Xử phạt hành vi đưa nước vào động vật trước khi giết mổ

Hỏi: Tôi bán lẻ thịt bò tại chợ, và thường đến lò mổ gia súc của hộ gia đình nhà ông T để lấy hàng. Có hôm đến sớm, ngồi đợi lấy thịt, tôi thấy trước khi giết mổ bò, họ có bơm nước vào bò. Tôi có nghe nói không được bơm nước vào động vật trước khi giết mổ, nhưng không rõ cụ thể như thế nào. Xin hỏi hành vi bơm nước vào bò trước khi giết môt của hộ gia đình nhà ông T có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?

(Lưu Thị Huế, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 13 Luật thú y quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“...19. Sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y hoặc chứa các vi sinh vật, chất tồn dư quá giới hạn cho phép.

20. Ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật, sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y.

21. Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh động vật; sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 của Luật này.

22. Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc thú y giả, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y kém chất lượng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật này.

23. Lưu hành thuốc thú y có nhãn không đúng với nội dung nhãn đã đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

24. Quảng cáo thuốc thú y không đúng với tính năng, công dụng đã đăng ký.

25. Hành nghề thú y trái pháp luật”

Lò mổ gia súc của hộ gia đình nhà ông T thực hiện bơm nước vào bò trước khi mổ là vi phạm điều cấm quy định tại khoản 20 Điều Điều 13 Luật thú y “Ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật, sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y”. Hành vi của hộ gia đình nhà ông T sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP, cụ thể:

“Điều 20.Vi phạm về vận chuyển, kinh doanh, thu gom, lưu giữ, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh

...

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Giết mổ động vật, thu hoạch động vật thủy sản, sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn sử dụng;

b) Đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ

12. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9 và khoản 11 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều này;”

c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều này

13. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này. Trong trường hợp kiểm tra vệ sinh thú y không đạt yêu cầu buộc phải tiêu hủy hoặc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;

b) Buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều này.”

Như vậy, theo quy định trên hành vi đưa nước vào bò trước khi giết mổ của hộ gia đình ông T bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 2 Điều 4 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với hộ gia đình ông T là 17.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Ngoài ra hộ gia đình ông T còn phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 đến 03 tháng”. Và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 13 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP: “Buộc xử lý nhiệt chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm”.

Hoàng Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xu-phat-hanh-vi-dua-nuoc-vao-dong-vat-truoc-khi-giet-mo-196838.html