Xử sơ thẩm lần 2 vụ 9 người chạy thận tử vong: VKS đề nghị điều tra chú ruột Hoàng Công Lương

Ngày 22/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ án làm chết 9 bệnh nhân chạy thận bước vào phần tranh luận. Căn cứ diễn biến và các lời khai tại tòa, công tố viên đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Hoàng Công Tình (chú ruột Hoàng Công Lương) vì có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Luật sư của cựu GĐ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cũng bày tỏ đồng quan điểm với VKS.

Các bị cáo trước tòa.

Luật sư đề nghị đại diện VKS đối đáp

Là người đầu tiên thực hiện việc tranh luận với phần luận tội của đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa, Luật sư Huỳnh Phương Nam (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo Trương Quý Dương) bày tỏ quan điểm: Cơ quan công tố quy kết cựu GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đủ căn cứ. Luật sư Nam lập luận: Việc thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo (thuộc Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) xuất phát từ nhu cầu của địa phương, của các bệnh nhân. Theo đó, việc ông Dương thành lập đơn vị này để người dân được hưởng lợi, thay vì phải xuống Hà Nội chạy thận vô cùng tốn kém. “Chủ trương lập Đơn nguyên Thận nhân tạo là rất đúng đắn và đã được Sở Y tế Hòa Bình chấp nhận, thông qua. BVĐK tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện thực tế, có quyền sắp xếp và thực hiện kỹ thuật lọc máu tại cơ sở. Không có quy định cụ thể nào cấm thành lập...”- Luật sư Nam nhấn mạnh.

Luật sư Nam cũng “bác” quy kết của cơ quan công tố khi cho rằng cựu GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Theo quan điểm người bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương, BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng giống như nhiều cơ quan khác có sự phân cấp lãnh đạo, mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm với phần việc được giao, bị cáo Trương Quý Dương chỉ chịu trách nhiệm chung. Một mình bị cáo Trương Quý Dương không thể quản lý, giám sát hết các bộ phận, phòng ban. Hơn nữa, hàng năm Sở Y tế Hòa Bình 2 lần thanh tra, kiểm tra đều không có ý kiến nào về cơ cấu tổ chức cũng như quy trình lọc máu chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. “Sự cố y khoa làm chết 9 người là do lỗi cẩu thả. Bị cáo Trương Quý Dương không phải chịu trách nhiệm do hành vi cẩu thả của người khác. Việc VKS đề nghị mức án 30 - 36 tháng tù là khó chấp nhận được...” – Luật sư Nam bày tỏ chính kiến.

Tiếp sau Luật sư Nam, Luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa cho cựu PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu) cũng khẳng định: “Hầu hết luật sư chúng tôi đều có chung tâm tư, đều khá thất vọng về bản luận tội của VKS...”. Cơ sở để Luật sư Việt Anh đưa ra nhận định trên là vì ông cho rằng, công tố viên đã không căn cứ vào thực tế diễn biến phiên tòa, chỉ dựa vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không đánh giá khách quan, chỉ tập trung vào chứng cứ buộc tội, luận tội của VKS hầu như là dựa vào cáo trạng. “Nguyên tắc luận tội là phải căn cứ vào diễn biến phiên tòa chứ không phải là đọc cáo trạng. Mong VKS đối đáp đến cùng với quan điểm của chúng tôi đối với phần luận tội trong phiên tòa hôm nay...”- Luật sư Bùi Việt Anh yêu cầu.

Nhiều việc nên không thể quán xuyến?

Cũng trong phần tranh luận của mình, Luật sư Bùi Việt Anh cho rằng, cựu PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu phải kiêm nhiệm quá nhiều việc nên không thể chịu trách nhiệm với nguồn nước RO không đảm bảo. Công tố viên đối đáp về căn cứ buộc tội của VKS đã nêu trong cáo trạng. Về việc luật sư cho rằng bị cáo Hoàng Đình Khiếu bị giao quá nhiều việc nên không thể làm được hết, quan điểm của VKS là tại sao bị cáo không đề nghị với cấp trên giao bớt việc để hoàn thành cho tốt? Về việc cựu PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực không biết hệ thống RO sửa chữa cũng là không đúng, vì ngày 20/4/2017 chính bị cáo đã ký đề xuất sửa chữa và ngày 26-27/4/2017 Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng cũng đã báo cáo với bị cáo này. “Có thể không biết chi tiết việc sửa chữa nhưng với trách nhiệm của mình, bị cáo Khiếu phải hỏi lại, kiểm tra xem sửa chữa xong chưa, bởi bị cáo cũng phụ trách phần vật tư, trang thiết bị y tế với tư cách là PGĐ bệnh viện...”- công tố viên lập luận.

