Xử phạt vi phạm trên lĩnh vực ATTP chưa đủ sức răn đe

Trong năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà Nẵng và các lực lượng chức năng cấp quận huyện đã kiểm tra gần 21.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 291 cơ sở vi phạm, xử phạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà Nẵng và các lực lượng chức năng cấp quận huyện đã kiểm tra gần 21.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 291 cơ sở vi phạm, xử phạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, đây là con số thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng so với yêu cầu của nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho bữa ăn của người dân, việc xử lý vi phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATTP các cơ sở kinh doanh tại chợ Hàn.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATTP các cơ sở kinh doanh tại chợ Hàn.

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về ATTP năm 2019 vào sáng 26-12, ông Chinh đề nghị: sau thời gian tuyên truyền, lực lượng chức năng phải mạnh tay xử lý và công khai thông tin để tránh hiện tượng các cơ sở vi phạm "nhờn thuốc".

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Phó trưởng ban Quản lý ATTP, trong năm 2019, tỷ lệ mẫu rau, trái cây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ này còn ở mức 8-10%; hiện tại đã giảm xuống chỉ còn 1%. Tại các chợ, tiểu thương không còn sử dụng chất vàng ô để tạo màu cho măng, dưa cải như thời gian trước. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng không còn phát hiện việc sử dụng foocmol, huỳnh quang trong bún, mì; không phát hiện chất cấm, tồn dư kháng sinh trong thịt. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm tươi sống và sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến có bao gói đơn giản hoặc dạng rời phần lớn sản xuất từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, phân phối manh mún nên việc quản lý và kiểm soát theo chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những nguy cơ tiềm ẩn từ thức ăn đường phố vẫn đang là thách thức suốt thời gian dài chưa có cơ chế quản lý phù hợp.

Ông Lê Trung Chinh đánh giá sự ra đời của Ban Quản lý ATTP đánh dấu bước chuyển biến lớn trong hành động của thành phố đối với bữa ăn, sức khỏe của người dân. Với mô hình này, chưa thể đánh giá là Đà Nẵng hơn các địa phương khác nhưng người dân thành phố cũng như du khách có phần an tâm hơn trước đây. Với lĩnh vực ATTP, những cái âm ỉ thì khó kiểm soát nhưng nhận thức của người dân và sự quyết liệt của cơ quan nhà nước đã được trả lời bằng những con số cụ thể. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, để bữa ăn của người dân ngày càng an toàn, chất lượng thì phải có sự đúng đắn, đầy đủ trong nhận thức và hành động.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động đã được quan tâm nhưng việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe, điều đó tạo ra tâm lý "nhờn" đối với những cơ sở đặt nặng vấn đề lợi nhuận kinh doanh mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, ông Chinh cho rằng cần có sự thống nhất nhiệm vụ từ cấp thành phố xuống quận huyện. Ban Quản lý ATTP chỉ thanh tra theo chuyên đề, đột xuất chứ dẫn quân đi theo kế hoạch thì chưa triển khai các đối tượng được kiểm tra đã biết. Thanh kiểm tra thì có thể đưa ra tỷ lệ trong từng giai đoạn, thời điểm, khu vực nhưng xử lý thì phải là triệt để.

"Các anh xử lý được càng nhiều thì thành phố và người dân càng mừng, chứ đừng có sợ ảnh hưởng thành tích. Nó âm ỉ mà ta không phát hiện ra, không xử lý được mới là điều đáng sợ. Xử lý nhiều chứng tỏ mình quyết liệt. Xử lý xong thì công khai lên cho người dân biết mà tẩy chay, như thế là thu hẹp đất sống của những cơ sở, những hành vi làm ăn gian dối, coi thường sức khỏe của người dân". Ông Chinh ví việc này cũng giống như thời gian gần đây nhiều người lo ngại vì thành phố ngày càng phát hiện nhiều người nghiện, xử lý nhiều đối tượng là tội phạm ma túy. Mới nghe qua, điều này tạo tâm lý lo lắng, nhưng sâu xa, đây chính là thể hiện sự quyết liệt của các cấp, các ngành. Có quyết liệt thì mới phát hiện được, có phát hiện thì mới xử lý và có thêm dữ liệu để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh chỉ đạo, biên chế con người không được tăng thêm nhưng nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý ATTP chắc chắn ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, bản thân mỗi cán bộ được phân công nhiệm vụ phải tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình. Trước mắt, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, Ban Quản lý ATTP, lực lượng chuyên môn cấp quận huyện phải triển khai các biện pháp để đảm bảo cho người dân. "Lễ tết thì nhu cầu về thực phẩm trong mỗi gia đình, tại các khu vui chơi giải trí là rất lớn. Đừng để người dân mất vui vì bữa ăn thiếu an toàn", ông Chinh lưu ý.

BẢO NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_218245_xu-phat-vi-pham-tren-linh-vuc-attp-chua-du-suc-ran-de.aspx