Xử nghiêm vụ nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận 10 xây sai phép

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đánh giá vụ việc vi phạm của nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận 10 là 'việc tưởng chừng không thể xảy ra' và nêu quan điểm: Một người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm thực thi pháp luật lại vi phạm nên phải xử lý thật nghiêm.

Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện Chỉ thị 23. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện Chỉ thị 23. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 21-4, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25-7-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP (viết tắt là Chỉ thị 23) đến hết tháng 3-2020.

Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí: Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Chánh Thanh tra xây dựng xây nhà sai phép - chuyện lạ vẫn diễn ra

Trong phần thảo luận, đồng chí Trần Lưu Quang đã đề cập đến nhiều nội dung cụ thể ở các địa phương. Đặc biệt, đồng chí yêu cầu quận 10 báo cáo trường hợp nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận 10 xây dựng sai phép quy mô lớn trên địa bàn.

Trước yêu cầu này, Phó Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Nga thông tin, năm 2011, quận cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ quy mô 1 hầm và 6 tầng tại số 41/7 Sư Vạn Hạnh (phường 3). Tuy nhiên, chủ đầu tư là Chánh Thanh tra xây dựng quận cho xây thành 1 hầm, 8 tầng và xây dựng trên phần đất công rộng hơn 6m2.

Năm 2013, quận có quyết định xử lý và yêu cầu tháo dỡ phần diện tích sai phép khoảng 200m2 sàn. Chủ đầu tư không hợp tác, không tự tháo dỡ và gửi đơn cứu xét nhiều nơi.

Năm 2019, UBND quận 10 tiếp tục vận động chủ đầu tư thực hiện nhưng chủ đầu tư tiếp tục phản ứng và không chấp hành.

Đến nay, công trình đã tháo dỡ được hơn 70% diện tích vi phạm. Phần còn lại nằm trong kết cấu chính, nên phải có phương án gia cố để đảm bảo an toàn cho công trình khi tháo dỡ phần sai phép. Sau khi hoàn tất việc gia cố (dự kiến xong vào ngày 16-5) thì đến ngày 31-5 sẽ hoàn tất việc tháo dỡ phần diện tích vi phạm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước thông tin này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang đánh giá, đây là “câu chuyện tưởng chừng không thể xảy ra được”. Bởi vì người xây dựng sai phép quy mô lớn lại là một Chánh Thanh tra xây dựng quận 10 khi còn đương chức. Quyết định cưỡng chế đã có từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện xong. Đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu đến ngày 31-5, quận 10 phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ xong.

“Quan điểm chung với trường hợp này, một người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm thực thi pháp luật lại vi phạm nên phải xử lý thật nghiêm”, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh và nêu cảnh báo chung đối với các quận nội thành có thể có những vi phạm như cơi nới, xây dựng thêm...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang bày tỏ, sau 9 tháng thực hiện Chỉ thị 23 đã đạt được một số kết quả tích cực. “Thực hiện Chỉ thị 23 đã giúp ngăn chặn những việc làm xấu hình ảnh của TPHCM”, đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định và phân tích, thực hiện Chỉ thị 23 đã có tác dụng răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời tạo ý thức cùng hành động đúng và quyết liệt hơn trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng.

Từ những kết quả đáng ghi nhận này, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 23; nhất là thực hiện Chỉ thị 23 là một trong những nội dung tập trung thi đua chào mừng đại hội Đảng các cấp mà TPHCM đã phát động. Trong đó, phải xác định rõ ràng hơn về các hành vi vi phạm cùng phương án xử lý; đặc biệt phải rạch ròi hơn về trách nhiệm của các lực lượng liên quan trong lĩnh vực này.