Đại diện VKS giữ quyền công tố tiếp tục đối đáp: Về việc luật sư cho rằng bị cáo Hoàng Đình Khiếu không biết nội dung sửa chữa trong hợp đồng 315 nên không thể quy buộc thiếu trách nhiệm, song VKS không luận tội vì lẽ trên mà luận tội về việc cựu PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu biết có sửa chữa nhưng không kiểm tra, giám sát. “Bị cáo Hoàng Đình Khiếu phải chịu trách nhiệm hai vai: Vừa là PGĐ bệnh viện, vừa là Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Cũng theo lẽ đó, trách nhiệm của bị cáo Hoàng Đình Khiếu phải cao hơn so với bị cáo Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình)...” – đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa khẳng định.

Tuy nhiên, sau phần đối đáp của công tố viên, Luật sư Bùi Việt Anh nhấn mạnh: VKS cho rằng luận tội là có căn cứ, nhưng chúng tôi không thấy căn cứ. VSK cho rằng, nếu bị cáo Hoàng Đình Khiếu nhiều việc thì đề nghị không nhận là không thỏa đáng. Trong trường hợp này, bị cáo Khiếu được phân công nên phải nhận, bệnh viện cũng không tìm được người đủ điều kiện để bổ nhiệm trưởng khoa nên nhiều lần bị cáo Khiếu đề nghị nhưng bệnh viện không bổ nhiệm được vì không có người. Ngay cả sau khi xảy ra sự cố, bị cáo Khiếu vẫn phải tiếp tục kiêm nhiệm. Mãi cho đến khi ông Hoàng Công Tình bảo vệ xong học vị tiến sĩ mới đủ điều kiện để bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Hồi sức tích cực thay bị cáo. “Bị cáo Khiếu không phủ nhận việc ký đề xuất sửa chữa và cũng không phủ nhận có biết được ngày 28/5/2017 sửa chữa hệ thống RO, nhưng không biết cụ thể sửa chữa những gì thì không thể biết được việc sửa chữa đó có ảnh hưởng đến nguồn nước hay không. Bị cáo Khiếu không thể suốt ngày hỏi người nọ, người kia là việc này xong chưa, việc kia xong chưa...”- Luật sư Việt Anh tỏ ra bức xúc.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực thiếu trách nhiệm?

Trước đó, chiều muộn ngày 21/1, đại diện VKS giữ quyền công bố tại tòa đã nêu quan điểm luận tội đối với 7 bị cáo trong vụ án 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Theo đó, cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Hoàng Công Lương và bị cáo Bùi Mạnh Quốc với cáo buộc vô ý làm chết người bị đề nghị mức án lần lượt là 36-42 tháng tù và 4-5 năm tù. 5 bị cáo còn lại bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Trần Văn Sơn bị đề nghị mức 42-48 tháng tù, cựu Trưởng phòng Vật tư y tế Trần Văn Thắng 36-42 tháng tù, cựu GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương 30-36 tháng tù, cựu PGĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu mức án 36-42 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn (GĐ Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) 36-42 tháng tù.

Đặc biệt, căn cứ vào diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng (bao gồm cả lời khai của Trưởng khoa Hồi sức tích cực Hoàng Công Tình), đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của ông Hoàng Công Tình, với vai trò Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (thời điểm đó - PV) có dấu hiệu của sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân bị tai biến sau đó 9 người tử vong. Ngoài ra, công tố viên cho rằng các điều dưỡng viên, bác sĩ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo cũng có một số người có lỗi tuy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cần có biện pháp xử lý hành chính thỏa đáng.

Tinh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-an/xu-so-tham-lan-2-vu-9-nguoi-chay-than-tu-vong-vien-kiem-sat-de-nghi-dieu-tra-chu-ruot-hoang-cong-luo-tintuc428302