Xử lý xe vô chủ tại bãi giữ xe ra sao?

Cần có giải pháp từ các cơ quan thẩm quyền để xử lý hàng trăm xe vô thừa nhận đang chất đống tại các bãi xe nhằm tránh tốn kém, lãng phí.

Thời gian gần đây, có hàng trăm xe vô thừa nhận đang chất đống tại các bãi xe ở sân bay, bến xe, bệnh viện... trên địa bàn TP.HCM. Việc này dẫn đến nhiều hệ quả phát sinh như chiếm diện tích, ảnh hưởng đến doanh thu, nguy cơ cháy nổ, tốn kém chi phí quản lý…

Theo quy định, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời gian tạm giữ nhưng người vi phạm không đến nhận thì đã có Nghị định 31/2020 và Nghị định 115/2013 quy định cách thức xử lý. Hết thời hạn theo quy định mà người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, đem bán đấu giá, sung quỹ nhà nước. Quy định là vậy nhưng thực tế việc xử lý những chiếc xe vô chủ này còn nhiều vướng mắc.

Coi là tài sản thuộc dạng nào?

TS Lê Minh Hùng, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng có thể xử lý số xe này theo quy định về tài sản không xác định được chủ sở hữu. Tài sản dạng này là trường hợp không biết ai là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và cũng không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu. Người phát hiện loại tài sản dạng này phải thông báo hoặc giao nộp cho công an hoặc UBND cấp xã. Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

TS-luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích quan hệ pháp luật giữa người gửi xe và người nhận gửi xe là quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản. Khi hết thời hạn gửi giữ (thường là thời hạn được ghi trong thẻ giữ xe hoặc niêm yết tại các điểm giữ xe), người gửi không đến nhận lại tài sản thì có thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Theo đó, người đang chiếm hữu, quản lý xe tùy từng trường hợp có thể xác lập quyền sở hữu dựa trên ba căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản do người khác bỏ quên.

Để xác định tài sản vô chủ phải chứng minh được chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu tài sản. Đó là việc họ tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền với tài sản. Trường hợp này thì khó xác định được chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu hay không nên khó coi là tài sản vô chủ.

Cũng theo LS Trạch, tài sản vô chủ, không xác định được chủ sở hữu hoặc bị bỏ quên không đương nhiên thuộc về Nhà nước. Những tài sản này Nhà nước chỉ có thể xác lập quyền sở hữu theo Nghị định 29/2018 khi không có người phát hiện ra tài sản.

Xử lý cách nào?

LS Trạch nêu giải pháp: Để thuận tiện việc công nhận quyền sở hữu cho người phát hiện tài sản theo diện không xác định được chủ sở hữu như trường hợp này thì quy định như BLDS là hợp lý. Tuy nhiên, khó khăn có thể bắt nguồn từ việc thiếu sự hợp tác, tâm lý e ngại của các cơ quan quản lý hành chính. Do đó, để giải quyết được tình trạng trên đòi hỏi chính quyền cấp xã cần nghiêm túc việc tiếp nhận và thực hiện thủ tục thông báo khi người phát hiện tài sản đã đề nghị giải quyết.

Xe vô chủ cũ kỹ chất thành đống tại Bến xe Miền Đông. Ảnh: THU TRINH

Xe vô chủ cũ kỹ chất thành đống tại Bến xe Miền Đông. Ảnh: THU TRINH

Nếu có tranh chấp thì sao? Theo LS Trạch, không thể loại trừ các tranh chấp có thể xảy ra như chủ sở hữu trước đây đòi lại tài sản sau khi người phát hiện tài sản được công nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, những trường hợp này là không phổ biến. Chủ sở hữu cũ chỉ có thể khởi kiện đòi tài sản khi chứng minh được có hợp đồng gửi giữ tài sản còn hiệu lực, việc không thể đến nhận lại tài sản là do bất khả kháng. Nếu thủ tục thông báo được thực hiện theo đúng quy định, chủ sở hữu cũ rất khó đòi lại tài sản.

Luật sư Nguyễn Duy Quang, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng Chính phủ cần ban hành quy định cụ thể để giải quyết, xử lý đối với các loại xe trong trường hợp này. Chẳng hạn giao cho công an quận/huyện trở lên xác minh, sàng lọc, giao cho cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá, sau khi trừ các loại chi phí thì còn bao nhiêu sẽ sung công nhà nước.•

Xe chất đống, quá trình thanh lý phức tạp

Theo Công ty CP Bến xe Miền Đông, số lượng xe bị bỏ tại đây tăng theo từng năm, đến cuối năm 2018 số lượng xe tại bãi xe máy lên đến gần 200 chiếc. Còn tại bãi giữ xe Bến xe Miền Tây, tính đến năm 2018 cũng có hơn 300 xe không chủ.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết bến xe có văn bản gửi công an phường và Công an quận Bình Tân đề nghị hỗ trợ việc xử lý các xe này. Sau đó, công an quận đã xuống làm việc, ghi lại số khung, số máy của từng xe để xác minh các xe này liên quan đến vụ án trộm cắp gì hay không.

“Với trường hợp không liên quan, bến xe gửi thư mời hai lần yêu cầu chủ xe đến lấy xe, trong thời gian đó nếu họ không lấy thì đưa công an giám định xe. Sau đó, bến xe đăng thông tin trên mặt báo (hai kỳ với số tiền 60 triệu đồng), sau 365 ngày kể từ ngày đăng báo, chủ xe vẫn không đến nhận thì cơ quan mới tiến hành thủ tục thu hồi, thanh lý” - ông Phương nói.

Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ Bến xe Miền Tây, cho rằng: “Một ngày phí gửi xe là 10.000 đồng, chủ xe nhắm giá trị xe 5-7 triệu mà tiền xe trong một năm khoảng 3 triệu thì họ bỏ luôn. Nhiều xe máy sẽ xuống cấp trầm trọng, thanh lý cũng không còn bao nhiêu tiền. Quá trình làm thủ tục thanh lý theo tôi là quá nhiêu khê, quá phức tạp và rắc rối”.

Còn theo đại diện của nhà giữ xe TCP tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, từ khi nhà giữ xe đi vào khai thác đến nay có khoảng 250 chiếc xe hai bánh không có người đến lấy. Hiện số xe này được xếp vào diện “nằm vạ”. Theo vị này, số xe nằm bãi đã nhiều năm, tuy nhiên vẫn chưa biết xử lý thế nào do chưa có hướng dẫn xử lý từ cơ quan chức năng dù đơn vị đã có kiến nghị đến Sở Tài chính. T.TRINH - P.ĐIỀN

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/xu-ly-xe-vo-chu-tai-bai-giu-xe-ra-sao-956042.html