Xử nghiêm việc tăng giá khẩu trang, nước sát khuẩn

Sau khi thông tin về các ca nhiễm COVID-19 phát ra, ngày 29/1, lượng mua sắm các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, nước súc miệng, mỳ tôm… tăng hơn những ngày bình thường nhưng không có hiện tượng khan hàng, tăng giá. Lực lượng chức năng đã được huy động để kiểm soát thị trường.

Sau khi có thông tin về dịch COVID-19, sức mua ở các siêu thị không quá biến động

Sau khi có thông tin về dịch COVID-19, sức mua ở các siêu thị không quá biến động

Ghi nhận ngày 29/1 tại một loạt hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, người mua hàng đông hơn những ngày bình thường nhưng lượng hàng hóa đều dồi dào.

Tại siêu thị Vinmart trên đường Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng), các kệ hàng đều đầy ắp thịt lợn, tim mề gà, thịt bò… Các mặt hàng phòng dịch như khẩu trang, nước súc miệng, nước rửa tay cũng được bầy nhiều trên kệ.

Các loại khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 có giá từ 45.000 đến 55.000 đồng/chiếc; khẩu trang y tế 3D giá từ 12.000 đến 27.000 đồng/gói 5 chiếc, 275.000 đồng/hộp 100 chiếc…

Tại siêu thị Big C Long Biên, chị Đỗ Thúy Hạnh (quận Long Biên) cho biết, sau khi có thông tin một số ca mắc COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh, chị đi siêu thị sớm hơn để mua sắm Tết, đồng thời mua thêm cho gia đình khẩu trang người lớn và trẻ em. “Tôi cũng chỉ mua 2 hộp bởi thời điểm trước, khẩu trang đã sản xuất nhiều nên không lo thiếu như đợt COVID đầu tiên”, chị Hạnh nhận định.

Về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đại diện BRG Retail cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, BRG Retail đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại 47 điểm bán hàng trên toàn hệ thống. Ngoài dự trữ tại siêu thị, BRG Retail còn dự trữ hàng hóa tại 7 kho hàng.

Tối 28/1, chủ trì cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ đề nghị toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội phải hành động nhanh, nhạy bén và quyết liệt hơn nữa, không để chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ðặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của nhân dân.

Thời gian tới, đơn vị này tiếp tục mở mới thêm nhiều điểm bán hàng, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trực tuyến để hạn chế tập trung đông người. Riêng mặt hàng khẩu trang, BRG Retail đã ký kết với 10 nhà cung cấp nên nguồn cung dồi dào.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp hóa, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể...

Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động.

Đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết đã huy động 100% cán bộ xuống địa bàn để kiểm soát thị trường. Trong đó, chú trọng đặc biệt đến các sản phẩm thiết yếu phòng chống dịch bệnh như: Khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng… Các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như: Dầu ăn, gạo, trứng… kiên quyết không để xảy ra tăng giá, đảm bảo bình ổn thị trường.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/xu-nghiem-viec-tang-gia-khau-trang-nuoc-sat-khuan-1786478.tpo