến hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên trong suốt quá trình hợp tác với Công ty Thiên Sơn (từ 2010 đến khi xảy ra sự cố), BVĐK tỉnh Hòa Bình luôn luôn “lỗ”, dù đã thu tiền gấp đôi những nơi khác. Với tư cách người đứng đầu bệnh viện, ông Dương đã vi phạm quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý thuê khoán các dịch vụ bên ngoài, lựa chọn nhà thầu không có năng lực, không chỉ đạo, giám sát các dịch vụ mà bệnh viện thuê. “Nếu ông Dương tuân quy định này thì không có nạn nhân thiệt mạng, không có ai vướng vòng lao lý...” - Luật sư Huế nhấn mạnh.

Giao phụ trách phải có quyết định

Trong sáng 29/5, trưởng phòng Tổ chức BVĐK tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Tới được triệu tập tới tòa để làm rõ có hay không quyết định giao bị cáo Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo (thuộc Khoa Hồi sức tích cực).

Chủ tọa phiên tòa cũng đồng thời thông báo tạm dừng phần tranh luận, quay lại phần xét hỏi để làm rõ chứng cứ mới mà phó Khoa Hồi sức tích cực Hoàng Công Tình giao nộp. Đó là vi bằng được lập về băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa ông Tình và Điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công, trong đó có nội dung ghi thêm vào sổ giao ban sau khi xảy ra sự cố tai biến chạy thận nhân tạo làm 9 bệnh nhân tử vong.

Tại tòa, ông Tình tái khẳng định hai dòng cuối cùng trong sổ giao ban về nội dung phân công nhiệm vụ cho các bác sĩ, điều dưỡng, trong đó có bị cáo Lương đã được ghi thêm vào, vì lúc ông này ký vào sổ giao ban sau cuộc họp không có nội dung này. Phó Khoa Hồi sức tích cực cũng khẳng định, đã nghe thấy Phó GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu giao cho điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công hoàn thiện các thủ tục hành chính nhằm đối phó với nhà chức trách.

Đối chất với lời khai của ông Tình, ông Công vẫn khẳng định có việc phân công cho bị cáo Lương phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, nhưng không có văn bản. Bởi vậy, ông Công mới điền thêm nội dung trên vào sổ giao ban để hoàn thiện các thủ tục hành chính. “Tôi làm không vì mục đích vụ lợi cá nhân. Sau khi tôi ghi thêm thì bác sĩ Tình và bác sĩ Khiếu mới ký chốt chứ không phải ký ngay sau khi họp giao ban...” - ông Công khai.

Khai tại tòa, trưởng phòng Tổ chức BVĐK tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Tới khẳng định: Từ trước đến nay, BV chỉ có duy nhất quyết định giao bác sĩ Tiến phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, không có quyết định giao cho bị cáo Lương phụ trách đơn nguyên này.

Từ năm 2015, sau khi bác sĩ Tiến chuyển sang khoa khác, bà Tới đã đề xuất Khoa Hồi sức tích cực cử một người phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, nhưng chưa nhận được hồi đáp. “Giao phụ trách một đơn vị thì phải có quyết định của GĐ. Lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực cũng chưa bao giờ báo cáo việc giao nhiệm vụ cho bị cáo Lương trong các cuộc họp giao ban của bệnh viện...” - bà Tới nói.

Trước đó, trong phần xét hỏi, điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công cũng đã khai tại tòa về việc ghi thêm nội dung bị cáo Hoàng Công Lương được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo vào sổ giao ban. Vấn đề này đã gây tranh luận nảy lửa giữa các luật sư và đại diện VKS giữ quyền công tố, bởi những người bào chữa cho rằng, nếu bị cáo Hoàng Công Lương không được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo thì sẽ vô tội.

Dù tại CQĐT, Hoàng Công Lương khai nhận được giao phụ trách nhưng tại phiên tòa này, bị cáo liên tục phủ nhận và nói rằng bị mớm cung, thông cung. Luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Lương) cho rằng, việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương ở sổ họp giao ban rõ ràng là “ngụy tạo chứng cứ”, có dấu hiệu của hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cuối phiên xét xử chiều qua (29/5) đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này.

Tinh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-an/xu-so-tham-vu-chet-9-benh-nhan-tai-hoa-binh-de-nghi-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-tintuc405576