Xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lái xe có sử dụng rượu bia gây ra khiến nhiều người thiệt mạng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, hạn chế những nỗi đau không đáng có? Phóng viên Cảnh sát toàn cầu có cuộc phỏng vấn Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, tình trạng tai nạn giao thông hiện nay? Nguyên nhân gây tai nạn, tỷ lệ tai nạn do người tham gia giao thông sử dụng rượu bia gây ra?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong quý I-2019 toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với 3 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 644 vụ (giảm 13,78%), số người chết giảm 244 người (giảm 11,35%), số người bị thương giảm 486 người (giảm 13,4%).

Tuy nhiên, còn xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người, gây bức xúc dư luận xã hội; xảy ra tại các địa phương: Gia Lai, Thừa Thiên-Huế, Long An, Hải Dương, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc; đặc biệt là vụ tai nạn giữa xe ôtô khách với đoàn người đưa tang địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, làm 7 người chết, 1 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn (Bình Định) khi đội dịch vụ tang lễ xếp hàng dưới lề đường chuẩn bị làm lễ đưa tang thì xe ôtô tông vào làm 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương; vụ lái xe có bệnh án tâm thần tông vào đồng chí Chu Quang Sáng, CSGT Bà Rịa - Vũng Tàu làm đồng chí Sáng hy sinh...

Đại tá Đỗ Thanh Bình.

Đại tá Đỗ Thanh Bình.

Nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia chiếm tỷ lệ rất cao. Đặc biệt, 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra gần đây đều do lái xe sử dụng rượu bia là vụ xe ôtô Lexus tông vào đám tang ở Bình Định làm 4 người chết và vụ lái xe tông chết chị lao công ở Hà Nội. Trong đó, ông Đỗ Xuân Tuyên, 49 tuổi, trú tại Ba Đình, Hà Nội- người lái ôtô gây tai nạn khiến nữ công nhân vệ sinh môi trường tử vong, bị cơ quan Công an tạm giữ 8-9 tiếng vẫn chưa tỉnh rượu.

Phóng viên: Đồng chí cho biết thực tế việc xử phạt của CSGT đối với lái xe sử dụng rượu bia?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Thực tế qua công tác tuần tra kiểm soát cho thấy đa số người vi phạm “dám làm nhưng không dám chịu”, nghĩa là không chấp hành pháp luật về ATGT nhưng lại không muốn bị phạt, nếu xin xỏ không được quay sang chống đối CSGT. Khi lái xe đã sử dụng rượu bia thì hành vi này còn phức tạp và nguy hiểm hơn vì bản thân họ hạn chế hoặc không làm chủ được hành vi nên không chấp hành yêu cầu của Cảnh sát, có lời nói, hành động thiếu tôn trọng đối với lực lượng làm nhiệm vụ.

Vì vậy, xử lý những trường hợp này rất mất thời gian và công sức. Bên cạnh đó, theo quy định thì khi lập biên bản phải có chữ ký của người vi phạm nên việc xử lý càng khó khăn hơn. Nếu xử lý 1 trường hợp vi phạm bình thường chỉ mất 3-5 phút, nhưng lập biên bản người sử dụng rượu bia thì mất rất nhiều thời gian, thậm chí cả tiếng đồng hồ.

Dù vậy, chúng tôi vẫn quán triệt anh em, tất cả các trường hợp phát hiện có nồng độ cồn đều kiên quyết xử lý, ngăn chặn những người này gây nguy hiểm cho người khác.

Phóng viên: Hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây nguy hiểm người tham gia giao thông như vậy nhưng chế tài xử phạt có tương xứng không, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Người điều khiển phương tiện giao thông trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 5 và điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt cao nhất là 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng đối với ôtô; mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe máy, xe đạp điện là 4 triệu đồng, tước GPLX đến 5 tháng.

CSGT tuần tra kiểm soát trên đường cao tốc.

Nếu uống rượu, bia gây tai nạn thì xử lý theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt cao nhất là 10 năm tù, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…

Nhìn vào thực tế, chúng ta có thể thấy các quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Bởi thứ nhất hình phạt còn nhẹ, thứ 2 khi gây hậu quả nghiêm trọng mới bị coi là tội phạm.

Phóng viên: Có nghĩa là nếu lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng mới bị phạt tù còn hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông thì chỉ bị phạt hành chính, thưa đồng chí? Các nước khác có áp dụng mức xử phạt như nước ta hay không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là rất nguy hiểm vì lái xe không làm chủ được bản thân, làm giảm hoặc mất khả năng an toàn, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người khác.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, chúng tôi thấy họ đều coi đây là tội phạm hình sự, mặc dù chưa xảy ra hậu quả nhưng gây nguy hiểm cho chính người đó và những người tham gia giao thông khác. Vì đây là tội phạm hình sự nên phải ngăn chặn trước khi xảy ra hậu quả. Theo đó, CSGT sẽ cưỡng chế người, cẩu phương tiện đưa về trụ sở để làm việc, đồng thời được quyền hoàn thiện hồ sơ gửi ra Tòa án để xử lý.

Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị cấm hành nghề lái xe trong một thời gian nhất định, đặc biệt là lái xe kinh doanh vận tải. Trường hợp tái phạm, sẽ bị phạt lũy kế với mức phạt tăng rất nặng so với mức phạt lần 1. Nếu uống rượu bia gây tai nạn thì cơ quan bảo hiểm sẽ không bồi thường, kỳ mua bảo hiểm sau sẽ phải chịu mức phí rất cao. Một số nước, nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn, cảnh sát sẽ gắn thiết bị lên phương tiện để bắt buộc lái xe phải kiểm tra nồng độ cồn trước khi nổ máy. Nếu có nồng độ cồn thì xe sẽ không khởi động được.

Đặc biệt, các nước đều xác định rượu bia nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng, ANTT, ATGT nên quản lý kinh doanh đồ uống có cồn rất nghiêm ngặt. Nếu uống ở ngoài quán, phải đủ tuổi mới được sử dụng; mua ở cửa hàng, siêu thị cũng phải kiểm tra CMND.

Kể cả người lái xe không sử dụng rượu bia nhưng cho người khác sử dụng rượu bia trên xe lúc mình đang lái cũng bị trách nhiệm liên đới. Tôi có thể khẳng định, đa số các nước họ gắn rất chặt vào kinh tế và hạn chế quyền đi lại của người sử dụng rượu bia. Cuối tuần là thời điểm cao điểm thường sử dụng rượu bia tăng, Cảnh sát tuần lưu trong các phố có nhiều quán rượu bia để tăng cường xử phạt.

Phóng viên: Theo đồng chí thì chúng ta cần làm gì để hạn chế, ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tỷ lệ lỗi gây tai nạn do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là rất lớn. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Kể cả như điều 260 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể, hành vi nào là hành vi gây nguy hiểm nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Chính vì vậy, theo tôi, cần có những chế tài đủ mạnh để xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn. Thứ nhất, đề nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, chi tiết khoản 5 điều 260 BLHS 2015. Thứ 2, cho phép CSGT thông báo vi phạm đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm làm việc để tạo áp lực dư luận, đẩy lùi vi phạm. Việc thông báo này có tác dụng rất lớn, nhất là đối với những người làm việc tại cơ quan, tổ chức, có thể coi đây là tiêu chí phân loại thi đua cuối năm. Bên cạnh đó, nên quy định cắt ngắn thời hạn cấp lại GPLX trong kỳ cấp tiếp theo, bắt buộc sát hạch lại, kiểm tra kỹ phản xạ mắt, thần kinh; không cho phép kinh doanh vận tải trong một thời gian nhất định...

Phóng viên: trước mắt, chưa có chế tài mạnh, lực lượng CSGT làm gì để phòng ngừa, hạn chế lái xe vi phạm nồng độ cồn?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Thực hiện kết luận số 45 của Ban bí thư về tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả chỉ thị số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT, ATGT; nghị quyết 12 của Chính phủ và chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục CSGT đã kết nối, chia sẻ dữ liệu về xử lý vi phạm, tước GPLX đối với ngành GTVT. lộ trình này dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ 1-6-2019.

Để đảm bảo ATGT, phòng ngừa vi phạm, CSGT, Công an các đơn vị, địa phương sẽ huy động tối đã lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn trên tất cả các tuyến giao thông đường bộ trong cả nước.

Thông qua công tác TTKS sẽ chủ động phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm về nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác, góp phần kiềm chế, giảm TNGT. Từ đó đánh giá thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy và chất kích thích khác khi tham gia giao thông hiện nay. Phát hiện những tồn tại, bất cập trong quản lý người lái xe, để kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục.

Bên cạnh các tuyến giao thông đường bộ trong cả nước, lực lượng Công an còn tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm tại các nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng quán ăn; khu vực phức tạp về an, trật tự, ma túy...

Lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng khác thành lập các tổ TTKS theo chuyên đề này. khi kiểm tra phát hiện người điều khiển xe dương tính với chất ma túy, tiếp tục kiểm soát để phát hiện tang vật, dụng cụ sử dụng ma túy, kiểm tra đối chiếu kỹ giấy tờ tùy thân, nắm bắt về loại ma túy, thời gian sử dụng, quá trình khám sức khỏe, học và sát hạch cấp GPLX...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng

Phương Thủy (thực hiện)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/xu-phat-nhung-nguoi-vi-pham-nong-do-con-khi-lai-xe-542894/