Xử phạt cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế không niêm yết giá tại Hà Nội

Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) vừa lập biên bản xử phạt một quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc về hành vi vi phạm, khi bán khẩu trang không có bảng niêm yết giá.

Những ngày gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế luôn trong tình trạng quá tải do nhu cầu tìm mua khẩu trang và nước sát khuẩn tay - chân - miệng của người dân tăng cao, trước dịch bệnh do virus Corona gây ra. Lợi dụng tình hình, nhiều cửa hàng thuốc đã đẩy giá khẩu trang, nước sát khuẩn lên theo từng giờ.

Trước tình trạng này, sáng 31/1/2020, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có Công văn số 149/TCQLTT-CNV yêu cầu tăng cường kiểm tra. Sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục QLTT và Cục QLTT Hà Nội, ngay trong sáng 31/1, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá, có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Tại thời điểm này, người dân hầu như không quan tâm đến vấn đề giá cả có được bán đúng giá hay không, chen lấn, xô đẩy nhau để giành mua những hộp khẩu trang y tế.

Đội QLTT số 1 kiểm tra việc chấp hành kinh doanh tại một số cửa hàng tại Chợ thuốc Hapulico (Hà Nội). Ảnh: Quyên Lưu.

Đội QLTT số 1 kiểm tra việc chấp hành kinh doanh tại một số cửa hàng tại Chợ thuốc Hapulico (Hà Nội). Ảnh: Quyên Lưu.

Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá hàng hóa và phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội, trong thời gian tới, Đội QLTT số 1 tiếp tục kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa là khẩu trang y tế các loại, sản phẩm sát khuẩn tay - chân - miệng trên tất cả các khâu lưu thông bao gồm cả kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.

Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom, định giá bán bất hợp lý đối với thiết bị y tế.

Theo quy định hiện hành, các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý thu lợi bất chính sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể, Điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Giá cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định “người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với hành vi kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng, nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/xu-phat-co-so-kinh-doanh-khau-trang-y-te-khong-niem-yet-gia-tai-ha-noi-20200131151727930.htm