Xử lý triệt để các băng nhóm 'giang hồ ảo' bất chấp pháp luật

Liên tiếp các vụ nhóm đối tượng trẻ tuổi chuẩn bị hung khí, đập phá, dàn trận đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Suy xét nguyên nhân, điều dễ nhận thấy do thiếu được chăm sóc, giáo dục, các đối tượng còn bị tiêm nhiễm bởi một loại hình giải trí như game bạo lực và cả những clip 'giang hồ mạng'.

Những đối tượng xăm trổ đầy mình, tự dàn dựng, quay những cảnh “giang hồ trượng nghĩa” trên mạng xã hội đã là mồi lửa cho những nhóm đối tượng trẻ tuổi học theo và ứng xử trong đời thực gây bất an xã hội…

Vụ hàng chục đối tượng tuổi đời còn rất trẻ đem cả bao bố hung khí mà trong đó chủ yếu là mã tấu sáng loáng, sắc nhọn dàn trận tại quận 9, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị huyết chiến khiến dư luận bất an. Cũng may là Công an quận đã phát hiện và giải tán kịp thời, truy bắt các đối tượng nếu không hậu quả thật khôn lường. Tại Công an quận 9, các đối tượng khai nhận “trợ giúp anh em” của nhóm giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Nhóm đối tượng dàn trận chuẩn bị “huyết chiến” bị Công an quận 9 vây bắt.

Nhóm đối tượng dàn trận chuẩn bị “huyết chiến” bị Công an quận 9 vây bắt.

Bắt nguồn từ việc mâu thuẫn giữa Nguyễn Văn Hảo (SN 1996, ngụ quận 9) và Phạm Minh Quân (SN 1997, ngụ Thủ Đức). trong lúc tương tác trên facebook, giữa Hảo và Quân nảy sinh mâu thuẫn nên thách thức nhau, hẹn ra huyết chiến. Từ lời thách thức này, trong lúc nhậu, Hảo đã kêu gọi nhiều đối tượng khác tập hợp lại để bàn bạc và mang mã tấu đi đánh nhau.

Riêng Quân cũng không vừa gọi điện cho Đặng Hoàng Lợi (SN 1991, ngụ Thủ Đức) và 11 đối tượng khác đem theo hung khí đi tìm Hảo. Tại điểm hẹn, cả 2 bên lăm lăm hung khí, mặt đỏ như gấc, hùng hổ định lao vào nhau thì bị tổ công tác 363 phát hiện truy bắt. hai nhóm ném hung khí tại hiện trường, mạnh người nào người nấy chạy thoát thân. Thượng tá Trần Đức Quế, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 9 cho biết, qua truy xét, Công an quận 9 đã đưa về trụ sở 18 đối tượng của 2 nhóm.

Đa phần các đối tượng còn khá trẻ 16-17 tuổi. Hành vi cầm hung khí đuổi chém nhau trên đường phố gây nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, các đối tượng này có dấu hiệu “gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích” nên Công an quận 9 sẽ tổ chức sàng lọc và xử lý nghiêm. Đối với những thanh thiếu niên nhỏ tuổi a dua theo 2 nhóm trên, Công an quận 9 sẽ phối hợp với địa phương, gia đình răn đe giáo dục.

11 đối tượng trong nhóm đập phá quán trà sữa trên đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân khi bị đưa về trụ sở Công an có tuổi đời khá trẻ, nhỏ nhất 14 tuổi nhưng chứa trong người bản tính côn đồ thích thể hiện. Cũng vì mâu thuẫn với một nhóm khác, biết nhóm trên hay ngồi trong quán trà sữa nên nhóm này chuẩn bị hung khí đi tìm để giải quyết mâu thuẫn.

Không tìm được đối thủ, nhóm này đập phá quán trà sữa. Nhìn cây đao sắc lẹm, mã tấu dài hơn mét liên tục đập phá trong quán khiến khách trong quán trà sữa xanh mặt, người dân đi đường chứng kiến cũng chẳng dám dây vào. Hay tại quán nhậu trên đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp thêm một lần nữa cho thấy các đối tượng tuy tuổi đời còn trẻ nhưng rất manh động.

Xuất phát từ việc 2 nhóm nhậu xích mích ẩu đả làm hư hỏng một số vật dụng trong quán, chủ quán giữ lại chiếc xe gắn máy để đòi bồi thường. Nhóm này ra về và kéo thêm người cầm hung khí đến quán đánh bị thương chủ quán, chém một nhân viên trong quán bị thương rồi dắt chiếc xe gắn máy đi.

Nhìn chung, những nhóm quậy phá trên không phải là băng nhóm tội phạm nguy hiểm, có tổ chức mà những vụ việc này xuất phát từ các nguyên nhân rất nhỏ nhặt nhưng lại được các nhóm này giải quyết mâu thuẫn bằng cách kéo bè kéo phái, chuẩn bị hung khí gây rối an ninh trật tự chung.

Việc các đối tượng kéo theo băng nhóm giải quyết mâu thuẫn không phải là mới ở các thành phố lớn. Khi thực hiện hành vi thường chứng tỏ sự hung hãn, manh động nhưng khi bị “tóm”, nhiều đối tượng mới lộ nguyên hình là kẻ nhút nhát; không ít đối tượng khóc lóc, biện lý do do bị bị kích động nên… hùa theo. Từ những vụ việc các đối tượng đa phần là nhỏ tuổi kéo bầy đàn giải quyết mâu thuẫn trên cho thấy một lỗ hổng khá lớn trong giáo dục con em của nhiều gia đình.

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Văn phòng Luật sư Trường (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng băng nhóm trẻ tuổi gây rối trật tự công cộng đó chính là xã hội biến đổi quá nhanh, sự bùng nổ của công nghệ thông tin dẫn đến một bộ phận giới trẻ tiếp cận với những hình ảnh bạo lực nên rơi vào tình trạng sống ảo, tự huyễn hoặc bản thân mình.

Các trang giải trí “đen”, trong đó có những kênh thông tin có nội dung bạo lực nên các nhóm thanh niên mới lớn dễ tiêm nhiễm. Cứ thử hình dung, bật các kênh trên mạng xã hội lên kênh nào cũng có hình ảnh bạo lực, băng nhóm, trả thù, xăm trổ… nhan nhản, dạy người cách giải quyết mâu thuẫn mà nôm na gọi là “giang hồ mạng”.

Các nhóm thanh thiếu niên khi xem các video clip này vô hình trung thần tượng nhân vật trong các clip trên, điển hình như Đường “Nhuệ”, Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”… và khi nhận thức và tác hại cũng như hậu quả từ các video clip này còn non nớt, các đối tượng thanh thiếu niên dễ dàng bắt chước các hình tượng giang hồ trên và đối xử với người mâu thuẫn với mình như kẻ thù, đưa cái ảo của bạo lực trên mạng ra ngoài đời sống thực.

Đại tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, những vụ kéo băng nhóm, quậy phá giải quyết mâu thuẫn thời gian qua không phải là giang hồ hay đại ca, hay băng nhóm có tổ chức gì, chỉ là những thanh thiếu niên thiếu hiểu biết pháp luật, học đòi cách xưng hùng trên mạng xã hội, a dua, bị rủ rê tham gia làm chuyện phạm pháp dẫn đến vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến gia đình và mất an ninh trật tự xã hội. Đối với những đối tượng, nhóm người có hành vi gây rối trật tự, cố ý gây thương tích rõ ràng, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý triệt để.

Anh Thư

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/xu-ly-triet-de-cac-bang-nhom-giang-ho-ao-bat-chap-phap-luat-608439/