Xử phạt hành vi bỏ rác thải sinh hoạt không đúng quy định tại nơi công cộng

Hỏi: Cuối tuần vừa rồi tôi có cho con đi công viên chơi. Có một nhóm sinh viên tụ tập ăn uống vui vẻ, tuy nhiên sau đó các bạn giải tán và để lại một đám rác trên bãi cỏ. Tôi thấy vậy liền nhắc nhở nhưng các bạn phớt lờ và bỏ đi. Tôi muốn phản ánh lại sự việc với ban quản lý công viên để xử lý những trường hợp sau nữa. Xin hỏi hành vi xả rác nơi công cộng như vậy vi phạm quy định nào và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào?

(Nguyễn Minh Hạnh, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 81 Luật bảo vệ môi trường:

“Điều 81. Bảo vệ môi trường nơi công cộng.

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau:

a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý;

b) Bố trí công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;

c) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.”

Theo quy định trên mỗi cá nhân đều có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải. Việc xả rác thải bừa bãi nơi công cộng là đã vi phạm quy định tại điều 81 Luật bảo vệ môi trường 2014. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể:

“Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

...

13. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm quy định tại các khoản 9, 10 và 11 Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.”

Hành vi thải rác sinh hoạt không đúng quy định tại nơi công cộng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Áp dụng Điều 5 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 20 là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”. Xác định mức tiền phạt đối với cá nhân có hành vi thải rác sinh hoạt không đúng quy định tại nơi công cộng là 4.000.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 13 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP: “Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm”.

Nhật Lệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xu-phat-hanh-vi-bo-rac-thai-sinh-hoat-khong-dung-quy-dinh-tai-noi-cong-cong-201718.html