Xử phạt công bằng và có tính đặc thù giáo dục

Dự thảo Nghị định (NĐ) Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được đưa lên mạng đã làm 'nóng' dư luận. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ai sẽ là người xử phạt?Tiền xử phạt đi về đâu? Liệu có phát sinh tiêu cực? Giáo viên 'véo tai', 'đánh tay' học sinh có bị phạt 30 triệu đồng? Hoạt động dạy thêm có bị cấm?...

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chia sẻ với PV Báo Thanh tra xung quanh dự thảo NĐ này.

Không nhằm “đánh vào” giáo viên

+ Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã được quy định trong NĐ 138/2013/NĐ-CP. Điểm mới ở Dự thảo lần này là mức tiền phạt được nâng lên. Có hành vi cá nhân vi phạm bị phạt tới 30 triệu đồng – gấp mấy lần tiền lương/tháng của giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng, trong môi trường giáo dục không nên xử phạt giáo viên bằng tiền?

- Xử phạt vi phạm hành chính là một chế tài pháp lý áp dụng ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó phạt tiền là một hình phạt chính. Theo quy định của Luật Xử lý hành chính và NĐ 81/2013 hướng dẫn thực hiện Luật thì cán bộ công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Giả sử nhà giáo có hành vi trái luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Công chức, viên chức. Như vậy, nhìn chung giáo viên sẽ không bị xử phạt theo NĐ này. Đối với nhà trường và nhà giáo, nếu có vi phạm thì việc xử lý cũng cần quan tâm đến đặc thù giáo dục.

Hoạt động giáo dục liên quan đến toàn xã hội. Thực tế, có nhiều hoạt động diễn ra ngoài cổng trường, có thể là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài. Bất cứ ai vi phạm đều có thể bị xử phạt. Quan điểm chung là Nhà nước đưa ra các chế tài nhằm để mọi người biết mà tránh chứ không nhằm để phạt thật nhiều.

+ Dự thảo quy định mức phạt tiền cao nhất với tổ chức là 100 triệu đồng, cá nhân là 50 triệu đồng. Có lo lắng không biết tiền xử phạt sẽ đi về đâu, liệu có phát sinh tiêu cực?

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 83 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước”. Người bị phạt phải trực tiếp nộp vào kho bạc. Vì vậy không lo gì tiêu cực ở đây.

+ Đáng chú ý, trong Dự thảo có quy định “hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt từ 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học phạt từ 20-30 triệu đồng. Đi kèm với mức phạt này, giáo viên phải xin lỗi công khai và có thể bị đình chỉ từ 1-6 tháng. Ngay sau khi được trưng cầu ý kiến, đã có những tranh cãi gay gắt về vấn đề này. Là Phó Ban soạn thảo, ông nói gì?

- Hành vi này, đã được quy định trong NĐ 138 rồi. Tuy nhiên NĐ 138 ghép chung nội dung xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm thân thể là 1 với 1 mức phạt như nhau. Ban Soạn thảo lần này cho rằng hành vi xâm phạm thân thể có tính nguy hiểm cao hơn hành vi xúc phạm danh dự nên đã tách quy định này thành 2 nhóm.

Đơn cử như trường hợp cô giáo mắng học sinh “óc lợn” là xúc phạm danh dự. Hay cô bảo mẫu ở trường mầm non đánh trẻ, dọa thả vào máy vặt lông gà, có cô bắt học sinh uống nước rẻ lau bảng... là dấu hiệu cấu thành vi phạm xâm phạm thân thể. Chắc chắn xã hội không thể chấp nhận các hành vi này trong môi trường giáo dục dù chỉ là sự việc hãn hữu.

Việc phân chia làm 2 nhóm và nâng mức xử phạt lên cao so với NĐ 138 nhằm mục đích răn đe và loại bỏ hành vi vi phạm nặng nề gây phản cảm, gây bức xúc cho xã hội. Cũng không nên suy diễn cực đoạn đến mức “véo tai” học sinh 1 cái là bị phạt mấy chục triệu.

Tuy nhiên, để xác định rõ hành vi, tránh tâm lý lo lắng ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, giáo dục cũng như việc xử lý vi phạm (nếu có) thì Ban Soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể hơn.

+ Không chỉ xử phạt "nặng" đối với những giáo viên cố tình vi phạm, Dự thảo cũng có những quy định cụ thể để bảo vệ nhà giáo?

- Đúng vậy. NĐ cũng có chế tài xử phạt đối với những hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo. Mức phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng. Mục đích chính là để bảo vệ thầy cô.

Có một thực tế đáng buồn là đã có phụ huynh vào trường bắt cô giáo quỳ hoặc có người vào tận lớp đánh giáo viên… những trường hợp này chắc chắn không ai muốn tái diễn. Nghề dạy học cần phải được bảo vệ đặc biệt hơn vì đây là môi trường giáo dục, giáo viên là người dạy dỗ các em học sinh. Chính vì vậy, NĐ lần này đã quy định rõ hơn vấn đề này, đây sẽ là "cây gậy" để chủ tịch UBND các cấp, thanh tra giáo dục áp dụng để xử phạt.

NĐ xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục không nhằm "đánh vào" giáo viên. Ảnh minh họa: HH

Dạy thêm không cấm, nhưng phải đúng quy định

+ Hiện nay tình trạng dạy thêm tràn lan, khiến xã hội bức xúc. Mặc dù, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là do chế tài xử lý "nhẹ tay". NĐ lần này có khắc phục được tình trạng này?

- Trước hết phải khẳng định Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm và dạy thêm cũng không xảy ra ở tất cả mọi nơi, nhưng ở các thành phố, thị xã, thị trấn thì tình trạng dạy thêm không đúng quy định khá nhiều, khiến xã hội bức xúc. Vì vậy, việc quy định xử phạt đối với hành vi này là cần thiết.

NĐ 138 đã quy định rồi, điểm mới ở dự thảo NĐ lần này là cụ thể hơn. Ví dụ: hành vi dạy thêm học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; dạy học sinh lớp mình; cắt xén chương trình để dạy thêm...

Những quy định như vậy không nhằm mục đích cấm mà để dạy thêm được thực hiện nghiêm túc, có tổ chức, đăng ký đoàng hoàng, không ép buộc học thêm, không có lớp học chật chội, thiếu bàn ghế; không dạy đúng nội dung đăng ký...

Dự thảo lần này không chỉ quy định phạt với người tổ chức dạy thêm, mà bản thân người dạy không đúng cũng bị phạt.

+ So với NĐ 138 mức xử phạt lần này cũng tăng lên, mức cao nhất từ 12 triệu đồng lên 15 triệu đồng, thấp nhất từ 1 lên 2 triệu đồng. Dư luận lo lắng, mức phạt này thấp, không đủ sức răn đe bởi thực tế có nhiều lớp dạy thêm một buổi thu tới 30 triệu đồng, họ sẵn sàng nộp phạt để thu về số tiền gấp đôi, gấp ba?

- Trong quá trình soạn thảo có ý kiến cần tăng mức phạt, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho là số thu từ dạy thêm lớn chỉ có ở một số nơi, còn đa số thì mức thu không cao. NĐ áp dụng trong cả nước, vì vậy quy định mức phạt phải đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, bên cạnh phạt tiền còn có hình phạt bổ sung như đình chỉ giảng dạy.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/xu-phat-cong-bang-va-co-tinh-dac-thu-giao-duc_t114c8n139550