Xử phạt cao nếu bán dầu ăn không rõ nguồn gốc

Hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy giá trị hàng hóa vi phạm mà bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng.

Tình trạng dầu ăn không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường hiện nay. Hành vi buôn bán dầu không nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý theo quy định.

Tràn lan dầu ăn không rõ nguồn gốc

Các loại dầu ăn không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, trôi nổi đựng trong những can nhựa, bịch nylon được bày bán nhiều tại các chợ ở TP.HCM.

Các loại dầu ăn không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, trôi nổi đựng trong những can nhựa, bịch nylon được bày bán nhiều tại các chợ. Ảnh: CN

Các loại dầu ăn không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, trôi nổi đựng trong những can nhựa, bịch nylon được bày bán nhiều tại các chợ. Ảnh: CN

Những loại dầu này được buôn bán với giá rẻ nên nhiều quán ăn sử dụng để chế biến thức ăn cho khách hàng. “Nhiều người bán quán ăn, nhà hàng thì mua một lần 20-40 lít, những khách hàng mua về nhà xài thì mua khoảng 1-2 lít. Dầu này chiên nhìn màu đẹp, mà hàng công ty nên nhiều người ủng hộ” - chị Thanh, một chủ quầy buôn bán tạp hóa, cho hay.

Ghi nhận tại một chợ ở quận 3, TP.HCM, nhiều quầy tạp hóa bán dầu không nhãn mác, một số đựng trong can 5 lít, 20 lít, thậm chí còn có nơi đựng trong bịch nylon. Giá những loại dầu này khoảng 20.000 đồng/lít nếu bán lẻ. Khi hỏi về chất lượng và xuất xứ của dầu này thì người bán cho biết là dầu của công ty nên cứ an tâm về chất lượng.

“Chỗ chị bán giá 20.000 đồng/ký, giá này là quá mềm rồi vì dầu này là dầu công ty sản xuất nên em cứ yên tâm về chất lượng. Giá cả lại rẻ, chiên lên màu lại đẹp. Loại này chị hay bán cho các nhà hàng, quán ăn” - một chủ quầy tạp hóa ở quận 3 cho hay.

Người dân lo ngại về chất lượng

Thị trường hiện nay nhiều dầu ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là nhái những thương hiệu nổi tiếng, với giá bán khá rẻ, không có nhãn mác rõ ràng, không biết nguồn gốc xuất xứ khiến không ít người lo ngại về chất lượng.

“Gia đình tôi ít khi mua dầu không có nhãn mác vì sợ hàng trôi nổi kém chất lượng, ăn vô không khéo lại mang bệnh. Nhiều loại dầu trên thị trường có giá rẻ hơn gần gấp đôi những hãng dầu có uy tín, với giá rẻ như thế người tiêu dùng cũng nên đặt dấu chấm hỏi về chất lượng” - chị Hoàng Oanh chia sẻ.

Thế nhưng những mặt hàng này lại là mặt hàng được bán khá chạy bởi nhiều người có thể kiếm lời từ việc kinh doanh.

Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm dầu ăn đã được kiểm định an toàn, được sản xuất từ các thương hiệu nổi tiếng. Không nên dùng những loại dầu mỡ đóng can, đóng chai, không có nhãn mác. Nên tránh xa những loại dầu không rõ nguồn gốc và khi sử dụng nếu thấy có mùi lạ phải bỏ ngay.

Theo luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng quy định hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy giá trị hàng hóa vi phạm mà bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng.

CHÂU NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-sach-song-khoe/xu-phat-cao-neu-ban-dau-an-khong-ro-nguon-goc-857771.html