“Chúng ta cần xử lý nghiêm minh các đầu nậu, doanh nghiệp cố tình lợi dụng kẽ hở của các quy định của pháp luật để trục lợi”, đồng chí Trần Lưu Quang kiên quyết. Song, đối với những người dân đang thật sự có nhu cầu về nhà ở, cần phải được xem xét thấu tình, đạt lý.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cũng đề nghị phải có phương án xử lý nhanh đối với các trường hợp vi phạm. Bởi lẽ, nếu xử lý vi phạm xây dựng chậm trễ thì càng về sau việc xử lý càng khó khăn, phức tạp hơn. Trong khi, việc xử lý nghiêm túc, kịp thời cũng sẽ mang đến mục tiêu ngày càng giảm dần về hành vi vi phạm. Một trong những biện pháp cụ thể là yêu cầu các cơ quan tố tụng ưu tiên xem xét xử lý các vụ việc vi phạm (liên quan đến trật tự xây dựng - PV) đã được tiếp nhận, nhằm tăng tính răn đe.

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao hơn vai trò của người đứng đầu. Theo đồng chí, Ban Thường vụ Thành ủy có xem xét nhiều góc độ, trong đó có dựa vào kết quả, năng lực của cán bộ, đảng viên trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để bố trí cán bộ trong thời gian tới.

Cô lập công trình vi phạm xây dựng

Tại hội nghị, các đại biển đến từ các quận - huyện cũng báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị 23 trên địa bàn cũng như nêu các ý kiến đề xuất cụ thể.

Theo đó, Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường thông tin, qua 9 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 23, tình hình xây dựng ở quận đã có những chuyển biến. Số vụ vi phạm về trật tự xây dựng kể từ khi có Chỉ thị 23 đến nay bình quân 0,57 vụ/ngày, giảm 1,2 vụ/ngày so với trước khi có Chỉ thị 23.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng, Bí thư Quận ủy Thủ Đức kiến nghị Sở Xây dựng hỗ trợ quận thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ đối với công trình vi phạm quy mô lớn; đồng thời tăng cường lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự đô thị tại phường Hiệp Bình Chánh - vì đây là địa bàn lớn, dân số đông, có nhiều nguy cơ xảy ra xây dựng không phép, sai phép.

Lãnh đạo các huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi… đề cập đến những vướng mắc mà địa phương gặp phải, nhất là tình trạng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở cao nhưng trong quy hoạch sử dụng đất, đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh chia sẻ, thời gian qua, huyện đã tập trung kiểm tra, ngăn chặn hơn 400 vụ vi phạm và tuyên truyền chấm dứt hành vi ngay từ đầu không để phát sinh vi phạm. Sau 9 tháng thực hiện Chỉ thị 23, huyện đã giảm 466 vụ vi phạm xây dựng. Dù vậy, huyện đang gặp khó khăn, như có xã rộng khoảng 3.000 ha, nhưng chỉ tối đa chỉ có 3 công chức địa chính - xây dựng; đồng thời có xã có dân số hơn 150.000 người. Từ đó, lãnh đạo huyện Bình Chánh kiến nghị cho phép công chức trật tự đô thị lập biên bản vi phạm hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng không phép.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư thông tin, trên địa bàn huyện có tình trạng đầu nậu lợi dụng sơ hở trong các quy định pháp luật để xây dựng không phép, sai phép rồi lừa bán người dân, nhất là người dân yếu thế, khó khăn về nhà ở. Do đó, Huyện ủy Hóc Môn chỉ đạo quyết liệt để cơ quan điều tra huyện tích cực xử lý các vụ đầu nậu xây dựng trên địa bàn xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn.

Trong đó có trường hợp ở xã Xuân Thới Sơn đầu nậu xây dựng 14 căn nhà, bán qua vi bằng thu 11 tỷ đồng. Số tiền này vượt quá thẩm quyền xử lý của huyện nên cơ quan điều tra huyện chuyển cơ quan điều tra Công an TP tiếp tục xử lý.

Về công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian qua, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết, trong quý 1-2020, số vụ vi phạm bình quân là 2 vụ/ngày, giảm 6,5 vụ/ngày (tỷ lệ giảm gần 77%) so với 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, điều này không quá lạc quan vì trong quý 1-2020, công tác xây dựng nhất là nhà ở riêng lẻ có chậm lại.

