Xử nghiêm đảng viên vi phạm giúp cán bộ 'tự soi, tự sửa'

Chín thập kỷ qua, các cuộc chỉnh đốn Đảng đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều mặt, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi một bước những tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: HG

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: HG

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, 90 năm qua, nhờ kiên trì tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đẩy lùi từng bước tham nhũng, lợi ích nhóm

Thực tiễn chín thập kỷ qua cho thấy, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng Đảng. Từ đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc được giao.

Bên cạnh đó, việc xử lý kỷ luật nghiêm minh những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, hơn 54.500 đảng viên vi phạm. Trong đó, có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng)…

Ông Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, thi hành kỷ luật đảng đã thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái, ngăn chặn, đẩy lùi từng bước tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tiêu cực, thúc đẩy thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

“Những kết quả trên góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết hơn, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và tăng cường”, ông Mai Trực nêu quan điểm.

Ông Mai Trực, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: HG

Đấu tranh quyết liệt với đối tượng “chạy chức, chạy quyền”

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân lợi ích, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài… còn nghiêm trọng.

Vì vậy, để công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, cần kiên trì thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp mà các nghị quyết của Đảng đã xác định.

Trong đó, phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên.

“Mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện được tinh thần cầu thị tiến bộ; tinh thần ham học tập ở mọi lúc, mọi nơi; có ý thức kiên trì rèn luyện thói quen, phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, cụ thể, tỷ mỉ từ việc nhỏ đến việc lớn; tự đánh giá bản thân để lựa chọn con đường, biện pháp rèn luyện phù hợp, có thái độ nghiêm khắc trong tự phê bình, lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, cấp trên, cấp dưới và đồng cấp về bản thân”, ông Bình nêu.

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với những sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: HG

Không để người cơ hội lọt vào cấp ủy khóa mới

Một vấn đề nữa là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực, cần xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, công khai kết quả xử lý.

Năm 2020 là năm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào đầu năm 2021. Ông Mai Trực cho rằng, cần phải chú trọng khâu thẩm định nhân sự cấp ủy các cấp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình theo quy định của Trung ương.

“Những đảng viên được bầu vào cấp ủy lần này phải xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”; kiên quyết không để những người cơ hội về chính trị, vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm lọt vào cấp ủy”, ông Mai Trực nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mai Trực, những đơn thư tố cáo phải kịp thời giải quyết, nhất là trường hợp liên quan nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhằm có cơ sở xem xét tư cách đại biểu hoặc tiêu chuẩn nhân sự cấp ủy. Mặt khác, cũng kịp thời làm sáng tỏ để minh oan, bảo vệ người tốt khi bị kẻ xấu bôi nhọ, hãm hại.

Bốn cuộc chỉnh đốn Đảng

Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong công cuộc đổi mới, có 4 cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Đầu tiên là, Nghị quyết 03 ngày 26/6/1992, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Tại nghị quyết nêu rõ, “không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa hư hỏng. Tệ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi vung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại lớn, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng”.

Nghị quyết 10 ngày 2/2/1999, Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được đánh giá là cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ hai. Cuộc chỉnh đốn này với nhiệm vụ trọng tâm là phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.

Cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng lần thứ ba được đánh dấu bởi sự ra đời của Nghị quyết 12, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trong giai đoạn này nổi lên vấn đề: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.

Nghị quyết 04 này 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được coi là cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ tư.

Cuộc chỉnh đốn Đảng lần thứ tư với mục tiêu nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và đề ra các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng…

“Nạn tham nhũng luôn gắn với tệ quan liêu”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, hậu quả của tham nhũng chẳng những làm tổn hại lớn đến tài sản của tập thể, Nhà nước mà điều nguy hại hơn là làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ.

“Nạn tham nhũng luôn gắn với tệ quan liêu, một số cán bộ, đảng viên xa dân, ngại dân, không muốn đối thoại với dân, không quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân và hệ quả là tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp đã và đang diễn ra. Có nơi, cán bộ, đảng viên làm sai được quần chúng góp ý, phê bình thì quay lại trù dập.

Từ suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, tạo điều kiện cho các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ nội bộ Đảng và thực hiện diễn biến hòa bình chống phá cách mạng”, ông Mai Trực nêu.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/xu-nghiem-dang-vien-vi-pham-giup-can-bo-tu-soi-tu-sua_t238c67n159577