Xử nặng, xử nhẹ…

Vụ việc anh thợ điện Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) mang tờ 100USD đi đổi sang tiền Việt để chi tiêu bị phạt 90 triệu đồng xôn xao dư luận đến nay chưa dứt. Mức phạt đó, hầu hết các ý kiến cho rằng bất hợp lý, quá nặng, thiếu tính nhân văn đối với một người lao động có thu nhập thấp vi phạm vì thiếu hiểu biết.

Thế nhưng, bên cạnh trường hợp xử phạt nặng đối với anh Nguyễn Cà Rê, trên thị trường hiện nay phát sinh nhiều vụ việc vi phạm song… “phạt như gãi ngứa”, không đủ sức răn đe, thậm chí nhiều đối tượng cố tình dính phạt để tồn tại.

Một trong những điển hình như vậy là trường hợp các lò mổ trái phép tại Đồng Nai. Theo Sở NNPTNT của tỉnh này, tính từ tháng 8.2017-9.2018, toàn tỉnh đã xuất hiện thêm 14 điểm giết mổ lậu, đẩy tổng số điểm giết mổ lậu lên 44. Những điểm này chẳng những không bảo đảm an toàn vệ sinh, kiểm soát dịch bệnh, mà còn giết cả heo bệnh heo chết bán ra thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng. Theo cơ quan chức năng, tình hình các điểm giết mổ lậu ngày càng phức tạp và khó phát hiện, mặt khác mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn nhẹ, không tương xứng với mức lợi nhuận do giết mổ lậu mang lại, nên các đối tượng chấp nhận bị phạt để tiếp tục tồn tại.

Lý do lớn nhất các lò giết mổ lậu tồn tại được là mức phí dịch vụ thấp so với các lò mổ có giấy phép được trang bị hiện đại và đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, phòng dịch. Hai bên - chủ lò và tiểu thương cùng bắt tay với nhau để đôi bên hưởng lợi về chi phí và thu nhập. Chính vì thế, việc xử nặng đối với chủ lò giết mổ lậu cũng chưa đủ, mà còn phải xử lý cả những tiểu thương mang gia súc đến các điểm trái phép để giết mổ. Không chỉ phạt tiền, tịch thu và tiêu hủy hàng hóa/sản phẩm không qua kiểm dịch theo quy định, mà nặng hơn có thể cấm kinh doanh có thời hạn và vô thời hạn. Nếu răn đe được các tiểu thương, những lò giết mổ lậu sẽ dần không còn đất sống.

Đồng Nai, TPHCM, Tây Ninh, Long An… là những địa phương thường xảy ra tình trạng giết mổ lậu phức tạp. Tại các điểm hoạt động trái phép này, gia súc có thể bị chích thuốc an thần, bơm nước, hay cho ăn những thứ để tăng trọng lượng v.v… trước khi đưa vào giết mổ, sản phẩm ra lò theo đó cũng không còn “sạch” và an toàn. Trên thực tế, còn rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề cần tăng mức phạt nặng hơn với các đối tượng cố tình vi phạm nhằm trục lợi mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

THẨM HỒNG THỤY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/xu-nang-xu-nhe-638902.ldo