Xử lý xe công nông, xe tự chế gặp khó

Thời gian gần đây, số lượng xe công nông; xe tự chế 3,4 bánh; xe máy cày kéo rơ-moóc có dấu hiệu bùng phát...

Nhiều phương tiện xe công nông, xe tự chế hoạt động tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao - Ảnh: Quang Đạt

Nhiều phương tiện xe công nông, xe tự chế hoạt động tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao - Ảnh: Quang Đạt

Nhiều cuộc họp được lực lượng chức năng tỉnh này tổ chức nhưng vẫn chưa tìm ra phương án cụ thể để xử lý dứt điểm loại phương tiện này.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, năm 2016 toàn tỉnh có hơn 2.300 phương tiện tự chế, xe công nông, máy cày kéo rơ-moóc. Đến năm 2018, con số này đã tăng lên hơn 3.000 xe. Hầu như tất cả các địa phương trong tỉnh Bình Định đều xuất hiện loại phương tiện này.

Đặc điểm của các loại xe này là xe “nhiều không”: Không đăng kí, đăng kiểm; không có tín hiệu đèn, còi; không có hệ thống gương chiếu hậu... được độ, chế lại cho phù hợp để chở gỗ, nông sản, di chuyển một đoạn đường ngắn rồi quay trở về. Những tài xế chủ yếu là người địa phương, chưa có GPLX, thường chở hàng hóa rất cồng kềnh, che khuất tầm nhìn của cả người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông khác, rất dễ gây ra tai nạn.

Trong 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh Bình Định xảy ra 17 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, xe độ chế, làm chết 5 người, bị thương 18 người. Đa số các vụ TNGT liên quan đến các phương tiện này rơi vào các lỗi: Lái xe không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ, thiết bị an toàn kỹ thuật không bảo đảm...

Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Định) cho biết, đa số các phương tiện này không được đăng kí, đăng kiểm nên rất khó quản lý, việc xử lý phương tiện này khó khăn vì nếu tịch thu các phương tiện, sẽ thiệt hại rất lớn đến kinh tế do đa số các chủ xe là nông dân nghèo. Xử lý cùng lúc nhiều trường hợp vi phạm sẽ tạo nên sự chống đối của một bộ phận lớn người dân.

Theo Trung tá Hoài, phòng đã có văn bản tham mưu Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an các xã rà soát, thống kê số lượng xe công nông, mời các chủ xe để tuyên truyền giáo dục pháp luật ATGT, cho ký cam kết không vi phạm Luật GTĐB. Thời gian tới, phòng sẽ đề xuất phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền cho các chủ phương tiện qua tin nhắn điện thoại. Sau thời gian tuyên truyền, sẽ tiến hành xử phạt nghiêm nếu các phương tiện tiếp tục vi phạm. Đồng thời, sẽ xem xét các phương án cụ thể hỗ trợ các chủ phương tiện này chuyển đổi ngành nghề hoặc chuyển sang sử dụng phương tiện thay thế khác.

Quang Đạt

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/xu-ly-xe-cong-nong-xe-tu-che-gap-kho-d279589.html