Xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Vừa thiếu vừa thừa

Đây là nhận định của BS. Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) khi trao đổi với PV Báo Lao động xung quanh Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Dự thảo).

BS. An băn khoăn: "khi cha mẹ hoặc người thân khoe ảnh con cháu mình nhân sự kiện bé được nhận giải thưởng,… có bị vi phạm?". ảnh: Nguyễn Hải

Thưa ông, Dự thảo quy định hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em có thể sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

Tôi thấy các mức phạt đưa ra nhìn chung cao hơn rất nhiều so với Nghị định số 144/2013/NĐ-CP trước đây. Riêng về vi phạm tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, Dự thảo đã đề xuất mức phạt tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tập thể là 100 triệu đồng. Đây là mức phạt là cao, thể hiện sự nghiêm khắc và mang tính răn đe nhưng băn khoăn nhất của tôi là sự chưa rõ ràng và khả năng thi hành thấp.

Cụ thể một số điểm sau: Điều 33, Nghị định 56/2017/NĐ-CP định nghĩa về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em như sau: “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại;..." cho thấy sự vừa thiếu, vừa thừa. Hình ảnh trẻ em không nên coi là bí mật cá nhân, trừ những trường hợp sử dụng có mục đích vụ lợi, bôi nhọ hoặc đe dọa… Một ví dụ đơn giản là khi cha mẹ hoặc người thân khoe ảnh con cháu mình nhân sự kiện nào đó thì có vi phạm? Khi các nhà báo đưa tin lãnh đạo đến thăm trường tặng quà học sinh ngày khai trường mà đưa hình ảnh cận cảnh của các em thì có vi phạm?

Thứ hai, hiện nay lực lượng thực thi Nghị định mỏng và yếu. Muốn thực hiện được các quy định của Dự thảo thì rất cần thiết phải bổ sung và nâng cấp đội ngũ thanh tra trẻ em về số lượng và chất lượng.

Cơ quan chức năng thừa nhận Luật Trẻ em từ khi đi vào đời sống, số vụ xử phạt thực tế khá “khiêm tốn”. Theo ông, thực tế này do Luật còn “vênh” với thực tế hay quá trình triển khai thực hiện Luật còn những hạn chế?

Chúng ta đã có bài học là Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991 có quy định: “Trẻ em dưới 6 tuổi được miễn ko phải trả tiền khám, chữa bệnh ở các cơ sở Y tế công lập…” nhưng hơn 13 năm trời không thực hiện được. Chúng ta nên rà soát và tăng cường tuyên truyền, giải thích về Luật, đồng thời tổ chức lại phương thức và điều kiện thực hiện. Nếu luật quy định mà không thực hiện được, không sát thực tế, vượt quá khả năng thực hiện thì nhất thiết phải điều chỉnh.

Với tư cách người Việt Nam duy nhất được tổ chức HealthRight Quốc tế vinh danh vì đã có những cống hiến to lớn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Việt Nam thời gian qua?

Sau hơn 25 năm thực hiện Công ước quốc tế Quyền trẻ em, chúng ta tự hào Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu với chất lượng cao về bảo vệ & chăm sóc trẻ em so với những nước có cùng mức thu nhập. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Luật Trẻ em 2016 và nhiểu văn bản pháp lý về bảo vệ chăm sóc trẻ em; kinh phí cho các hoạt động có liên quan đến trẻ em cao hơn những năm trước. Bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em và mạng lưới đội ngũ cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em được kiện toàn.

Đặc biệt, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện quy định của Luật Trẻ em 2016 về xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ, tập trung ưu tiên cấp độ phòng ngừa, hứa hẹn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được bảo vệ tốt hơn, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em sẽ giảm.

Nếu xác định những mục tiêu trọng điểm nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Việt Nam hiện nay, ông sẽ lựa chọn những “hạng mục” ưu tiên nào?

Nếu lựa chọn những ưu tiên trọng điểm nhất, tôi sẽ chọn: Phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên chặn đứng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em; Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước; Bảo vệ và trợ giúp trẻ khuyết tật; Giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em; Chăm sóc cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, ưu tiên tập trung 1000 ngày đầu đời.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Lê Phương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-ve-bao-ve-cham-soc-tre-em-vua-thieu-vua-thua-598401.ldo