Xử lý vi phạm giao thông không được nể nang, xuê xoa

Bảy tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng trong 5 năm qua là: Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Hải Dương, Hậu Giang, Tiền Giang.

“Từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông (giảm trên 42 vụ so cùng kỳ năm năm trước), làm chết 39.917 người (giảm 19% so với cùng kỳ) và bị thương 77.477 người (giảm trên 53% so với cùng kỳ)…”.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thông tin như trên tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và Năm an toàn giao thông 2020, diễn ra sáng 9-12.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Riêng lĩnh vực đường bộ, 5 năm qua xảy ra 92.560 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38.962 người. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, không đi đúng phần đường làn đường…

Đáng chú ý, 5 năm qua hàng không đối diện với 395 sự cố. Trong đó có bảy sự cố nghiêm trọng, 44 sự cố uy hiếp an toàn cao và 344 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.

Với kết quả trên, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ số người chết và bị thương còn ở mức cao. Trong đó, tỉnh Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Hải Dương, Hậu Giang, Tiền Giang có tỉ lệ người chết tăng cao trong 5 năm qua. Cạnh đó là hiện tượng xe quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý...

“Tình trạng ùn tắc giao thông có hiện tượng tái diễn phức tạp tại Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt là khi có triều cường, mưa lớn, gây úng ngập cục bộ, hoặc trên các tuyến có công trình đang thi công…”- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá.

Nguyên nhân là do năng lực kết cấu hạ tầng nước ta vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ phát triển của phương tiện giao thông. Tiến độ đầu tư, xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM còn chậm, đặc biệt là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Công trình đỗ xe, điểm đón, trả khách cho vận tải đường bộ còn ít được quan tâm đầu tư.

Với thực trạng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc ưu tiên các dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2, sân bay Long Thành, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM…

Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông phát hiện và kiến nghị.

“Trong năm 2021, đề nghị Bộ GTVT khẩn trương ứng dụng công nghệ giám sát và tự động đánh giá, sát hạch để cấp Giấy phép lái xe, lái tàu, chứng chỉ thuyền viên… Tiếp tục ký các hiệp định công nhận giấy phép lái xe giữa Việt Nam với các quốc gia không phải là thành viên của Công ước Viên 1968, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam và nước bạn khi tham gia giao thông…”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến tết Dương lịch, sau đó là Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ 13 của Đảng và tết Nguyên đán Tân Sửu, Phó Thủ tướng lưu ý công bố và duy trì trực ban 24 giờ trong ngày số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị có chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin về TTATGT.

“Đặc biệt, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, trấn áp những kẻ cố tình chống đối người thi hành công vụ. Chúng ta không vì Tết mà nể nang, xuê xoa...”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

TP.HCM tước 393.342 giấy phép lái xe

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020, qua tuần tra, kiểm soát vi phạm trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt, TP đã xử lý hơn 2,3 triệu trường hợp, thu phạt hơn 1.630 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 393.341 trường hợp, tạm giữ hơn 311.000 phương tiện các loại.

VIẾT LONG - ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/xu-ly-vi-pham-giao-thong-khong-duoc-ne-nang-xue-xoa-954851.html