Xử nghiêm để tránh vết xe cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Sự việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã dấy lên những nghi ngại.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trạng tuyến cao tốc này. Kết quả ghi nhận tại hiện trường đã khiến vị Thứ trưởng này không khỏi bức xúc.

Và điều khiến lãnh đạo Bộ GTVT không hài lòng chính là sự bị động, chậm trễ, thậm chí là tắc trách của chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai công tác khắc phục dù đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có chỉ đạo trước đó. “Bộ trưởng đã có văn bản chỉ đạo VEC (Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam) tổ chức triển khai khắc phục. Nhưng đến bây giờ có thể khẳng định là triển khai của VEC chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ trưởng” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định.

Có thể hiểu được nguyên nhân sự không hài lòng của lãnh đạo Bộ GTVT. Bởi từ đầu tháng 10/2018 đến nay, những thông tin về cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, có trị giá lên tới hơn 34.000 tỷ đồng vừa mới đưa vào sử sụng được chừng một tháng đã xuất hiện tình trạng hư hỏng, bong tróc tại nhiều vị trí đã trở thành câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận sai sót và khắc phục sửa chữa thì người đứng đầu của cả Ban Quản lý (BQL) dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lẫn Sở GTVT tỉnh Quảng Nam lại "lấp liếm" bằng cách đổ lỗi cho trời mưa, xe quá tải và dầu rò rỉ từ các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc này. Chỉ đến khi đích thân Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể bác bỏ lời giải thích “không chính đáng” và “không thể chấp nhận được” này, chủ đầu tư mới có những động thái thừa nhận và khắc phục lỗi của mình.

Tại phiên họp bất thường của Hội đồng Thành viên VEC hôm 12/10 có yêu cầu kiểm điểm Tổng Giám đốc cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra, đánh giá nguyên nhân cũng như đề ra giải pháp xử lý, khắc phục những điểm hư hỏng xuất hiện trên tuyến cao tốc này. Nếu nhìn qua nội dung của phiên họp bất thường trên, nhiều người có thể đánh giá rằng VEC đã và đang rất khẩn trương, quyết liệt trong việc nhận và sửa lỗi của mình. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi cần biết rằng, thông tin về tình trạng hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã xuất hiện và rộ lên từ đầu tháng 10/2018. Với tư cách là chủ đầu tư dự án, đương nhiên VEC không thể không biết về điều này. Nhưng đúng vào lúc cần lên tiếng nhất thì họ lại im lặng và để cho cấp dưới của mình là BQL dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trả lời theo kiểu đối phó và lấp liếm. Mãi đến khi Bộ trưởng Bộ GTVT có chỉ đạo chính thức bằng Công điện số 39/CĐ-BGTVT về việc khẩn trương sửa chữa hư hỏng mặt đường Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, VEC mới có những động thái đầu tiên.

Dẫu vậy, khi tiến hành khắc phục những điểm hư hỏng của dự án, dư luận một lần nữa bức xúc với hình ảnh công nhân mặc quần cộc, đi dép lê thực hiện chắp vá đường hỏng. Điều này khiến lãnh đạo Bộ GTVT phải nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư nghiêm chỉnh chấp hành việc sửa chữa đường theo đúng quy định.

Một con đường cao tốc có kinh phí lên tới 34.000 tỷ đồng lẽ ra phải được xây dựng bằng máy móc hiện đại, có tính toán kỹ thuật và cả sự nghiêm ngặt về chất lượng. Tuy nhiên, những bộc lộ quá sớm về sự xuống cấp nêu trên và sự tắc trách của VEC khiến không ít người nghi ngờ về chất lượng và đặt dấu hỏi về kinh phí. Dư luận mong mỏi, cơ quan chức năng sớm có kết luận về nguyên nhân của sự việc và đưa ra hình thức xử lý nghiêm minh nhất để làm gương, không để những công trình giao thông khác đi vào vết xe đổ của tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Cùng với đó, mấy ngày nay, không ít chuyên gia kiến nghị Bộ GTVT cần vào cuộc, thanh tra toàn diện đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để làm rõ nghi vấn bán thầu và bớt xén vật liệu.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-nghiem-de-tranh-vet-xe-cao-toc-da-nang-quang-ngai-327557.html