Xử sơ thẩm lần 2 vụ 9 người chạy thận tử vong: Các bên không ngừng đổ lỗi cho nhau

Ngày 25/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ án làm chết 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tiếp tục 'nóng' với phần tranh luận. Ngoài việc đối đáp với đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, các luật sư cũng đưa ra những luận điểm chứng minh bị cáo khác mới là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng này, chứ không phải thân chủ mà họ đang bảo vệ.

Các bị cáo tại tòa.

Chết người do tự ý sử dụng máy?

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (GĐ Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn), Luật sư Phạm Quang Hưng khẳng định, việc VKS cho rằng Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn không thực hiện Hợp đồng 315 đã ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình là không đúng. Tính đến thời điểm ngày 28/5/2017, phía Thiên Sơn vẫn đang triển khai nội dung hợp đồng. Việc giao cho ai làm, đó là quyền của phía Công ty CP Thiên Sơn, vậy nên dù bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) có biết nội dung Hợp đồng 315 hay không thì anh ta vẫn phải thực hiện công việc đã ký kết với bị cáo Đỗ Anh Tuấn theo Hợp đồng 05.

Luật sư Hưng cũng cho rằng, tại thời điểm ngày 29/5/2017, hợp đồng giữa Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình chưa kết thúc vì chưa xét nghiệm AAMI. Luật sư Phạm Quang Hưng khẳng định: Việc để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017 khiến 18 bệnh nhân bị tai biến sau đó 9 người tử vong là do các nhân viên y tế đã tự ý sử dụng máy chạy thận khi chưa kết thúc quá trình sửa chữa. “Còn việc VKS cho rằng không cảnh báo nhân viên y tế thì tôi cho rằng, vật tư đó không nguy hiểm nên không cần phải dán nhãn nguy hiểm...” – Luật sư Hưng biện luận.

Tuy nhiên, quan điểm bào chữa của Luật sư Hưng lập tức bị Luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) phản bác bằng việc viện dẫn hàng loạt các điều luật, thông tư để khẳng định việc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn chuyển giao Hợp đồng 315 (bán thầu) cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc là vi phạm. Luật sư Huế cho rằng, Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn được BVĐK tỉnh Hòa Bình tín nhiệm nên mới chỉ định gói thầu sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 với giá trị gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đơn vị này đã tự ý bán 100% gói thầu này cho bị cáo Quốc, mà không thông báo và chưa được BVĐK tỉnh Hòa Bình cho phép. “Công ty Thiên Sơn đã vi phạm luật khi tự ý bán thầu cho nhà thầu thứ cấp không đủ năng lực. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố tai biến chạy thận đặc biệt nghiêm trọng...” – Luật sư Huế khẳng định.

Không ngăn được hậu quả vì máy đã chạy?

Cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn vừa dứt thì tiếp đến ý kiến ngược chiều giữa các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương và Luật sư Giang Văn Quyết (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc), về việc lỗi của bên nào khi để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 bệnh nhân tử vong. Theo Luật sư Trần Hồng Phúc, bị cáo Hoàng Công Lương không được Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn cùng điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng thông báo việc máy chưa sửa xong nên ra y lệnh lọc máu. “Khi Sơn và Quốc xuống lấy mẫu nước đi xét nghiệm được Hằng thỏa thuận đến trưa lấy vì máy đang chạy, như vậy là đồng thuận với việc cho máy chạy...” – Luật sư Phúc nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Quốc Hòe (cùng bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) khẳng định, xảy ra sự cố y khoa đau lòng khiến 9 bệnh nhân thiệt mạng ngày 28/5/2017 là lỗi của bị cáo Bùi Mạnh Quốc, chứ không phải lỗi của bị cáo Hoàng Công Lương. Luật sư Hòe cho rằng, nếu chưa kết thúc hợp đồng sửa chữa máy chạy thận (chưa làm xét nghiệm mẫu nước – PV) thì bị cáo Bùi Mạnh Quốc không được phép thông báo cho bị cáo Trần Văn Sơn là máy đã sửa xong, để rồi bị cáo Sơn thông báo cho điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp và cô này báo lại với bị cáo Hoàng Công Lương vào sáng 29/5/2017, dẫn đến 18 bệnh nhân bị tai biến sau đó 9 người tử vong.

Tuy nhiên, quan điểm của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Hoàng Công Lương đã bị Luật sư Quyết bác bỏ. Luật sư Giang Văn Quyết khẳng định: Bị cáo Bùi Mạnh Quốc chỉ có phận sự thực hiện hợp đồng sửa chữa, súc rửa màng lọc RO số 2 đã ký với bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Hợp đồng 05), sau khi hoàn thành sẽ bàn giao lại cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn. “Bị cáo Bùi Mạnh Quốc không có thẩm quyền để có thể cho chạy hay không chạy thận. Vào sáng 29/5/2017, bị cáo Quốc đã đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm để hoàn tất quá trình sửa chữa, nhưng do máy đã bị các nhân viên y tế cho chạy rồi nên có can ngăn cũng không ngăn được hậu quả, bởi chất độc cũng đã vào người các bệnh nhân chạy thận...” – Luật sư Quyết lập luận.

Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho thân nhân 9 nạn nhân thiệt mạng, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung nêu quan điểm: Bên phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân và gia đình họ là BVĐK tỉnh Hòa Bình. Luật sư Trung biện giải: Sự cố y khoa trên xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình nên gia đình các nạn nhân chỉ biết trách nhiệm thuộc về đơn vị này. “Người nhà cho rằng, các nạn nhân điều trị và trả tiền cho BVĐK tỉnh Hòa Bình chứ không biết Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn có liên quan gì. Do vậy, gia đình các nạn nhân chỉ biết yêu cầu trách nhiệm bồi thường từ BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ngay từ khi sự việc xảy ra, BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng đã ý thực được trách nhiệm của mình và đã chủ động tiếp tục khám và chữa bệnh cho các nạn nhân...” – Luật sư Trung nói.

Về mức bồi thường, 9 gia đình yêu cầu bồi thường với các mức khác nhau. Luật sư Trung cho rằng, về việc yêu cầu bồi thường, đền bù tổn thất về tinh thần 100 tháng lương cơ bản là khoản tiền dành cho những người còn sống để xoa dịu nỗi đau mất mát. Về bồi thường mai táng phí khi làm tang lễ của 9 nạn nhân thì mức bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trước quan điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại, Luật sư Nguyễn Danh Huế đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình không chấp nhận lập luận trên. Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, chính sự vô trách nhiệm của Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn trong việc thực hiện hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, mới dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người tử vong. Do vậy đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường là Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn chứ không phải là BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Tinh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-an/xu-so-tham-lan-2-vu-9-nguoi-chay-than-tu-vong-cac-ben-khong-ngung-do-loi-cho-nhau-tintuc428576