Xử phạt là phải làm gương

Cư dân mạng lại cãi nhau về việc một vlogger Việt bị cơ quan chức năng xử phạt vì một nội dung được tung lên kênh YouTube.

Theo đó, chiều 10-9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt Nguyễn Văn Hưng (nickname Hưng Vlog) 7,5 triệu đồng về hành vi "đăng tải thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục".

Căn cứ mà cơ quan này xử phạt là theo điểm B, khoản 1, điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được Chính phủ ban hành ngày 3-2-2020 và có hiệu lực từ ngày 15-4-2020. Cụ thể, khoản này quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng tới 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc". Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng buộc Hưng Vlog gỡ bỏ video clip vi phạm

Trước đó, trên kênh YouTube, Hưng Vlog đã đăng video clip với nội dung đang nấu một nồi cháo lớn, bỏ vào nồi con gà còn nguyên lông để troll (chơi khăm) hai người em của mình. Hậu quả là người con trai của Vlogger Bà Tân Vlog vốn nổi đình đám và gây nhiều tranh cãi đã bị cộng đồng mạng lên án gay gắt, rồi tới tai nhà chức trách.

Sở dĩ việc xử phạt này gây tranh cãi vì có những người chưa thông với việc cơ quan chức năng quy hành vi của Hưng Vlog là về "thuần phong mỹ tục" - một cụm từ rất chung chung dễ áp đặt và suy diễn. Thậm chí, có những người nâng quan điểm cho rằng hành vi của Hưng Vlog có thể làm cộng đồng quốc tế nghĩ xấu về "món cháo của người Việt". Trong khi đó, nhiều người cho rằng có thể coi đây thuộc dạng "nội dung nhảm", một loại rác trên mạng xã hội. Có lẽ không ai phủ nhận những hành vi như vậy là "phản cảm".

Thực tế là trên các loại hình truyền thông, những hành động chơi khăm nhau, dạng chỉ gây cười, đầy rẫy khắp thế giới. Loại này được đánh giá tùy theo chuẩn mực văn hóa của từng cộng đồng. Và mức độ như thế nào là gây nguy hại chỉ có thể đánh giá ở một số tiêu chí như xúc phạm cá nhân nào đó, có thể khuyến khích người xem làm điều xằng bậy, nguy hiểm…

Các loại rác điện tử trên các mạng xã hội là một vấn nạn lâu rồi mà những người dùng chân chính luôn mong muốn quét sạch nhưng thực tế đó là chuyện cực khó. Bản thân các mạng xã hội cũng lúng túng cho dù mạng nào cũng đưa ra các chuẩn mực của cộng đồng. Bởi thường thì các nội dung tào lao, nhảm lại thu hút số lượng người xem cực lớn - cho dù xem rồi chửi sau đó lại chờ xem tiếp. Và chuyện đánh giá một nội dung nhảm hay không lại tùy từng người.

Nội dung nhảm nhí, tào lao khác hẳn với nội dung xấu, độc hại. Nội dung tào lao mà vô thưởng vô phạt thì đành buông trôi theo dòng đời. Còn các nội dung xấu xí, độc hại thì có thể phân biệt rõ ràng dựa trên các điều luật, quy định pháp lý.

Trở lại trường hợp xử phạt Hưng Vlog, chúng tôi không bàn tới chuyện đúng hay sai, nhất là khi không rõ trong nội dung của người này có thêm những chi tiết gì nguy hại nữa không. Chúng tôi chỉ nhân ý kiến trái chiều của cư dân mạng để nghĩ thêm bên lề.

Bất luận thế nào, việc xử lý các hành vi trên mạng xã hội đều phải làm sao đạt được yêu cầu răn đe, làm gương. Hễ cố ép, bị gượng là lợi bất cập hại. Mà muốn như vậy thì phải cẩn trọng, dựa vào các luật định hiện hành, vi phạm cái nào, tới đâu thì cứ xử phạt tương xứng. Phạt để người vi phạm tâm phục và những người khác coi đó làm gương.

Anh Phúc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-nghe/xu-phat-la-phai-lam-guong-20200912204548657.htm