Người đứng đầu ngành xây dựng TPHCM cũng nhìn nhận, việc ngăn chặn các công trình vi phạm xây dựng vẫn chưa đạt hiệu quả cao, nhiều trường hợp bị xử lý xong nhưng lại tái phạm. Trong khi đó, các biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp điện, cắt nước dù được UBND TP chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn gặp vướng mắc trong thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 23, Giám đốc Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh đến việc tập trung cưỡng chế công trình vi phạm, nhất là các công trình vi phạm nghiêm trọng như ở số 51 Nguyễn Chí Thanh (quận 5), công trình Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình)…

Ngoài ra,Sở Xây dựng cũng sẽ tham mưu UBND TP về quy trình phối hợp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, trong đó phải đảm bảo có lực lượng phản ứng nhanh, cô lập ngay khu vực vi phạm.

“Thay vì áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước mà chưa được pháp luật cho phép, sẽ có giải pháp ngăn chặn ở khu vực xây dựng trái phép, không cho mang vật tư vào tiếp tục xây dựng”, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình khẳng định.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng khẳng định, trong tháng 5-2020 sẽ có hướng dẫn người dân xây dựng nhà cho công nhân, người lao động thuê. Việc này nhằm giảm tình trạng nhà “3 chung” (chung giấy tờ nhà đất, chung sở hữu, chung số nhà), vì qua đó sẽ tạo thuận lợi cho người dân xây nhà cho thuê được dễ dàng và cũng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Cùng với đó, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP thí điểm cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp ở huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ.

* Đồng chí TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

Từ cuối năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và MTTQ các quận - huyện đã tổ chức nhiều đợt giám sát về kết quả thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy. Các tổ giám sát của MTTQ quận - huyện đã hoạt động hiệu quả, phát hiện nhiều vi phạm, như xây dựng trái phép ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) hoặc vụ 38 căn nhà không phép của ông Lê Tấn Tài (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu phát biểu về kết quả giám sát thực hiện Chỉ thị 23. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chỉ thị 23 đã tạo hiệu quả lớn trong chấn chỉnh tình trạng vi phạm xây dựng. Vì vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở - ngành phối hợp chặt chẽ với quận - huyện trong việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với một số vụ việc mà chúng tôi phát hiện và đề nghị xử lý theo Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đề nghị xem xét xóa quy hoạch treo, nhất là những quy hoạch treo trên 10 năm, 20 năm. Nếu các quy hoạch này tiếp tục kéo dài thì đời sống người dân rất cơ cực, đi vào bế tắc. Thời gian tới, MTTQ cũng sẽ tăng cường giám sát đảng viên ở khu dân cư trong việc thực hiện cam kết không vi phạm Chỉ thị 23.

* Đồng chí VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:

Thời gian qua, các địa phương đã quyết liệt thực hiện Chỉ thị 23. Qua đó, số vụ vi phạm giảm sâu và chưa phát hiện vi phạm quy mô lớn như trước. Những vướng mắc trong cưỡng chế công trình vi phạm đã cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, một số giải pháp thực hiện Chỉ thị 23 vẫn chậm ban hành như quy chế quản lý kiến trúc, quy định thay thế quyết định về tách thửa hiện hành… Từ nay đến cuối tháng, UBND TP sẽ ban hành các quy định này.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị 23. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về biện pháp cắt điện cắt nước ở công trình vi phạm, Sở Xây dựng làm việc với đơn vị cấp điện, nước để thống nhất biện pháp xử lý, thông qua các hợp đồng cung cấp điện, nước. Trong thời gian tới, các sở - ngành tập trung hướng dẫn cho quận - huyện để rà soát, xem xét điều chỉnh quy hoạch cục bộ có trọng điểm, ở một số địa bàn.

Cùng với đó là việc tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong giấy phép xây dựng theo hướng đơn giản, rút gọn nhằm tạo thuận lợi cho người dân và hạn chế xây dựng trái phép. Với các công trình vi phạm trước đây cần rà soát, phân loại, căn cứ quy định pháp luật từng thời điểm để tháo gỡ cho người dân.

KIỀU PHONG - MAI HOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xu-nghiem-vu-nguyen-chanh-thanh-tra-xay-dung-quan-10-xay-sai-phep-658492.html