Xử lý triệt để đường dây môi giới ngư dân đi đánh cá trái phép

Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), có đường dây môi giới ngư dân đi đánh cá trái phép cả ở trong nước và nước ngoài.

Phó Cục trưởng Hà Lê

Như đã thông tin, trong 5 ngày từ ngày 3 - 7/4, 11 tàu cá của Việt Nam bị phía Thái Lan bắt giữ. Trước đó, Indonesia cũng đã cho đánh đắm 23 tàu cá nước ngoài, trong đó có 13 tàu của Việt Nam.

Vô tình xâm phạm

Tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài gần có nguyên nhân dao đâu, thưa ông?

- Có thể nêu ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên như sau:

Thứ nhất, một số tàu cá, ngư dân Việt Nam trong quá trình khai thác hải sản trên biển (đặc biệt là tại các vùng biển xa bờ, vùng biển giáp ranh với nước khác) do bám theo luồng cá hoặc không biết các thông tin về ranh giới các vùng biển… nên đã vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng có ngư dân Việt Nam, vì lợi ích kinh tế trước mắt đã đánh bắt hải sản trái phép.

Thậm chí, có hiện tượng một số tổ chức, đường dây (ở cả nước ngoài và trong nước) môi giới, vận động và tổ chức đưa ngư dân Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Ngoài ra, việc triển khai các biện pháp của chính quyền địa phương cơ sở (nơi quản lý trực tiếp ngư dân, tàu cá) còn chưa quyết liệt.

Các nước trong khu vực đã thông báo sẽ xử lý nặng nếu ngư dân nước ta tiếp tục vi phạm vùng biển, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Có thể nói, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quyết liệt. Tại một số địa phương, một số cấp chính quyền cơ sở (cấp xã, huyện) còn có tư tưởng ỷ lại các cơ quan quản lý cấp trên, triển khai theo “phong trào”, không thường xuyên, liên tục, nương nhẹ trong xử lý. Trong khi đó, các tổ chức xã hội, đoàn thể chưa xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong việc vận động, tuyên truyền, giáo dục ngư dân.

Tăng cường cho ngư dân học luật

Cục Kiểm ngư sẽ hành động như thế nào để chấm dứt tình trạng tàu cá nước ta xâm phạm vùng biển của các nước trong khu vực?

- Trong quá trình sản xuất trên biển, trước hết ngư dân cần nhận thức rõ trách nhiệm, những hậu quả của mình gây ra khi cố tình có những hành vi vi phạm pháp luật trong vùng biển nước ngoài.

Hiện nay, cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam, cần thiết phải có các quy định để giám sát và cảnh báo kịp thời cho ngư dân (ví dụ như: kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến, bắt buộc tàu cá phải có thiết bị kiểm soát hành trình, giám sát quá trình khai thác hải sản trên biển…).

Ngoài ra, cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc nếu ngư dân cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Các cơ quan thực thi pháp luật phải có các biện pháp điều tra, xử lý triệt để các tổ chức, đường dây môi giới đưa ngư dân, tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và hỗ trợ, khuyến khích ngư dân hoạt động hợp pháp trên biển, Cục Kiểm ngư còn là cơ quan tham mưu cho các cấp quản lý trong công tác ngăn chặn giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo đó, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tập trung và một số hoạt động chính như: Rà soát, tham mưu sửa đổi các chính sách, quy định, chế tài nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá trên biển; tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân về luật pháp của các nước và luật pháp Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ cho ngư dân biết ranh giới các vùng biển, các khu vực không được phép xâm phạm…; phối hợp với các cơ quan chức năng xúc tiến đàm phán, hợp tác trong khai thác hải sản trên biển với các quốc gia trong khu vực; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển; và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.

Công tác phối hợp giữa Cục Kiểm ngư với các cơ quan hữu trách, địa phương trong thời gian qua có khó khăn gì không và khuyến cáo từ phía Cục?

- Có thể khẳng định sự phối hợp hai chiều giữa Cục Kiểm ngư với các cơ quan chức năng Trung ương và UBND các tỉnh ven biển trong thời gian vừa qua là rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp này trong thời gian tới.

Lực lượng Kiểm ngư luôn xác định trách nhiệm hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khai thác hợp pháp trên các vùng biển của Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo ngư dân hoạt động khai thác trên biển phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam và luật pháp của các nước, vì hậu quả của việc cố tình vi phạm pháp luật trong vùng biển nước ngoài sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới gia đình, tới xã hội và đặc biệt là hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Cám ơn ông!

Gia Khánh (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/xu-ly-triet-de-duong-day-moi-gioi-ngu-dan-di-danh-ca-trai-phep-269836.html