Xử lý vi phạm tại Công viên nước Thanh Hà: Tháo dỡ hay phá dỡ?

Thời gian qua, có nhiều dư luận xung quanh việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của chính quyền phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) đối với các công trình xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà.

Hình ảnh Công viên nước Thanh Hà sau khi bị cưỡng chế.

Hình ảnh Công viên nước Thanh Hà sau khi bị cưỡng chế.

Xung quanh việc này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Quy định tháo dỡ công trình xây dựng sai phép

Luật sư Nguyễn Văn Thắng cho biết, luật và các văn bản dưới luật đều quy định rất rõ về việc xử lý các công trình xây dựng sai phép, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình vi phạm, hoặc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, không có luật và Văn bản dưới luật nào có quy định phá dỡ.

Cụ thể tại Điều 28, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rất rõ về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng, trong đó tại điểm b, khoản 1 ghi rõ: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép

Điều 30. Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà công sở,tại Điểm d, Khoản 11, Điều 15 quy định: Biện pháp khắc phục hậu quả. Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc) khoản 6 và khoản 7 Điều này.

Chúng ta phải hiểu thật đúng về “tháo dỡ” được quy định trong luật, đó là các công trình sai phạm bắt buộc phải tiến hành biện pháp cưỡng chế, sau khi chính quyền đã ban hành các văn bản xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn không tự giác thực hiện, lúc đó chính quyền có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Trong trường hợp bất khả kháng, công trình vi phạm đó không thể tháo dỡ được thì bắt buộc phải phá dỡ, việc tháo dỡ phải bảo đảm sau khi tháo dỡ, các thiết bị tháo dỡ phải bảo đảm nguyên vẹn công năng và giảm thiệt hại tối đa cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hà Nội làm rõ thông tin cưỡng chế

“Những hình ảnh được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng ta nhìn thấy, theo tôi, đó là hành động “phá dỡ” công trình xây dựng sai phạm chứ không phải là “tháo dỡ” công trình xây dựng sai phạm”, luật sư Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Chiều 11/2, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo UBND quận Hà Đông đã trao đổi xung quanh các sai phạm tại dự án Công viên nước Thanh Hà và việc cưỡng chế tháo dỡ dự án này.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết, dự án này được các cơ quan chức năng xác định là công trình xây dựng không phép và có sai phạm tại toàn bộ 19 hạng mục. Công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5, chủ đầu tư đã xây dựng không phép. Các cơ quan chức năng của quận đã thiết lập biên bản hồ sơ, xử lý các vi phạm xây dựng tại công trình này.

Ông Ngọc khẳng định, các bước lập hồ sơ, chuẩn bị cho quá trình tháo dỡ, cưỡng chế, UBND quận đều làm đúng quy định và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan chức năng đã gửi đầy đủ thông báo cho chủ đầu tư gồm quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế, thông báo yêu cầu thực hiện, chấp hành các quyết định xử lý của quận Hà Đông.

Theo Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, địa phương đã nhiều lần đôn đốc, vận động chủ đầu tư tự giác tháo dỡ. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không thực hiện các hạng mục công trình vi phạm nên quận bắt buộc phải giao UBND phường Phú Lương cưỡng chế toàn bộ 19 hạng mục vi phạm trong dự án này.

Đáng chú ý, đề cập đến vấn đề xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan khi để xảy ra công trình xây dựng không phép tồn tại trong thời gian dài, dẫn đến phải cưỡng chế, ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, quận Hà Đông đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và sai đến đâu, UBND quận sẽ xử lý đến đó.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi về việc cưỡng chế các công trình sai phạm của Công viên nước Thanh Hà là “phá dỡ” hay “tháo dỡ”, lãnh đạo quận Hà Đông không trả lời.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời rõ việc thực hiện xử lý các công trình xây dựng sai phạm tại Công viên nước Thanh Hà được chính quyền quận Hà Đông thực hiện có đúng với các quy định của pháp luật? Nếu sai thì việc xử lý người ra quyết định và thực hiện quyết định xử phạt như thế nào?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Dự án Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 nằm trên địa bàn phường Phú Lương.

Dự án được xây dựng trên diện tích 3ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

Ngày 15/1, UBND quận Hà Đông tiến hành cưỡng chế, phá dỡ công trình này do xây dựng sai phép.

Thủy – Thắng

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/xu-ly-vi-pham-tai-cong-vien-nuoc-thanh-ha-thao-do-hay-pha-do-post33521.html